Điều tra vụ đơn vị bảo tồn rừng lại đi phá rừng

NDO -

NDĐT - Liên quan đến bài viết Chuyện “động trời” tại Đồng Nai: Đơn vị bảo tồn rừng lại đi phá rừng?, ngày 27-12, Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai cho biết, đã xác định ba người tham gia vụ chặt cây rừng ở khu vực đồi 90, ấp 1, xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu do Khu bảo tồn Thiên nhiên văn hóa Đồng Nai (Khu Bảo tồn) quản lý.

Nhiều cây rừng tự nhiên hàng chục năm đã bị chặt hạ.
Nhiều cây rừng tự nhiên hàng chục năm đã bị chặt hạ.

Bước đầu, những người này khai được lãnh đạo Hạt kiểm lâm Khu bảo tồn thuê chặt. Công an tỉnh Đồng Nai đã vào cuộc điều tra.

Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai xác định, việc chặt cây rừng tự nhiên khu vực đồi 90, Khu bảo tồn không trực tiếp thực hiện, mà thuê một người dân. Cụ thể, ông Thái Ngô Đức, Hạt phó Hạt Kiểm lâm Khu bảo tồn đã gọi thuê Nguyễn Văn Kiệp (SN 1985, ngụ ấp 6, xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu) dọn dây leo, cây bụi, chặt cây rừng. Sau đó, ông Kiệp gọi thêm Lê Hoàng Phú và Huỳnh Văn Công (cả hai cùng SN 1996 và ngụ ấp 6, xã Mã Đà), tiến hành chặt cây rừng ở diện tích gần 1 ha, trong tổng số hơn 3,7 ha diện tích rừng tự nhiên ở khu vực trên.

Làm việc với lực lượng chức năng, bước đầu, các ông Kiệp, Phú, Công đã thừa nhận hành vi vi phạm chặt cây rừng tự nhiên với tổng số 428 lóng, khối lượng gỗ thu giữ được là 12,623 m3. Các đối tượng này cũng khai nhận, công cụ dùng để chặt cây rừng là một cưa máy và ba dao phát. Trong đó, cưa máy do Trạm Kiểm lâm cơ động Khu bảo tồn cho mượn. Về tiền công, cả ba cho biết, chưa nhận được thanh toán. Việc chặt cây được tiến hành làm hai đợt: đợt 1 vào tháng 7-2019 và đợt hai từ ngày 23 đến 27-11.

Điều tra vụ đơn vị bảo tồn rừng lại đi phá rừng ảnh 1

Trước dấu hiệu của việc phá rừng tại khu vực trên, trả lời phóng viên Nhân Dân điện tử sáng 27-12, một lãnh đạo Công an tỉnh Đồng Nai cho biết, sau khi nhận thông tin đã cử lực lượng xuống hiện trường, làm việc với các đơn vị liên quan để xác minh, điều tra làm rõ. Bước đầu, xác định, việc chặt cây rừng tự nhiên có dấu hiệu tội Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản, theo Điều 232, Bộ Luật hình sự năm 2015.

* Chuyện "động trời" tại Đồng Nai: Đơn vị bảo tồn rừng lại đi phá rừng?