Cục trưởng CSGT nói về đề xuất trừ điểm Giấy phép lái xe

NDO -

NDĐT - Ngày 17-6, Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), Bộ Công an, tổ chức hội nghị thông tin đến báo chí về công tác sáu tháng đầu năm 2020. Cục trưởng CSGT đã có chia sẻ về đề xuất trừ điểm Giấy phép lái xe.

Cục CSGT cho biết, việc trừ điểm Giấy phép lái xe là quy định văn minh và nhân văn.
Cục CSGT cho biết, việc trừ điểm Giấy phép lái xe là quy định văn minh và nhân văn.

Tại hội nghị, Cục CSGT đã thông tin về kết quả của đợt ra quân Tổng kiểm soát phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Cục CSGT đã ban hành kế hoạch Tổng kiểm soát phương tiện cơ giới đường bộ, được thực hiện trong một tháng (từ 15-5 đến 14-6).

Mục đích cao nhất của đợt tổng kiểm soát là bảo vệ tính mạng, sự an toàn của người dân khi tham gia giao thông, phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm, hạn chế thấp nhất tai nạn giao thông (TNGT) và ùn tắc giao thông. Đồng thời, cũng để cho người tham gia giao thông tự giác chuẩn bị đầy đủ các loại giấy tờ theo quy định của pháp luật về giao thông đường bộ, cũng như các điều kiện để tham gia giao thông an toàn.

Trong một tháng ra quân, lực lượng CSGT toàn quốc đã phát hiện, xử lý hơn 400 nghìn trường hợp vi phạm. Trong đó, có hơn 20 nghìn trường hợp vi phạm nồng độ cồn, 276 lái xe dương tính với ma túy.

Phát biểu tại hội nghị, Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng, Cục trưởng CSGT cho biết, trong sáu tháng đầu năm 2020, việc thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) có những thuận lợi nhưng cũng có nhiều khó khăn. Trong đó, nổi bật là từ ngày 1-1-2020, Nghị định 100/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực. Đáng kể nhất là những quy định phạt tiền ở mức cao nhất, lên tới 40 triệu đồng và tước giấy phép 24 tháng đối với người điều khiển ô-tô vi phạm nồng độ cồn. Lĩnh vực giao thông cũng là lĩnh vực đầu tiên thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Bên cạnh đó, theo Cục trưởng CSGT, do tác động của dịch bệnh Covid-19 và sau khi hết nới lỏng giãn cách xã hội, lập lại trạng thái bình thường mới, tình hình TTATGT lại có nhiều diễn biến phức tạp. TNGT nhất là một số vụ TNGT có hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Trong đó, bước đầu xác định được người điều khiển phương tiện có cồn trong cơ thể. Ngoài ra, tình trạng tụ tập đua xe, lạng lách đánh võng, tình trạng chống người thi hành công vụ diễn ra phức tạp.

Lãnh đạo Cục CSGT cũng thông tin về việc Bộ Công an trong vòng hai năm qua đã nghiên cứu công phu và đề xuất xây dựng Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ, thể hiện trách nhiệm của Bộ Công an trước Chính phủ. Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ được xây dựng theo hướng tách từ Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thành hai luật: Luật Giao thông vận tải đường bộ do Bộ GTVT chủ trì thực hiện và Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ do Bộ Công an chủ trì xây dựng.

Theo đó, những vấn đề thuộc về trật tự an toàn cho tổ chức, cá nhân tham gia giao thông được bảo đảm an toàn về tính mạng, tài sản sẽ thuộc sự điều chỉnh của Luật Bảo đảm TTATGT. Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ sẽ luật hóa các quy định trước đây mới để ở thông tư của các bộ, ngành, thí dụ như: hệ thống báo hiệu đường bộ, tốc độ trên đường, các hoạt động của Cảnh sát, mới ở thông tư của Bộ Công an hoặc Bộ Giao thông vận tải đã được cụ thể hóa trong luật. Do vậy, người dân, người nước ngoài tới Việt Nam chỉ cần theo dõi Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ là hiểu biết và chấp hành rất thuận lợi.

Một nội dung đáng chú ý trong dự thảo Luật Bảo đảm TTATGT là nội dung về trừ điểm Giấy phép lái xe (GPLX) đối với các tài xế vi phạm. Theo quy định này, Cảnh sát giao thông sẽ không chỉ đơn thuần quản lý giấy tờ, mà còn quản lý về các hành vi của người tham gia giao thông. Mỗi GPLX sẽ có tổng số 12 điểm, dữ liệu trừ điểm được cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu. Tài xế sau khi “hết điểm” muốn cấp GPLX mới buộc phải học và thi lại trong thời gian ít nhất sáu tháng kể từ ngày giấy phép lái xe cũ hết hiệu lực.

Có 10 hành vi và nhóm hành vi khi vi phạm, tài xế sẽ bị tước quyền sử dụng GPLX ngay lập tức và 28 hành vi khi vi phạm, tài xế sẽ bị trừ điểm.

Theo Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng, đề xuất trừ điểm vào GPLX khi tài xế vi phạm là văn minh và mang tính nhân văn. Bởi lẽ, nếu như trong quy định của pháp luật hiện hành, có một số hành vi, khi tài xế vi phạm đã bị tước ngay GPLX thì nay nếu trừ điểm, sẽ tác động vào tâm lý, giúp tài xế có ý thức hơn, không bị tước ngay GPLX, còn cơ hội để chấp hành nhưng tăng được tính cảnh báo. Hơn nữa, việc trừ điểm GPLX đã được các quốc gia tiên tiến trên thế giới áp dụng nhiều năm nay.