Khởi tố kép vụ án phá rừng du sam ở Đác Nông

NDO -

NDĐT - Trong khi vụ việc khai thác hàng trăm khối gỗ du sam trái phép tại tiểu khu 1133, thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung đang được Công an huyện Đác Song, tỉnh Đác Nông khởi tố điều tra, thì cũng chính tại tiểu khu này lâm tặc lại tiếp tục triệt hạ, khai thác mới, vận chuyển hàng chục khối gỗ du sam như giữa chốn không người.

Gỗ tang vật bị tịch thu tại trụ sở Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung.
Gỗ tang vật bị tịch thu tại trụ sở Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung.

Điều đáng nói, người và phương tiện dùng để vận chuyển số gỗ trái phép ra khỏi rừng lại do chính Công an huyện Đác Song thuê để chở thu gom gỗ tang vật của vụ án phá rừng trước đó.

Dùng xe chở gỗ tang vật để chở gỗ lậu

Mới đây, trong quá trình tuần tra, kiểm soát tại tiểu khu 1133, Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung, lực lượng kiểm lâm của đơn vị này đã phát hiện và bắt giữ một xe cày độ chế của Nguyễn Trọng Hùng, thường trú tại xã Đác N'Drung, huyện Đác Song đang vận chuyển gần 2m3 gỗ du sam dạng hộp ra khỏi rừng. Qua điều tra, phát hiện chủ gỗ và phương tiện chở gỗ trái phép là do Công an huyện Đác Song thuê để chở gỗ tang vật của vụ án phá rừng đã được khởi tố trước đó. Mở rộng kiểm tra tại tiểu khu 1133 và 1132, phát hiện 10 cây rừng đường kính từ 40cm-70cm bị đốn hạ khoảng đầu tháng 11-2016, trong đó có 8 cây gỗ du sam và hai cây gỗ dầu gió, với khối lượng hơn 33m3.

Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung, ông Đặng Xuân Lộc cho biết: “Chưa thể khẳng định được việc chủ xe lợi dụng thu gom gỗ tang vật để khai thác và vận chuyển gỗ lậu. Tuy nhiên, việc Nguyễn Trọng Hùng vận chuyển gỗ trái phép, ngoài tang vật của vụ án là điều chắc chắn. Sau khi bị bắt, tạm giữ tang vật và phương tiện, Công an huyện Đác Song đã có văn bản xác nhận cả xe và người do công an thuê để chở tang vật vụ án và đề nghị trả phương tiện nên chúng tôi đã thả xe còn gỗ tang vật phải thu giữ để báo cáo cơ quan chức năng xử lý”. Cũng theo ông Lộc, trong quá trình tổ chức thu gom gỗ tang vật của vụ án trước đó, Công an huyện Đác Song chưa phối hợp chặt chẽ với đơn vị trong việc giám sát. Mặc dù đã có văn bản đề nghị từ trước khi tổ chức thu gom gỗ tang vật, nhưng đến nay Cơ quan công an vẫn không cung cấp danh sách về số lượng người và phương tiện được thuê để đơn vị này giám sát, kiểm tra.

Trưởng Công an huyện Đác Song Phạm Quốc Lập xác nhận: “Chiếc xe chở gỗ trái phép bị bắt giữ vừa qua là một trong số các phương tiện do cơ quan này thuê để chở gỗ tang vật của vụ án phá rừng trước đó. Trong quá trình vận chuyển đều có các cơ quan chức năng giám sát, còn vụ việc chở gỗ trái phép vừa qua là do lúc đó cơ quan giám sát vào chưa kịp nên họ bốc nhầm giữa gỗ tang vật vụ án và gỗ của lâm tặc khai thác để ngay gữa đường đi, không có chuyện lợi dụng chở gỗ tang vật để khai thác và vận chuyển gỗ trái phép”. Cũng theo ông Lập, số gỗ trái phép trên có thể do trước đây các cơ quan chức năng kiểm tra chưa kỹ, không phát hiện ra vì lâm tặc cất giấu kín quá. Tuy nhiên, khi chúng tôi đặt câu hỏi, gỗ khai thác cất giấu tinh vi tại sao lại nằm ngay gữa đường đi khiến xe vận chuyển gỗ tang vật dễ dàng bốc nhầm như vậy?

Ông Lập lại cho rằng: “Trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng là của Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung, chúng tôi chỉ có nhiệm vụ vận chuyển gỗ tang vật, khi nào vụ việc chuyển hồ sơ qua mới tiến hành điều tra xử lý”. Riêng việc phối hợp trong việc cung cấp thông tin, giám sát xử lý tang vật vụ án, ông Lập khẳng định: “Vẫn phối hợp hết sức bình thường không có gì khuất tất. Vấn đề cung cấp thông tin về người và phương tiện được thuê hay không chỉ mang tính hình thức chứ còn qúa trình thu gom tang vật vẫn được các cơ quan chức năng giám sát chặt chẽ chứ không hề có chuyện lợi dụng để trục lợi”.

