Cần xử lý nghiêm đường dây trục lợi chính sách ở Trà Vinh

NDO -

NDĐT – Một đường dây trục lợi chính sách lớn tồn tại gần 10 năm trời tại hầu hết các huyện của tỉnh Trà Vinh vừa bị phanh phui, gây thất thoát ngân sách nhà nước hơn 11 tỷ đồng. Người dân Trà Vinh từng xôn xao với việc nhiều cán bộ, “cò” lặn lội về các huyện “mua bán tên”, mượn danh của các gia đình chính sách để miễn giảm tiền chuyển mục đích sử dụng đất, sau đó chuyển ngược lại tên cho mình hoặc cho người thứ ba để trục lợi.

Căn nhà của bà Lê Thị Có, thân nhân liệt sĩ ở xã Song Lộc, huyện Châu Thành bị lợi dụng trục lợi chính sách.
Căn nhà của bà Lê Thị Có, thân nhân liệt sĩ ở xã Song Lộc, huyện Châu Thành bị lợi dụng trục lợi chính sách.

Kỳ 1: “Cò đất” mượn tên thân nhân liệt sĩ

Trên thực tế đây là chiêu trò của đội quân “cò” đất đai từ năm 2011 tới nay. Chúng đổ về tất cả các địa phương trong tỉnh Trà Vinh, dụ dỗ các gia đình chính sách, như: thân nhân liệt sĩ, thương binh có hoàn cảnh khó khăn “bán tên” để làm thủ tục mua bán, chuyển nhượng đất đai, hưởng ưu đãi miễn giảm tiền chuyển mục đích sử dụng đất. Thậm chí nhiều trường hợp bị “bán trộm tên”, “cướp tên”, ký khống vào hợp đồng mua bán mà không hề hay biết.

Rầm rộ “bán tên”

Thanh tra tỉnh Trà Vinh vừa có kết luận Thanh tra về việc miễn giảm tiền sử dụng đất cho người có công với cách mạng theo Quyết định số 118-TTg ngày 27-2-1996 và Quyết định số 117-TTg ngày 25-7-2007 tại bảy huyện: Châu Thành, Cầu Ngang, Cầu Kè, Tiểu Cần, Càng Long, Duyên Hải và Trà Cú. Theo đó, từ năm 2011 đến nay, có tổng số 310 hồ sơ được kiểm tra có sai phạm, gây thất thoát tiền ngân sách nhà nước hơn 11 tỷ đồng.

Từ đó, phóng viên Nhân Dân điện tử đã đi thực tế điều tra, xác minh việc mua bán “món hàng hóa” lạ kỳ này. Ông Trần Văn B., ngụ TP Trà Vinh, một người biết rõ chiêu trò của các tay “cò” dịch vụ đất đai ở Trà Vinh, giải thích, khi có người muốn mua đất ở trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, nhưng gốc là đất nông nghiệp. Khi đó, người mua sẽ nhờ “cò” hoặc tự họ đi tìm các gia đình chính sách nhờ giúp đỡ bằng nhiều cách như thuyết phục bán tên, đứng tên thay (mượn tên) hoặc “mua trộm tên” thông qua con cháu của gia đình chính sách.

“Từ mảnh đất nông nghiệp do chủ sở hữu đứng tên, người này sẽ làm hợp đồng chuyển nhượng sang gia đình chính sách. Sau đó, “cò” lấy hồ sơ gia đình chính sách đi chuyển đổi mục đích sử dụng đất (lên thổ cư), và được miễn thuế 100%. Sau khi đươc cấp “sổ đỏ”, “cò’ lại mượn tay gia đình chính sách tặng cho, làm thủ tục chuyển nhượng lại cho người mua thật sự. Như vậy, từ đất nông nghiệp đã được “hô biến” thành đất thổ cư, đất ở nông thôn hay đô thị mà không phải đóng tiền sử dụng đất theo quy định, trục lợi từ vài chục đến vài trăm triệu đồng/hồ sơ”, ông B. bức xúc.

Cách đây không lâu, có người tìm đến gặp ông Huỳnh Văn Xiệu, thương binh ¼ ở xã Thạnh Phú, huyện Cầu Kè, nhờ “mượn tên” để lập một hợp đồng mua bán 299,9m2 đất tại ấp Tân An Chợ, xã Tân An, huyện Càng Long. Chủ sở hữu mảnh đất này là bà Đỗ Thị Cẩm, sinh năm 1968, ở ấp Nhà Thờ, xã Tân An, huyện Càng Long đã chuyển nhượng cho ông Xiệu. Sau đó, “cò” đã dùng giấy tờ thương binh của ông Xiệu đi làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và chuyển mục đích sử dụng đất lên thổ cư. Vì là thương binh, ông Xiệu được miễn giảm 100% tiền chuyển mục đích sử dụng đất hơn 686 triệu đồng. Sau đó, mảnh đất từ người thương binh được chuyển nhượng cho bà Lê Thị Vệ ở xã Tân An, huyện Càng Long (người mua đất thật sự) và ngân sách không thu được đồng nào.

Tương tự, vợ chồng Nguyễn Văn Phong và Nguyễn Thị Xuân Thủy (sinh năm 1985, ngụ xã Hòa Minh, huyện Châu Thành) nhờ bà Nguyễn Thị Cao (sinh năm 1930, thân nhân liệt sĩ ở xã Mỹ Chánh, huyện Châu Thành) đứng tên trên hợp đồng mua hơn 190m2 đất cây lâu năm (CLN) tại ấp Xóm Trảng, xã Nguyệt Hóa, huyện Châu Thành. Sau đó, dùng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tên bà Nguyễn Thị Cao để chuyển mục đích sử dụng đất lên thổ cư, trục lợi hơn 290 triệu đồng.

