Hồ Núi Cốc bị lấn chiếm như thế nào?

Vi phạm chủ yếu là các hộ dân hồi cư

Hồ Núi Cốc là một trong những công trình thủy lợi lớn ở nước ta. Nhiệm vụ chính của hệ thống thủy lợi Núi Cốc là cung cấp nước tưới cho 12 nghìn ha lúa thuộc bốn huyện, thành phố phía nam tỉnh Thái Nguyên; cấp nước cho công nghiệp và TP Thái Nguyên, với lưu lượng 7,2 m3/giây. Cắt lũ cho vùng hạ lưu sông Công; nuôi cá và kết hợp du lịch. Những năm hạn hán, công trình còn tiếp nước cho hệ thống thủy nông Sông Cầu (Bắc Giang) khoảng 30 - 50 triệu m3/năm.

Hồ Núi Cốc nằm ở vùng thượng nguồn sông Công, được thiết kế với mức nước dâng bình thường ở cao trình 46,2 m (tương đương với dung tích chứa 175,5 triệu m3, diện tích mặt nước là 25 km2) và mức nước cao nhất cho phép là 48,25 m (ứng với diện tích 32 km2). Công trình được khởi công xây dựng năm 1972 và hoàn thành phần đầu mối vào năm 1979.

Ngay từ khi công trình bắt đầu xây dựng, công tác đền bù, giải phóng lòng hồ đã được tiến hành trong các năm từ 1974 đến 1978. Hầu hết các hộ dân có nhà cửa, ruộng vườn nằm ở cao trình từ mức 46,2 m trở xuống đã được đền bù nhà cửa, hoa màu, cây cối để di dời ra khỏi vùng lòng hồ.

Nhưng vào tháng 10-1978, khi công trình còn đang xây dựng đập tràn thì gặp trận lũ lịch sử với lưu lượng về hồ khoảng 3.000 m3/giây, trong khi đập tràn chỉ được thiết kế với lưu lượng 840 m3/giây, cho nên đã vỡ hai bên mang đập.

Vấn đề này, theo các lãnh đạo ở Công ty quản lý khai thác công trình thủy lợi Thái Nguyên cho biết: Tài liệu thủy văn dùng để tính toán thiết kế đập tràn của công trình vừa thiếu chính xác, vừa ít về số năm quan trắc cho nên đập tràn không đủ bảo đảm an toàn cho công trình.

Cũng sau trận lũ này, để bảo đảm an toàn, công trình chỉ được phép trữ nước đến cao trình 42 m. Vì thế, suốt thời gian 22 năm (từ năm 1979 đến 2002), khi hồ Núi Cốc chưa làm xong tràn xả lũ số 2, mức nước trong hồ chỉ giữ ở cao trình 42 m (thấp hơn thiết kế 4,2 m), hàng trăm ha đất nằm trong vùng di dời từ cao trình 42 m trở lên chưa bị ngập nước. Tiếc ruộng đất màu mỡ của mình, các hộ đã di dời bắt đầu kéo nhau về nơi ở cũ sinh sống, sản xuất. Số hộ hồi cư về lòng hồ để ở mỗi năm một tăng.

Theo báo cáo của Công ty quản lý khai thác công trình thủy lợi Thái Nguyên, trước năm 1980 có 22 hộ, từ năm 1981 đến 1990 là 103 hộ, từ năm 1991 đến 1999 là 218 hộ. Số hộ vi phạm nhiều nhất nằm trên địa bàn năm xã thuộc huyện Ðại Từ là Vạn Thọ, Lục Ba, Bình Thuận, Hùng Sơn, Tân Thái, gồm 281 hộ; xã Phúc Tân (Phổ Yên) 37 hộ; hai xã Phú Xuân, Phúc Trìu (TP Thái Nguyên) 22 hộ. Ngoài các hộ dân vi phạm (chủ yếu là các hộ hồi cư), một số cơ quan, đơn vị của tỉnh Thái Nguyên như Nhà nghỉ công đoàn, Xí nghiệp thủy sản, Công ty than cũng xây dựng nhà cửa trong phạm vi lòng hồ khi chưa có ý kiến của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Tại thời điểm này, việc vi phạm lòng hồ Núi Cốc đã diễn ra phức tạp hơn. Số vụ vi phạm đã giảm so với năm 1999, nhưng hình thức vi phạm lại nghiêm trọng hơn.

