Chống gian lận xuất xứ hàng hóa

Trong bối cảnh xảy ra chiến tranh thương mại giữa một số nước lớn, nhiều doanh nghiệp đã tìm mọi cách nhằm hưởng ưu đãi thuế quan của hàng hóa có xuất xứ Việt Nam. Hành vi gian lận này đã khiến nhiều ngành sản xuất trong nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi nước nhập khẩu áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.

Trước nguy cơ nêu trên, Tổng cục Hải quan đã chủ động nghiên cứu các quy định về điều kiện, tiêu chuẩn xác định xuất xứ hàng hóa Việt Nam xuất khẩu; nghiên cứu hoạt động xuất, nhập khẩu của một số doanh nghiệp (DN), từ đó xác định những rủi ro, phương thức, thủ đoạn gian lận, giả mạo xuất xứ. Trên cơ sở kết quả rà soát, phân tích thông tin về hàng hóa xuất khẩu vào thị trường Mỹ theo các tiêu chí: có kim ngạch xuất khẩu tăng đột biến, mặt hàng xuất khẩu thuộc các nhóm hàng Mỹ đang áp thuế cao đối với một số nước, các DN có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập trong giai đoạn xảy ra cuộc chiến thương mại, Cục Kiểm tra sau thông quan (Tổng cục Hải quan) xác định 19 nhóm mặt hàng có rủi ro để chỉ đạo thực hiện 36 cuộc kiểm tra sau thông quan. Qua đó, phát hiện 10 DN vi phạm, đề nghị VCCI thu hồi 1.394 Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) đã cấp do không đủ điều kiện xuất xứ Việt Nam, xử phạt vi phạm 1,02 tỷ đồng, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, buộc nộp lại số thu lợi bất hợp pháp hơn 20,4 tỷ đồng, thực hiện tịch thu tang vật vi phạm trị giá hơn 12 tỷ đồng. Chín cục hải quan địa phương được giao thực hiện kiểm tra 24 DN cũng báo cáo sơ bộ phát hiện năm DN sai phạm.

Ðại diện Cục Kiểm tra sau thông quan cho biết, đã tổng hợp và xác định một số hành vi, thủ đoạn và phương thức vi phạm của DN thuộc một số ngành hàng. Thí dụ, đối với nhóm mặt hàng xe đạp, DN nhập khẩu đầy đủ các bộ phận, linh kiện ở dạng chưa lắp ráp hoặc tháo rời về Việt Nam để lắp ráp thành sản phẩm hoàn chỉnh. Các bộ phận, linh kiện nhập khẩu không trải qua bất kỳ công đoạn gia công, sản xuất nào khác hoặc chỉ trải qua các công đoạn gia công đơn giản không làm thay đổi bản chất hàng hóa (như gia công sơn khung, càng, ghi đông, tay lái...) để trở thành sản phẩm hoàn chỉnh nhưng không đủ điều kiện đạt xuất xứ Việt Nam. Ðối với nhóm mặt hàng pin năng lượng mặt trời, đã xác định các tấm mô-đun năng lượng mặt trời xuất khẩu của DN được sản xuất từ các tấm tế bào quang điện nhập khẩu hoàn toàn từ nước ngoài, không đáp ứng tiêu chí để được công nhận là hàng hóa có xuất xứ Việt Nam, nhưng DN vẫn đề nghị xin cấp C/O form B và khai báo xuất xứ Việt Nam khi xuất khẩu, do vậy, một DN đã bị xử phạt vi phạm hành chính. Về nhóm mặt hàng đồ gỗ nội thất, DN nhập khẩu (hoặc mua lại từ hàng nhập khẩu) dưới dạng linh kiện rời, đồng bộ hoặc nhập khẩu ở dạng bán thành phẩm về gia công đơn giản (khoan lỗ,
chà nhám và sơn) để lắp ghép thành sản phẩm hoàn chỉnh (tủ, giá sách, giường, bàn...) và không đáp ứng tiêu chí xuất xứ Việt Nam, Cục đã phát hiện, lập biên bản vi phạm và xử phạt vi phạm hành chính ba DN. Nhóm mặt hàng tơ tằm cũng trong diện nguy cơ cao về gian lận xuất xứ, cụ thể: DN nhập khẩu mặt hàng tơ tằm thô từ Trung Quốc về Việt Nam, nhưng không đưa về công ty để sản xuất mà chỉ thực hiện bốc dỡ, đưa vào lưu kho tại TP Hồ Chí Minh, sau đó làm thủ tục xin cấp C/O mẫu AI theo tiêu chí WO (xuất xứ thuần túy) và xuất đi Ấn Ðộ. Khi làm thủ tục xin cấp C/O, công ty có văn bản cam kết hàng hóa xuất khẩu được sản xuất từ dây chuyền ươm tơ của công ty có nguyên liệu từ nguồn thu mua trong nước với cơ quan cấp C/O. Như vậy, DN này đã có hành vi cung cấp tài liệu, chứng từ không đúng sự thật để xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ từ cơ quan có thẩm quyền. Cục đã lập biên bản và xử phạt một DN vi phạm, Bộ Công thương đã thu hồi tám C/O mẫu AI...

Để chống gian lận xuất xứ Việt Nam đối với hàng hóa xuất khẩu, Tổng cục Hải quan đề nghị Bộ Công thương cung cấp thông tin các DN, mặt hàng có nghi ngờ gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn, chuyển tải bất hợp pháp để tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra. Thường xuyên chỉ đạo, cảnh báo các tổ chức cấp C/O về việc tăng cường kiểm tra, giám sát việc cấp C/O, cần lưu ý một số mặt hàng có nguy cơ cao về gian lận xuất xứ hàng hóa (như: pin mặt trời, lốp ô-tô, hạt dẻ cười, tôm, nhôm, thép, gỗ ván ép, gạch men, xe đạp điện...). Sớm hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật quy định hướng dẫn về xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa đối với hàng hóa xuất khẩu; rà soát, sửa đổi và bổ sung các công đoạn gia công chế biến giản đơn quy định tại Ðiều 9 Nghị định 31/2018/NÐ-CP để phù hợp tình hình hiện nay... Ðối với đơn vị cấp C/O, cần đánh giá rủi ro, tổ chức các đoàn kiểm tra, xác minh cơ sở sản xuất của DN khi có nghi vấn trước khi cấp; tập huấn, hướng dẫn kịp thời về xuất xứ hàng hóa cho DN và khuyến nghị DN phối hợp cung cấp thông tin cho cơ quan quản lý khi thấy có dấu hiệu bất thường, tránh gây ảnh hưởng đến ngành sản xuất.