Còn anh Trần Văn H., cháu ngoại của liệt sĩ Trần Văn Sáng ở ấp Láng Khoét, xã Song Lộc, huyện Châu Thành cho biết, cách đây vài năm, có một “cò” đất tên Vui đã đến tận nhà gặp bà ngoại anh là Lê Thị Có (vợ liệt sĩ Sáng), “mượn tên” làm thủ tục chuyển nhượng và chuyển mục đích sử dụng đất. Bà Có không đồng ý, “cò” Vui liền “đi cửa sau” móc nối với cháu ngoại là Trần Văn H., thực hiện hành vi trục lợi chính sách. Vui ra giá “mua trộm tên” bà Lê Thị Có là 20 triệu đồng với điều kiện H. âm thầm đưa hồ sơ vợ liệt sĩ của bà ngoại mình cho Vui tự do sử dụng vào mục đích vi phạm pháp luật. H. và nhiều người dân ở xã Sông Lộc quả quyết, chuyện “bán tên”, “mượn tên” hay “bán trộm tên” thân nhân liệt sĩ ở đây có thời gian diễn ra rầm rộ, vì tự dưng lại có từ 10-20 triệu đồng mà không phải làm gì cả.

Cần xử lý nghiêm đường dây trục lợi chính sách ở Trà Vinh ảnh 1

PV Nhân Dân điện tử và cán bộ địa phương trao đổi với bà Lê Thị Có.

Giả mạo chữ ký, chứng thực sai quy định

Trở lại vụ bà Lê Thị Có, năm nay đã 82 tuổi, vợ liệt sĩ Trần Văn Sáng ở ấp Láng Khoét, xã Song Lộc, huyện Châu Thành bị cháu ngoại “bán trộm tên” cho “cò” Võ Văn Vui. Với hồ sơ liệt sĩ có được trong tay, “cò” Vui bắt đầu phù phép. Bỗng dưng bà Nguyễn Thị Mít, sinh năm 1946, ở xã Phước Hảo, huyện Châu Thành – một người hoàn toàn xa lạ đã tặng cho bà Lê Thị Có 300m2 đất lúa tại ấp Tri Phong, xã Hòa Lợi, huyện Châu Thành. Rồi cũng chính “cò” Vui thay bà Có đi làm thủ tục cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và chuyển mục đích sử dụng đất sang thổ cư để được miễn 100% tiền chuyển mục đích sử dụng đất là 432 triệu đồng. Xong xuôi, mảnh đất do bà Có đứng tên sở hữu chuyển nhượng lại cho bà Thạch Thị Thanh ở phường 6, TP Trà Vinh.

Trao đổi với phóng viên Nhân Dân điện tử, bà Lê Thị Có khẳng định, bà không hề rời khỏi nhà hay đến văn phòng công chứng hoặc trụ sở UBND xã để làm hồ sơ thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất đai trên.

“Tui lại không biết chữ, làm sao ký tên, làm sao biết mà cũng không có tiền để mua bán đất đai. Tui có mấy công ruộng trước nhà, sau khi ông nhà hy sinh, tui dựng vợ gả chồng xong là chia hết đất ruộng cho bốn đứa con gái, chỉ sống một mình ở đây”, bà Có thật thà nói.

Bà Huỳnh Thị Mai, Trưởng ban Nhân dân ấp Láng Khoét cho biết, bà Có rất hiền lành, chỉ sinh sống một mình ở quê, do con cái nuôi, làm gì có tiền dư để mua đất rồi bán lại cho người khác. Còn H., cháu ngoại bà Có, đi làm thợ hồ, cuộc sống khá khó khăn nên khi được “cò” dụ dỗ cho tiền đã “bán trộm tên” bà ngoại, không ngờ đã tiếp tay cho các đối tượng trục lợi chích sách, gây thất thoát ngân sách nhà nước.

Cách nhà bà Có không xa là bà Kiều Thị Chi, 82 tuổi, cùng ngụ ấp Láng Khoét, là thân nhân liệt sĩ, cũng bị các đối tượng “cướp tên” để trục lợi chính sách. Bà Chi cho biết, hai người con trai là Lâm Văn Thiệt (sinh năm 1957) và Lâm Văn Đạt (sinh năm 1959) đã hy sinh trong các cuộc kháng chiến giành độc lập. Nhưng đến nay, chỉ có Lâm Văn Thiệt được công nhận là liệt sĩ. Theo lời bà Chi, bà chưa được hưởng ưu đãi về chính sách người có công nào khác, ngoài việc lĩnh chế độ hằng tháng của nguời con trai đã hy sinh.

“Tôi già cả rồi, lại không biết chữ, sống nhờ con trai út nuôi thì làm gì có tiền bạc mà mua bán đất đai”, bà mẹ liệt sĩ nói. Và bà còn quả quyết không hề quen biết hay gặp mặt người đã trục lợi chính sách từ tên tuổi của mình là Trần Thị Quỳnh, sinh năm 1984, ở phường 5, TP Trà Vinh.

Theo Kết luận thanh tra số 04 ngày 14-4 của Thanh tra tỉnh Trà Vinh, qua kiểm tra các hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất, đa số các hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đều do UBND các xã, thị trấn thực hiện chứng thực không đúng theo quy định.

“Cụ thể, người chuyển nhượng, người nhận chuyển nhượng không trực tiếp ký tên vào hợp đồng chuyển nhượng hoặc không trực tiếp ký tên trước mặt người chứng thực”, kết luận nêu rõ.

Cần xử lý nghiêm đường dây trục lợi chính sách ở Trà Vinh ảnh 2

Bà Lê Thị Có: Tôi không bán chữ, không có mua bán đất.

---------------

(Kỳ sau: Làm rõ việc cán bộ tiếp tay cho sai phạm)