Theo các lãnh đạo Công ty quản lý khai thác công trình thủy lợi Thái Nguyên và Xí nghiệp thủy nông Núi Cốc, do công trình đã xây dựng xong tràn xả lũ số 2 vào cuối năm 2002, hồ đã đủ an toàn để chứa nước lên tới cao trình 46,2 m, cho nên trong hai năm 2003, 2004, hồ đã tích nước đến cao trình 45-46 m. Nhiều hộ dân ở và sản xuất dưới mức nước này đã di dời đi nơi khác.

Hiện tại, số hộ vi phạm đã giảm xuống 310 hộ, chủ yếu vẫn là các hộ hồi cư về nơi ở cũ. Nhưng chỉ trong vòng hai năm nay, chung quanh hồ đã xảy ra hàng chục vụ vi phạm Pháp lệnh bảo vệ công trình thủy lợi, như san ủi, đổ đất xuống lòng hồ để làm nhà, trồng cây, làm bãi khai thác cát trái phép.

Ðiển hình nhất là vụ hai anh em ông Nguyễn Văn Ðộ và Nguyễn Văn Ðạm ở xóm Dộc Lẫy, xã Phúc Sơn (TP Thái Nguyên) cho ô-tô, máy xúc đổ hàng nghìn m3 đất xuống lòng hồ, lấn chiếm hàng nghìn m2 để làm vườn và làm bãi tập kết cát khai thác. Mặc dù cơ quan quản lý bảo vệ hồ đã lập biên bản, báo cáo chính quyền cấp sở tại xử lý, nhưng khi chúng tôi xuống, không những việc lấn chiếm chưa bị giải tỏa mà việc khai thác cát vẫn diễn ra bình thường.

Xuống xã Tân Thái, huyện Ðại Từ, nơi có năm hộ dân đào núi tạo mặt bằng làm nhà ven đường 260 từ Núi Cốc đi Ðại Từ đổ đất vào lòng hồ. Sau khi Xí nghiệp thủy nông Núi Cốc lập biên bản, các hộ đã dừng việc vi phạm. Tại UBND xã, Chủ tịch xã Bùi Ngọc Tuyển đang cùng cán bộ Xí nghiệp thủy nông Núi Cốc bàn việc xử lý vi phạm của các hộ nằm trong lòng hồ.

Anh Tuyển cho biết: Xã Tân Thái hiện có 79 hộ nằm trong lòng hồ (dưới cao trình 48,25 m), trong đó huyện đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 37 hộ. Hầu hết các hộ này đều ở diện hồi cư, "sổ đỏ" đều được cấp trước năm 1998. Việc hồi cư lấn chiếm lòng hồ xảy ra đã gần hai chục năm nay. Thực tế khi xây dựng hồ chứa, dân ở dưới cao trình 48,25 m đều phải di dời, nhưng lúc đó chỉ được hỗ trợ đền bù nhà cửa, hoa màu, không bồi thường đất đai. Ðến nơi tái định cư, cuộc sống khó khăn, trong khi nơi ở cũ không bị ngập kéo dài hơn 20 năm do chỉ giữ nước ở mức 42 m, cho nên dân lại kéo về làm nhà, cấy trồng ở đất cũ của họ.

