Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thi hành án dân sự

NDO -

Ngày 30-7, tại TP Thái Nguyên, Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp tỉnh tổ chức Hội nghị “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thi hành án dân sự góp phần cải thiện Chỉ số PCI trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên”. Đồng chí Bùi Xuân Hòa, Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh chủ trì hội nghị.  

Ảnh: Báo Thái Nguyên.
Ảnh: Báo Thái Nguyên.

Thực tế tại nhiều địa phương cho thấy, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) là Bộ Chỉ số uy tín để đo lường và đánh giá mức độ tín nhiệm của nền kinh tế cũng như sự thông thoáng, tin cậy của môi trường đầu tư kinh doanh của mỗi tỉnh, thành phố.

Đây cũng có thể coi như “tập hợp tiếng nói” của cộng đồng doanh nghiệp dân doanh về chất lượng điều hành kinh tế; đồng thời, cung cấp những thông tin hữu ích cho lãnh đạo các tỉnh, thành về những lĩnh vực và cách thức thực hiện những cải cách điều hành kinh tế một cách hiệu quả nhất để thúc đẩy sự phát triển khu vực kinh tế tư nhân trên địa bàn.

Các đại biểu đại diện sở, ban, ngành, Cục, Chi cục Thi hành án dân sự, đại diện cộng đồng doanh nghiệp đóng góp ý kiến thảo luận, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành án dân sự; mối quan hệ giữa hoạt động thi hành án dân sự với CPI… Từ đó đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả của hoạt động này, góp phần cải thiện CPI.

Các đề xuất này không chỉ nằm trong khâu hoàn thiện thể chế, pháp luật; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động thi hành án dân sự…; mà còn tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong thi hành án dân sự.

Phó Bí thư thường trực, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh Bùi Xuân Hòa cho rằng, để doanh nghiệp khi đầu tư, kinh doanh thật sự an tâm, tin tưởng vào sự bảo vệ của pháp luật thì cần tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động tư pháp, đặc biệt là nâng cao hiệu lực, hiệu quả và rút ngắn thời gian thi hành án dân sự, đảm bảo các quyết định dân sự trong các bản án được thực thi trên thực tiễn, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp. Làm tốt điều này sẽ góp phần tăng chỉ số “Thiết chế pháp lý và An ninh trật tự”, tăng thứ hạng xếp loại Chỉ số PCI của Thái Nguyên.

Đồng chí Bùi Xuân Hòa, Phó Bí thư thường trực, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh cho rằng, những năm gần đây, chỉ số “Thiết chế pháp lý và An ninh trật tự” của tỉnh Thái Nguyên luôn được cải thiện, có thứ hạng cao và có xu hướng bền vững: Năm 2017 đạt 6,42 điểm (xếp thứ 12), năm 2018 đạt 6.40 điểm (xếp thứ 21); năm 2019, đạt 7,13 điểm (xếp thứ 15). Trong kết quả xếp hạng 10 chỉ số thành phần PCI của tỉnh thì chỉ số “Thiết chế pháp lý và An ninh trật tự” là một chỉ số ổn định và được đánh giá cao (thường xếp thứ 3/10 chỉ số thành phần của tỉnh).

Riêng đối với chỉ tiêu liên quan trực tiếp đến hoạt động thi hành án dân sự “Phán quyết của Tòa án được thi hành nhanh chóng” những năm gần đây thi hành án dân sự tỉnh Thái Nguyên luôn nằm trong tốp đầu so với toàn quốc: Năm 2017 đạt 74% (xếp thứ 10), năm 2018 đạt 84% (xếp thứ 1), năm 2019 đạt 80% (xếp thứ 9).

Tuy nhiên, qua thảo luận, nhiều ý kiến cho rằng thời gian qua công tác thi hành án dân sự tại Thái Nguyên còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, làm giảm hiệu lực, hiệu quả và niềm tin của doanh nghiệp đối với hoạt động này. Trong đó, phải kể đến các quy định về thủ tục thi hành án dân sự còn rườm rà, thiếu tinh gọn; công tác quản lý đất đai, đăng ký tài sản, kê khai tài sản còn nhiều khó khăn cho công tác xác minh, truy tìm tài sản; công tác thẩm định giá, đấu giá tài sản kê biên còn chưa sát với thực tế tình hình kinh tế - xã hội của địa phương. 

Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ thông tin, công khai, minh bạch các hoạt động thi hành án dân sự hiệu quả chưa cao; năng lực, trình độ, ý thức trách nhiệm của một bộ phận chấp hành viên, công chức chưa đáp ứng yêu cầu, còn một số biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực trong hoạt động thi hành án dân sự.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo, trong những năm qua, nhờ sự nỗ lực cố gắng, chỉ số PCI của Thái Nguyên có những bước tiến vượt bậc: Từ thứ hạng gần như cuối bảng 57/63 năm 2011, năm 2013 chỉ số PCI của Thái Nguyên vươn lên xếp thứ 25/63, năm 2014 xếp thứ 8/63, năm 2015 xếp thứ 7/63 và năm 2016 tiếp tục “trụ hạng” thứ bẩy trên bảng xếp hạng Chỉ số PCI (đứng đầu tốp tốt), năm 2019 xếp 12/63 tỉnh, thành phố, tăng sáu bậc so với năm 2018. Năm 2019 cũng là năm tỉnh Thái Nguyên có số điểm tổng hợp cao nhất trong các năm. Trong đó, có ba chỉ số đạt trên bẩy điểm là “Đào tạo lao động” đạt 7,88 điểm, “Gia nhập thị trường” đạt 7,36 điểm và “Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự” đạt 7,13 điểm.