Kiến nghị bổ sung các chính sách đặc thù với bộ đội biên phòng

Qua thảo luận về dự án Luật Biên phòng Việt Nam (BPVN), nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) nhấn mạnh lực lượng bộ đội biên phòng (BĐBP) giữ vai trò chuyên trách trong xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, đặc biệt đã thể hiện hiệu quả trong phòng, chống dịch Covid-19. Vì thế cần bổ sung các chính sách, quy định rõ ràng, cụ thể, thể hiện rõ quan điểm của Nhà nước về chính sách đặc thù đối với BĐBP.

Trình bày Tờ trình dự án luật, Thượng tướng Phan Văn Giang, Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Thứ trưởng Quốc phòng, cho biết: Việc xây dựng Luật BPVN nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức, cá nhân, xây dựng lực lượng bảo vệ biên giới toàn diện rộng khắp, nhân dân làm chủ thể, lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt, BĐBP là lực lượng chuyên trách, cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số thành phần tiến thẳng lên hiện đại; xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh, ổn định lâu dài trong nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân ở khu vực biên giới vững chắc, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trong tình hình mới.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu đánh giá cao sự chuẩn bị công phu của Ban soạn thảo và dự thảo Luật BPVN đủ điều kiện trình QH cho ý kiến. Theo Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu, việc ban hành luật này sẽ thể chế đầy đủ Nghị quyết số 33 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia. Về tên gọi của dự án luật, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến, cho rằng, đã thể hiện được yêu cầu xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới, thể hiện tính thiêng liêng, uy nghiêm, gắn với chủ quyền lãnh thổ… Qua thực tiễn, BĐBP thực hiện tốt các nhiệm vụ xây dựng, củng cố cơ sở chính trị, tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc khu vực biên giới. Vì vậy, theo đại biểu Hà Ngọc Chiến, trong dự thảo luật đề cập BĐBP “tham gia xây dựng biên giới”, như vậy chưa đáp ứng yêu cầu, nên điều chỉnh quy định “BĐBP làm nòng cốt tham gia xây dựng địa bàn biên giới vững mạnh” để thể hiện đúng vị trí, vai trò, tầm vóc của lực lượng này.

Chia sẻ ý kiến của các đại biểu và tham gia thảo luận, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao BĐBP là lực lượng quan trọng, nòng cốt, chuyên trách trong sự nghiệp quản lý, bảo vệ biên giới. Nhiều dịp về với đồng chí, đồng bào biên giới, bà con dân tộc thiểu số xa xôi, có mặt tham dự các hoạt động “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản” do Bộ Tư lệnh BĐBP phối hợp nhiều địa phương tổ chức, Chủ tịch QH cho rằng, từ lâu khẩu hiệu “Đồn là nhà, biên giới là quê hương; đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt” đã thể hiện đầy đủ sự gắn bó máu thịt của BĐBP với đồng bào biên giới. Trong thực tiễn, BĐBP tham gia tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn biên giới, thực hiện xuất sắc nhiệm vụ khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân.“Bác sĩ quân hàm xanh”, “Thầy giáo quân hàm xanh” giúp nâng cao dân trí, xóa mù chữ, giúp đồng bào vươn lên thoát nghèo. Bên cạnh đó, BĐBP tăng cường cán bộ chủ chốt về làm Bí thư, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND các xã biên giới; phân công đảng viên về tham gia sinh hoạt tại các chi bộ thôn, bản biên giới, giúp địa phương củng cố cơ sở chính trị vững mạnh...

Nhiều đại biểu đề nghị, xem xét phù hợp các chính sách thể hiện rõ quan điểm của Nhà nước về chính sách đặc thù đối với BĐBP trong dự án luật lần đầu trình QH tại kỳ họp thứ chín sắp tới. Nhấn mạnh chính sách đối với BĐBP là nội dung quan trọng, thể hiện bộ mặt quốc gia, thảo luận về dự án luật, Phó Chủ tịch Thường trực QH Tòng Thị Phóng cho biết: Chính sách đối với BĐBP chưa nêu rõ được tính đặc thù. Ngoài các chính sách đã được quy định tại Luật Quốc phòng, Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam, cần bổ sung các chính sách đặc thù về quân hàm, chính sách đất ở, đất sản xuất... qua đó bảo đảm đời sống cho cán bộ, chiến sĩ và gia đình. Có như vậy các cán bộ, chiến sĩ BĐBP mới yên tâm công tác, gắn bó, cống hiến, hy sinh, xây dựng, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới.

Liên quan việc bảo đảm và chế độ, chính sách về biên phòng, dự thảo luật quy định, Nhà nước có chính sách ưu đãi đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân thực thi nhiệm vụ biên phòng và chính sách đặc thù công tác, địa bàn hoạt động ở khu vực biên giới theo quy định pháp luật; ưu tiên nguồn nhân lực chất lượng cao, cư dân biên giới vào lực lượng BĐBP… Trong báo cáo thẩm tra, Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh đề nghị ban soạn thảo rà soát, nghiên cứu để quy định đầy đủ các chế độ, chính sách về biên phòng, bảo đảm tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ của lực lượng này. Kết luận phần thảo luận dự án Luật BPVN, Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh: Công tác biên phòng là công tác quốc phòng, an ninh rất quan trọng, cần rà soát thật kỹ. Luật BPVN cần có sự thống nhất trong hệ thống pháp luật, ngoài Luật Biên giới quốc gia còn có 10 đạo luật liên quan biên giới, biên phòng. Vì vậy, ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra dự án luật sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến của Ủy ban TVQH, làm rõ nhiệm vụ của BĐBP, tiếp tục rà soát kỹ những vấn đề lớn được đại biểu QH quan tâm, nhất là chế độ chính sách đối với BĐBP.

Dự án luật cần thể hiện rõ quan điểm của Nhà nước về chính sách với lực lượng BĐBP- những người sống xa nhà, ở nơi biên cương của Tổ quốc. Ngay trong mùa dịch Covid-19, lực lượng BĐBP rất vất vả, phải ngủ lán trại, bên đường mòn, lối mở. Người ta thường nói “đồn là nhà” nhưng anh em có được sống trong đồn đâu...

(Ý kiến phát biểu của Chủ tịch QH NGUYỄN THỊ KIM NGÂN tại phiên họp thứ 43)

Hiện nay, hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển là xu thế chung, tuy nhiên tình hình chính trị - an ninh thế giới và khu vực đang diễn biến khá phức tạp, khó lường. Bên cạnh đó, vấn đề biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường... ngày càng gia tăng; các thế lực thù địch tăng cường chống phá cách mạng Việt Nam; vi phạm pháp luật, nhất là tội phạm ma túy và các loại tội phạm có tính chất xuyên biên giới, di dịch tự do diễn biến phức tạp, các vấn đề an ninh phi truyền thống... là những khó khăn liên quan trực tiếp đến thực hiện nhiệm vụ của BĐBP...

Thượng tướng PHAN VĂN GIANG

Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Thứ trưởng Quốc phòng