Cảnh giác trước cạm bẫy của tội phạm mua bán người

Tội phạm mua bán người vẫn luôn tìm các thủ đoạn dụ dỗ, lôi kéo phụ nữ, nhất là các cô gái để đưa qua biên giới lừa bán. Rơi vào cạm bẫy của đối tượng xấu, nhiều cô gái đã phải sống trong quãng thời gian tủi nhục. Một số may mắn trở về nhưng cũng phải chịu những tổn thương tinh thần nghiêm trọng.

Theo báo cáo từ Bộ Công an, trung bình hằng năm, các lực lượng chức năng Việt Nam phát hiện khoảng 400 vụ mua bán người. Trong đó, số vụ án mua bán người ra nước ngoài chiếm khoảng 80%. Năm 2018, phát hiện 211 vụ mua bán người với 276 đối tượng, 386 nạn nhân. Sáu tháng đầu năm 2019, toàn quốc phát hiện xảy ra 89 vụ, liên quan 142 đối tượng, lừa bán 169 nạn nhân. Có thể nói, tội phạm mua bán người đang gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự an toàn xã hội. Điều đáng nói là cạm bẫy mà các nhóm tội phạm mua bán người bày ra để lôi kéo nạn nhân “muôn hình vạn trạng” cho nên nhiều người, nhất là các cô gái nhẹ dạ cả tin dễ dàng sập bẫy.

Trung tuần tháng 10 vừa qua, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh truy nã đối với Nguyễn Thị Ngọc Ánh (SN 2001, trú tại tỉnh Phú Thọ) về hành vi mua bán người. Đối tượng Ngọc Ánh đã lừa rủ chị A. (SN 2002, trú tại Hà Nội) ra nước ngoài làm việc, tuy nhiên thực chất là để lừa bán A. đi làm gái mại dâm. Theo tài liệu điều tra, vào cuối năm 2017, một đối tượng nữ tên T. (trú tại thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên) sang Mi-an-ma làm gái mại dâm. Sau đó, T. được chủ chứa là người Trung Quốc tín nhiệm, bảo về Việt Nam tìm những phụ nữ trẻ đẹp đưa sang làm gái mại dâm, nếu trót lọt, T. sẽ được trả 5.000 nhân dân tệ cho mỗi trường hợp (tương đương khoảng 16 triệu đồng). Đến tháng 11-2018, sau khi về Việt Nam, T. tìm gặp Nguyễn Thị Ngọc Ánh, rủ đi nước ngoài làm gái mại dâm để kiếm tiền. Do muốn có thêm người đi cùng, nên Ánh đã nảy sinh ý định rủ rê nạn nhân A. “xuất ngoại”. Để thuyết phục A., Ngọc Ánh bịa ra rằng, sau khi sang nước ngoài, hai người sẽ được tuyển dụng làm nhân viên chia bài tại sòng bạc. Công việc rất nhàn, được ăn mặc đẹp và mức lương khoảng 15 triệu đồng/ tháng. Tin vào lời đường mật của Ngọc Ánh, A. đã nhận lời. Cuối tháng 11-2018, đối tượng T. thuê ta-xi đưa Ngọc Ánh và A. đi từ Thái Nguyên về bến xe Mỹ Đình (Hà Nội) rồi tiếp tục bắt xe khách lên TP Lào Cai. Tại đây, T. ở lại, chỉ có Ngọc Ánh và A. được các đối tượng trong đường dây mua bán người đưa sang Trung Quốc. Từ Trung Quốc, nhóm này tiếp tục vượt biên sang Mi-an-ma. Tuy nhiên, khi vừa đặt chân tới Mi-an-ma, A. bị các đối tượng ép làm gái bán dâm.

