Hai vấn đề còn nhiều ý kiến tại Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính

NDO -

NDĐT - Một trong hai vấn đề hiện còn nhiều ý kiến khác nhau và cần cân nhắc thận trọng khi xây dựng Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính là “Việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy và nghiện ma túy”.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính chiều 22-5. (Ảnh: QUANG HOÀNG)
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính chiều 22-5. (Ảnh: QUANG HOÀNG)

Đưa vào Luật những quy định có tính hiệu quả cao trong xử lý vi phạm và phòng ngừa sớm

Tại Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV chiều 22-5, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC). Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật.

Theo Tờ trình của Chính phủ Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung nội dung của 61/142 điều, sửa kỹ thuật 9/142 điều, bổ sung mới 3 điều, bãi bỏ nội dung liên quan đến 5 điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho biết, trong quá trình xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật XLVPHC cũng như xây dựng dự thảo Luật này, các bộ, ngành, địa phương cơ bản thống nhất với nhiều nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung. Tuy nhiên, hiện còn hai vấn đề có ý kiến khác nhau, Chính phủ báo cáo xin ý kiến Quốc hội. Đó là việc bổ sung quy định “Ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với cá nhân, tổ chức vi phạm trong xây dựng công trình, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ” và việc “Áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy, nghiện ma túy”.

Đối với vấn đề “Ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với cá nhân, tổ chức vi phạm trong xây dựng công trình, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ", loại ý kiến thứ nhất cho rằng, cần quy định đây là biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Việc bổ sung thêm biện pháp này sẽ góp phần tăng thêm công cụ mang tính mệnh lệnh, phục tùng thể hiện quyền lực Nhà nước, có hiệu quả cao trong xử lý vi phạm, áp dụng trực tiếp với các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt đặc biệt là những quyết định xử phạt có áp dụng hình thức xử phạt bổ sung hoặc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả nhằm ngăn chặn tối đa việc tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm, thiết lập lại trật tự quản lý nhà nước đã bị xâm hại, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan, bảo đảm trật tự, kỷ cương quản lý hành chính nhà nước.

Loại ý kiến thứ hai cho rằng, cần quy định đây là biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính, vì sẽ đáp ứng tốt hơn yêu cầu ngăn chặn, đình chỉ, chấm dứt ngay hành vi vi phạm, do có thể chủ động không cho vi phạm tiếp tục tái diễn, dẫn đến nguy cơ gây hậu quả sẽ lớn hơn nếu không được ngăn chặn kịp thời. Dự thảo Luật quy định theo loại ý kiến thứ nhất nêu trên.

Đối với việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy và nghiện ma túy, loại ý kiến thứ nhất cho rằng, việc quy định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy và nghiện ma túy nhằm tăng cường quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong điều kiện Việt Nam hiện nay, đồng thời, là những biện pháp phòng ngừa sớm, với những đặc thù riêng là rất cần thiết. Điều này thể hiện tính nhân văn, đồng thời, cũng phù hợp với nguyên tắc bảo đảm lợi ích tốt nhất cho trẻ em theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Đặc biệt, đối với đối tượng từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi nghiện ma túy, thay vì giao Chủ tịch UBND cấp huyện xem xét, quyết định áp dụng biện pháp cai nghiện tại khu vực riêng trong cơ sở cai nghiện bắt buộc như quy định tại Luật Phòng, chống ma túy hiện hành và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, thì nên quy định thống nhất do Tòa án nhân dân xem xét, quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng để quản lý, cai nghiện và học tập (nếu không có nơi cư trú ổn định) hoặc biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính giáo dục dựa vào cộng đồng (nếu có nơi cư trú ổn định và đáp ứng một số các điều kiện theo quy định, trong đó có điều kiện đăng ký cai nghiện tại gia đình, cộng đồng) để giáo dục, giúp đỡ người chưa thành niên sửa chữa sai lầm, thay đổi hành vi, trở thành công dân có ích cho xã hội.

Loại ý kiến thứ hai cho rằng, cần cân nhắc thận trọng việc bổ sung quy định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn, đưa vào trường giáo dưỡng đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy và nghiện ma túy, vì chưa phù hợp với nguyên tắc bảo đảm lợi ích tốt nhất cho trẻ em theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Mục đích áp dụng chế tài đối với người chưa thành niên là nhằm giáo dục, phòng ngừa chứ không phải là trừng phạt.