Liên quan đến vụ việc, Chi Cục trưởng Kiểm lâm tỉnh Đác Nông Nguyễn Ngọc Tài cho biết: “Vụ việc khai thác gỗ du sam trái phép số lượng lớn trước đó đã được khởi tố vụ án và đang trong quá trình thu gom tang vật, điều tra truy tìm đối tượng. Riêng vụ việc rừng du sam tiếp tục bị tàn phá trong quá trình vận chuyển gỗ tang vật vụ án và việc dùng xe do Cơ quan công an thuê chở tang vật để chở gỗ trái phép tôi chưa nắm được thông tin cụ thể. Hiện đang chỉ đạo các đơn vị liên quan báo cáo vụ việc, sau khi nhận được đầy đủ thông tin vụ việc chúng tôi sẽ tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đác Nông có biện pháp xử lý …”.

Khởi tố “án chồng án”

Tình trạng phá rừng, khai thác gỗ du sam trái phép tại tiểu khu 1133 diễn ra trong một thời gian dài. Vào trung tuần tháng 9-2016, phóng viên Báo Nhân dân đã “đột nhập” khu bảo tồn phản ánh với loạt bài “Tan nát Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung”. Ngay sau đó, tỉnh Đác Nông đã chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý vụ việc, giao Công an huyện Đác Song khởi tố vụ án “Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng” xảy ra tại tiểu khu 1133.

Đến ngày 29-9-2016, UBND tỉnh Đác Nông đã ban hành Quyết định số:1677/QĐ-UBND thành lập một tổ công tác đặc biệt giao Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì, phối hợp cơ quan chức năng các cấp tiến hành kiểm tra xử lý vụ việc. Theo đó, kể từ đầu tháng 10 đến nay, đoàn công tác gần 50 người gồm: Công an tỉnh Đác Nông, Công an huyện Đác Song, Đội Kiểm lâm cơ động thuộc Chi cục Kiểm lâm, Hạt Kiểm lâm Đác Song và Hạt Kiểm lâm thuộc Khu bảo tồn luôn có mặt kiểm tra tại tiểu khu 1133 cùng một số điểm khác của Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung, thế nhưng lâm tặc vẫn ngang nhiên tàn phá rừng du sam.

Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung Đặng Xuân Lộc bức xúc cho biết: “Ngay cả khi vụ án đã được khởi tố đang trong quá trình điều tra, hàng chục cán bộ của các lực lượng chức năng đang túc trực ngày đêm trong rừng thì rất khó có thể xảy ra việc lâm tặc giám làm liều. Đây có thể có điều gì đó khuất tất, chưa rõ ràng nên tôi đề nghị tỉnh Đác Nông chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra xử lý nghiêm mới góp phần ngăn chặn nạn phá rừng như hiện nay”.

Cũng theo ông Lộc, thời gian gần đây, ngoài cơ quan chức năng thì chỉ có người và phương tiện do Công an huyện Đác Song thuê vận chuyển gỗ tang vật vụ án mới vào được tiểu khu 1133. “Cá nhân tôi không dám khẳng định có việc lợi dụng vận chuyển gỗ tang vật để khai thác gỗ trái phép, nhưng việc công an không cung cấp hồ sơ về người và phương tiện hợp đồng vận chuyển gỗ tang vật làm chúng tôi rất khó khăn trong việc giám sát”, ông Lộc nhấn mạnh.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đác Nông Lê Trọng Yên cho biết: “Chúng tôi đã làm việc với Công an tỉnh Đác Nông về nội dung vụ việc. Theo Cơ quan công an, với mức độ vi phạm, khối lượng gỗ tang vật, tính chất hành vi của vụ việc đã đủ cơ sở để khởi tố điều tra vụ án. Sở kiên quyết xử lý vụ việc đến nơi đến chốn, hiện đã báo cáo và tham mưu cho tỉnh Đác Nông xử lý vụ việc với phương châm không có vùng cấm, làm điểm, trấn áp tội phạm để chấn chỉnh lại công tác quản lý bảo vệ rừng. Do đang trong quá trình điều tra nên chưa thể cung cấp thông tin cụ thể hoặc nêu quan điểm riêng được, phải chờ kết quả điều tra”. Cũng theo ông Yên, từ vụ việc này, Sở sẽ chỉ đạo cơ quan chuyên môn kiểm tra trên toàn bộ 29 tiểu khu thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung, sau đó làm điểm để kiểm tra tại một số đơn vị quản lý bảo vệ rừng khác trong toàn tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đác Nông Trương Thanh Tùng trần tình: “Tôi cũng chưa thể hiểu chuyện gì đang xảy ra, phải có vấn đề gì đó chứ lâm tặc không thể ngang nhiên xem thường các lực lượng chức năng như vậy được. Tại sao các lực lượng chức năng đang có mặt tại tiểu khu 1133 để điều tra vụ án mà lâm tặc vẫn tiếp tục vào khai thác gỗ trái phép ngay “trước mũi” nhưng lại không hề phát hiện và bắt được đối tượng? Hiện, tôi đã ký văn bản chỉ đạo Công an tỉnh Đác Nông khởi tố vụ án, điều tra làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan đến vụ việc...”.