Giải pháp thi hành dứt điểm án tồn đọng, kéo dài

Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng vừa qua khẳng định, công tác thi hành án dân sự cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động và uy tín; phải rút ngắn thời gian thi hành án trong lĩnh vực dân sự, hành chính, đầu tư, kinh doanh, thương mại và bảo vệ người tiêu dùng.

Cán bộ cơ quan thi hành án dân sự đi xác minh điều kiện thi hành án tại vùng khó khăn huyện Võ Nhai (Thái Nguyên).
Cán bộ cơ quan thi hành án dân sự đi xác minh điều kiện thi hành án tại vùng khó khăn huyện Võ Nhai (Thái Nguyên).

Thái Nguyên là tỉnh thuộc vùng trung du miền núi phía bắc có số lượng việc, tiền thi hành án dân sự (THADS) đứng đầu các tỉnh miền núi phía bắc. Năm 2020, tổng số giải quyết là gần 12 nghìn việc, tổng số phải thi hành là gần 11 nghìn việc, số có điều kiện thi hành là hơn chín nghìn việc, chiếm 82,79%. Thi hành xong gần tám nghìn việc, đạt tỷ lệ 87,29% (vượt 7,29% so với chỉ tiêu được giao). Về tiền, tổng số giải quyết là gần 1.000 tỷ đồng, tổng số phải thi hành là hơn 607 tỷ đồng, số có điều kiện thi hành là gần 260 tỷ đồng, chiếm 42,66%. Thi hành xong hơn 136 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 52,37% (vượt 13,87% so với chỉ tiêu được giao). Vừa qua, các cơ quan THADS tỉnh Thái Nguyên đã chủ động tiếp tục tập trung rà soát, đôn đốc và đề ra nhiều biện pháp nhằm xử lý dứt điểm các vụ việc thi hành án có điều kiện thi hành nhưng còn kéo dài, tồn đọng. Theo thống kê của 10 cơ quan THADS, trên địa bàn tỉnh hiện chỉ còn 99 vụ việc loại này, tương ứng với số tiền hơn 7 tỷ đồng. Tuy số lượng không lớn so với tổng số vụ việc phải thi hành hằng năm nhưng hiện tượng này cũng sẽ ảnh hưởng niềm tin của nhân dân vào công lý, cũng như uy tín của các cơ quan THADS trên địa bàn.

Theo đánh giá, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng kéo dài nêu trên. Bên cạnh các nguyên nhân chủ quan do Chấp hành viên thiếu quyết liệt trong truy tìm và áp dụng các biện pháp xử lý tài sản thì thực tiễn công tác thi hành án cũng phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc. Trước tiên, đó là việc một số trường hợp người phải thi hành án thật sự có nhiều khó khăn về kinh tế, điển hình như vụ việc bà Trịnh Ngọc L. tại thị trấn Đu, huyện Phú Lương, hiện đã hơn 90 tuổi, sống phụ thuộc con cháu; vụ việc ông Trần Kim T. tại xã Bình Thuận, huyện Đại Từ, bản thân mắc bệnh phải thường xuyên điều trị tại bệnh viện và còn nuôi mẹ già gần 100 tuổi; vụ bà Vũ Thị Nuôi ở phường Phú Xá, TP Thái Nguyên, đã hơn 90 tuổi... Đối với những trường hợp nêu trên, Chấp hành viên luôn kiên trì, tích cực cùng chính quyền địa phương vận động người phải thi hành án cũng như người thân, gia đình tiếp tục hoàn thành nghĩa vụ, hoặc động viên người được thi hành án vì lòng nhân ái, tình nghĩa làng xóm chia sẻ, xóa phần nợ còn lại cho người phải thi hành án.