Dự thảo Luật quy định theo loại ý kiến thứ nhất.

Cân nhắc thận trọng khi xây dựng quy định với đối tượng người chưa thành niên, trẻ em

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nêu rõ Ủy ban tán thành sự cần thiết ban hành Luật; cơ bản nhất trí với phạm vi sửa đổi và nhiều nội dung của dự thảo Luật. Về cơ bản, các nội dung của dự thảo Luật phù hợp với chủ trương của Đảng, bảo đảm tính hợp hiến, tính thống nhất với hệ thống pháp luật và tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Về bổ sung biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nhiều ý kiến trong UBPL tán thành với loại ý kiến thứ hai, bổ sung biện pháp này là biện pháp ngăn chặn đối với hành vi vi phạm hành chính, trong đó điện, nước được sử dụng làm công cụ, phương tiện vi phạm. Quy định như vậy là bảo đảm đúng bản chất của biện pháp, tương xứng với hành vi vi phạm, tương tự như việc tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính.

Một số ý kiến tán thành bổ sung biện pháp này là biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nhưng đề nghị thu hẹp trường hợp áp dụng theo hướng chỉ áp dụng biện pháp này để cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức đình chỉ hoạt động có thời hạn.

Về nội dung áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tán thành cần sửa đổi, bổ sung quy định về vấn đề này để khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn mà nhiều địa phương đã phản ánh, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với Luật Phòng, chống ma túy (Luật PCMT) và phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Theo pháp luật hiện hành, người chưa thành niên nghiện ma túy không bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính nên không được quy định trong Luật XLVPHC mà được áp dụng các biện pháp cai nghiện theo quy định của Luật PCMT. Ủy ban Pháp luật tán thành cần nghiên cứu sửa đổi các quy định về cai nghiện bắt buộc đối với người chưa thành niên. Tuy nhiên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhấn mạnh quy định ở văn bản luật nào và bằng hình thức gì cần được cân nhắc thận trọng với các lý do sau đây:

Đảng và Nhà nước ta luôn coi người chưa thành niên, trong đó có trẻ em là đối tượng cần được quan tâm chăm sóc, giáo dục và bảo vệ đặc biệt. Theo Luật Trẻ em, trẻ em nghiện ma túy được xác định là nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, cần có sự hỗ trợ, can thiệp đặc biệt của Nhà nước, gia đình và xã hội để được an toàn, hòa nhập gia đình, cộng đồng. Việc không áp dụng biện pháp xử lý hành chính, không bổ sung vào Luật XLVPHC, mà thực hiện biện pháp cai nghiện tự nguyện hoặc cai nghiện bắt buộc tại gia đình, cộng đồng hoặc tại cơ sở cai nghiện dành riêng cho người nghiện ma túy dưới 18 tuổi theo quy định của Luật PCMT sẽ giúp các em hòa nhập gia đình, cộng đồng tốt hơn, không dẫn đến có “tiền sự” trong lý lịch tư pháp có thể ảnh hưởng tiêu cực tới tương lai phát triển sau này. Quy định như vậy vẫn đạt được mục đích cai nghiện và giáo dục người chưa thành niên nghiện ma túy, đồng thời phù hợp hơn với nguyên tắc bảo đảm lợi ích tốt nhất của trẻ em theo Luật Trẻ em và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 91 của Luật XLVPHC, trường giáo dưỡng không có chức năng chữa bệnh, cai nghiện ma túy nên việc đưa người nghiện ma túy dưới 18 tuổi vào trường giáo dưỡng là không phù hợp. Hồ sơ dự án Luật chưa có đánh giá tác động, dự kiến nguồn lực và các điều kiện bảo đảm thi hành chính sách này.

Do đó, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị bổ sung tổng kết thực tiễn, đánh giá toàn diện hiệu quả của các biện pháp, hình thức cai nghiện đối với người nghiện ma túy dưới 18 tuổi, làm rõ nguyên nhân của những vướng mắc trong việc đưa đối tượng này vào cơ sở cai nghiện bắt buộc dành riêng cho họ theo quy định của Luật PCMT hiện hành để có đề xuất sửa đổi các quy định của Luật này mà không thay thế bằng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng.

Theo chương trình, các nội dung này sẽ tiếp tục được Quốc hội thảo luận tại tổ vào ngày 10-6.