Sống trong tủi nhục một thời gian dài, lợi dụng sơ hở, A. đã dùng điện thoại nhắn tin về cho gia đình ở Việt Nam để cầu cứu. Nhận được tin báo, cơ quan điều tra Công an TP Hà Nội đã lập chuyên án đấu tranh nhằm bóc gỡ đường dây này. Trong lần Ngọc Ánh về lại Việt Nam để tiếp tục tìm kiếm các cô gái khác, lực lượng công an đã phát hiện và đưa về trụ sở cơ quan điều tra để đấu tranh, làm rõ, đồng thời, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để giải cứu nạn nhân A. Từ lời khai của đối tượng mua bán người cho thấy, đường dây mua bán người của chúng rất chuyên nghiệp. Mỗi khi tìm được cô gái đúng như yêu cầu, những đối tượng trực tiếp đi lừa gạt sẽ chụp ảnh nạn nhân rồi gửi sang nước ngoài trước, khi những kẻ phụ trách việc tuyển chọn trong đường dây đồng ý, các đối tượng mới bắt đầu kế hoạch đưa nạn nhân vượt biên. Trong quá trình di chuyển, tại các khu vực biên giới và khu vực trung chuyển đều có các đối tượng chuyên trách trong đường dây tới để giúp việc đưa người được thuận lợi. Một vụ việc đau lòng khác là trường hợp của chị N.T. (tạm trú quận Thanh Xuân, Hà Nội). Qua mạng xã hội, chị T. quen biết với Lê Nguyên Tùng (SN 1994, trú tỉnh Thanh Hóa) mà không biết Tùng là một kẻ chuyên mua bán người. Thấy chị T. nhẹ dạ, Tùng cùng một đối tượng tên H. bàn bạc thống nhất việc lừa bán chị T. Hai đối tượng đã đi xe khách từ Thanh Hóa ra Hà Nội để đón và đưa chị T. đi xe khách đến TP Móng Cái (Quảng Ninh) rồi đưa sang Trung Quốc bằng đường sông, sau đó, lên ô-tô khách để đi sâu vào trong nội địa. Để cắt đứt mọi quan hệ của nạn nhân với người thân ở Việt Nam, nhóm đối tượng đã lấy điện thoại của chị T. cho Tùng giữ. Sau phi vụ đó, Tùng được người phụ nữ trả 6.500 nhân dân tệ và chia cho H. 3.000 nhân dân tệ. Sau đó, chị T. bị Công an Trung Quốc bắt giữ. Đến cuối tháng 2-2018, nạn nhân được Công an Trung Quốc trả về Việt Nam. Do mặc cảm và tự ti cho nên chị T. không đến ngay cơ quan công an tố cáo hành vi phạm tội của các đối tượng. Đến ngày 10-6-2019, chị T. mới đến cơ quan công an trình báo sự việc.

Theo cơ quan công an, phụ nữ và nhất là các cô gái luôn là đối tượng những kẻ mua bán người nhắm đến. Trong đó, có những người sinh ra trong các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, thiếu sự chăm sóc nuôi dạy của các bậc phụ huynh, lên thành phố kiếm sống, kinh nghiệm sống còn ít cũng dễ bị các đối tượng lừa bán. Bởi vậy, để tránh trở thành nạn nhân của những kẻ mua bán người, tự bản thân mỗi người, nhất là các cô gái mới lớn và chị em phụ nữ cần rất cảnh giác khi bắt đầu một mối quan hệ, nhất là với những đối tượng quen biết qua mạng xã hội. Cảnh giác trước những lời rủ đi chơi xa hoặc giới thiệu cho công việc lương cao, nhàn hạ. Cơ quan chức năng, nhất là Bộ Thông tin và Truyền thông, cần tăng cường hoạt động tuyên truyền về công tác phòng, chống tội phạm mua bán người trên các phương tiện thông tin đại chúng và thông qua các trang mạng xã hội, nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về các phương thức, thủ đoạn, tác hại của tội phạm mua bán người để người dân, nhất là phụ nữ, trẻ em có ý thức cảnh giác, tự phòng ngừa không để bọn tội phạm mua bán người lợi dụng.