Tình trạng tài sản được truy tìm có giá trị lớn hơn rất nhiều lần so với nghĩa vụ thi hành án như vụ bà Bùi Thị Hồi, tại phường Tân Long, TP Thái Nguyên, vụ bà Dương Thị Minh, tại phường Phố Cò, TP Sông Công. Hoặc ngược lại, cũng có trường hợp tài sản được truy tìm để bảo đảm nghĩa vụ thi hành án ở vùng sâu, vùng xa, được đánh giá có giá trị thấp, không có người mua như vụ ông Nguyễn Văn Minh, ở xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ; vụ ông Lưu Tiến Tập tại Vô Tranh, huyện Phú Lương cũng làm Chấp hành viên phải có nhiều đắn đo, thận trọng trước khi áp dụng các biện pháp xử lý tài sản. Ngoài ra, cũng còn có nhiều nguyên nhân khác về pháp lý như: Người phải thi hành án đã chết cho nên đang chờ phân chia di sản, hay tài sản đã thế chấp ngân hàng phải chờ ngân hàng xử lý nghĩa vụ bảo đảm trước. Theo bà Lê Thị Kim Dung, Chi cục trưởng Chi cục THADS thành phố Thái Nguyên, những vụ việc xác định được tài sản nhưng việc thi hành án kéo dài không thể dứt điểm ít nhiều đang mang lại sự bất an trong dư luận xã hội trên địa bàn về tính nghiêm minh của pháp luật.

Theo báo cáo đánh giá thường niên của Ngân hàng Thế giới về môi trường đầu tư kinh doanh, thời gian giải quyết tranh chấp hợp đồng nói chung và thời gian trung bình thi hành một bản án nói riêng tại Việt Nam còn khá dài, hiện đang xếp hạng 69 trong tổng số 190 nền kinh tế thế giới; thời gian trung bình thi hành một bản án là 150 ngày/tổng thời gian giải quyết một vụ việc là 400 ngày. Theo TS Nguyễn Xuân Tùng, Cục trưởng THADS tỉnh Thái Nguyên, trong thời gian tới các cơ quan THADS trên địa bàn sẽ tiếp tục có những giải pháp thiết thực, cụ thể để hạn chế đến mức thấp nhất những vụ việc kéo dài. Tuy nhiên, ông Tùng cũng nhấn mạnh nhiều quy định của Luật THADS năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) hiện hành đã trở nên rất chật hẹp, lạc hậu, làm cho hoạt động thi hành án chậm bước trước yêu cầu phát triển của đất nước. Trước yêu cầu chuyển đổi số của đất nước, nhưng Luật chỉ giới hạn việc chấp nhận thụ lý yêu cầu thi hành án với hình thức trực tiếp bằng đơn, bằng lời nói, hay qua đường bưu điện. Ông Nguyễn Xuân Tùng cũng cho rằng, một số phương pháp giao chỉ tiêu tố tụng trước đây còn mang nặng tư duy "kế hoạch hóa", "năm công tác" đã không còn phù hợp giai đoạn hiện nay. Cho rằng, chế tài xử lý người phải thi hành án thiếu trung thực trong kê khai tài sản, điều kiện thi hành án, hoặc có tài sản nhưng không tự nguyện thi hành án cũng còn thiếu hữu hiệu, ông Nguyễn Xuân Tùng nhấn mạnh: Cần nghiên cứu kinh nghiệm của một số quốc gia về phát triển Hệ thống tín nhiệm xã hội, nếu các tổ chức, cá nhân vi phạm, có tín nhiệm xấu, Luật THADS có thể áp dụng các hình thức hạn chế tiếp cận trong một số lĩnh vực dịch vụ công cộng nhất định để thể hiện sự lên án của xã hội đối với những người phải thi hành án này.

Theo đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), những năm gần đây, chỉ số "Thiết chế pháp lý và An ninh trật tự" trong Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh Thái Nguyên được cải thiện, có thứ hạng cao và xu hướng bền vững, thường xếp thứ 3/10 trong các chỉ số thành phần của tỉnh. Riêng đối với chỉ tiêu THADS "Phán quyết của Tòa án được thi hành nhanh chóng" của tỉnh luôn nằm trong tốp 10 toàn quốc.