Hoãn phiên tòa xét xử Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh

NDO -

Sáng 22-1, Tòa án nhân dân (TAND) TP Hà Nội mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại CTCP Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học Dầu khí - PVB (Ethanol Phú Thọ).

Công an dẫn giải bị cáo Đinh La Thăng vào khu vực xét xử.
Công an dẫn giải bị cáo Đinh La Thăng vào khu vực xét xử.

Trong vụ án này có 12 bị cáo, trong đó, bị cáo Đinh La Thăng; Vũ Thanh Hà, nguyên Tổng Giám đốc (GĐ) PVB; Trần Thị Bình, nguyên Phó Tổng GĐ PVN; Phạm Xuân Diệu, nguyên Tổng GĐ PVC; Nguyễn Ngọc Dũng, nguyên Phó Tổng GĐ PVC; Đỗ Văn Quang, nguyên Trưởng ban Kinh tế PVC; Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Phó phòng Đầu tư PVB; Khương Anh Tuấn, nguyên Phó phòng Thương mại PVB; Lê Thanh Thái, nguyên Trưởng phòng Kinh doanh PVB; Hoàng Đình Tâm, nguyên Kế toán trưởng PVB bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”.

Bị cáo Đỗ Văn Hồng, nguyên Chủ tịch kiêm Tổng GĐ CTCP Đầu tư và Xây lắp Dầu khí Kinh Bắc (PVC Kinh Bắc) bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Riêng bị cáo Trịnh Xuân Thanh bị truy tố về cả hai tội danh nêu trên.

Theo ghi nhận, từ 7 giờ sáng cùng ngày, xe đặc chủng chở bị cáo Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và các bị cáo có mặt tại TAND TP Hà Nội. Riêng bị cáo Trần Thị Bình (nguyên Phó Tổng GĐ PVN) không có mặt.

Tại phần kiểm tra căn cước, Hội đồng xét xử cho biết đã nhận được đơn xin vắng mặt của bị cáo Bình vì lý do sức khỏe, phải đi điều trị tại bệnh viện. Trong đơn, bị cáo Bình cũng xin hoãn phiên tòa để bảo đảm các quyền lợi của mình.

Ngoài bị cáo Trần Thị Bình, phiên tòa cũng vắng mặt một số người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Trong đó, đáng chú ý là sự vắng mặt của ông Trịnh Xuân Giới, cha ruột bị cáo Trịnh Xuân Thanh.

Đại diện Viện Kiểm sát tại phiên tòa cho rằng, bị cáo Bình có đơn xin vắng mặt và hoãn phiên tòa nên quan điểm của phía Viện kiểm sát là đề nghị cho hoãn phiên tòa. Sau khi thảo luận, Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa, thời gian mở lại phiên tòa sẽ được thông báo sau.

Trước đó, cáo trạng vụ án xác định, năm 2007, ông Đinh La Thăng thay mặt Hội đồng quản trị PVN ký nghị quyết thông qua chủ trương đầu tư dự án Ethanol Phú Thọ. Một năm sau, PVN lập Ban chỉ đạo triển khai các dự án nhiên liệu sinh học, do ông Thăng làm Trưởng ban.

Để thực hiện dự án Ethanol nói trên, PVB tiến hành mời gói thầu TK05 với nội dung: "Thiết kế, mua sắm, cung ứng vật tư thiết bị, thi công xây dựng công trình Nhà máy sản xuất Ethanol nhiên liệu sinh học phía bắc”.

Có sáu bộ hồ sơ của các nhà thầu tham gia ứng tuyển, trong đó hồ sơ của Liên danh PVC/Alfa Laval/Delta-T. Cơ quan điều tra xác định, dù sáu nhà thầu không ai đủ điều kiện nhưng ông Đinh La Thăng và cấp dưới vẫn ký nhiều công văn, chỉ đạo thực hiện chỉ định thầu cho Liên danh PVC/Alfa Laval/Delta-T tham gia dự án trên.

Quá trình thực hiện, do liên danh PVC/Alfa Laval/Delta-T không đủ năng lực nên dự án nhà máy Ethanol Phú Thọ phải dừng thi công từ tháng 3-2013, gây thiệt hại hơn 540 tỷ đồng.