Việc này, Xí nghiệp thủy nông Núi Cốc đã lập biên bản, đề nghị chính quyền xử lý. Nhưng do nhiều khó khăn trong việc tái định cư trong những năm trước đây mà chưa xử lý được dứt điểm. Quan điểm của xã hiện nay là kiên quyết xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm như chấm dứt tình trạng đổ đất xuống lòng hồ; khẩn trương di dời các hộ nằm trong vùng ngập nước để bảo đảm an toàn tính mạng người dân và ổn định lâu dài cho cuộc sống của họ.

Nhưng đưa dân đi đâu, dân làm nghề gì để sinh sống là điều khó nhất. Từ năm 1993, xã đã đề nghị tỉnh trả lại 34,4 ha mà Xí nghiệp thủy sản lấy thừa để làm khu tái định cư cho nhân dân trong lòng hồ, nhưng cho đến nay vẫn chưa được tỉnh cấp lại. Về vấn đề di dời dân ra khỏi vùng lòng hồ, Phó Chủ tịch UBND huyện Ðại Từ Nguyễn Ðức Mậu cho biết: Huyện đã đề nghị với tỉnh hỗ trợ nhân dân mua đất nơi khác để ở, hoặc quy hoạch khu tái định cư, dạy nghề cho dân có việc làm để ổn định cuộc sống. Tỉnh đã giao các sở, ban, ngành phối hợp huyện Ðại Từ xây dựng dự án ổn định đời sống dân cư vùng lòng hồ Núi Cốc. Nhưng đến nay những việc này vẫn chưa được triển khai.

Về ngành thủy lợi, cụ thể là Công ty quản lý khai thác công trình thủy lợi Thái Nguyên và Xí nghiệp thủy nông Núi Cốc, đã có nhiều cố gắng. Sau khi Nhà nước ban hành Pháp lệnh bảo vệ các công trình thủy lợi năm 1994, năm 1996, ngành thủy lợi đã soạn thảo và tham mưu cho UBND lâm thời tỉnh Thái Nguyên ban hành Quyết định số 2280/QÐ-UB về việc quản lý khai thác và bảo vệ hệ thống đại thủy nông Núi Cốc, có kèm theo quy định cụ thể của UBND tỉnh để thực hiện quyết định này.

Các trường hợp vi phạm, Xí nghiệp thủy nông Núi Cốc đều mời đại diện chính quyền xã đến, lập biên bản tại chỗ và đề nghị chính quyền xử lý. Các pháp lệnh của Nhà nước, quyết định và quy định của UBND tỉnh thuộc lĩnh vực ngành thủy lợi quản lý, Công ty quản lý khai thác công trình thủy lợi đều tổ chức các buổi tập huấn, hướng dẫn cho cán bộ huyện, xã, trưởng thôn và bí thư chi bộ để tuyên truyền, thông tin cho dân biết. Riêng công trình nhà hàng, nhà nghỉ của các đơn vị Nhà nghỉ công đoàn, Xí nghiệp thủy sản, Công ty than xây dựng trong lòng hồ với tổng diện tích 1.425 m2 là tỉnh phê duyệt cho xây dựng, trong khi chưa có ý kiến bằng văn bản của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Nhưng điều đáng nói ở đây là, trong tổng số 310 hộ vi phạm thì có tới 185 hộ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ba cơ quan được phép xây dựng nhà cửa, nhưng chưa được phép của ngành chức năng quản lý hồ. Có những hộ san lấp lấn chiếm lòng hồ hàng nghìn m2 đã lập biên bản nhiều lần vẫn chưa bị xử lý, vẫn sản xuất kinh doanh.

Mùa mưa lũ đã đến, việc giải tỏa các hộ dân trong vùng ngập nước vẫn dậm chân tại chỗ. Theo chúng tôi, tỉnh Thái Nguyên cần có kế hoạch cụ thể, thực hiện từng bước vững chắc. Trước mắt, Thái Nguyên cần có phương án sớm di dời nhà cửa dân cư trong vùng ngập nước của lòng hồ, nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân.