Cần sớm xử lý nghiêm tình trạng khai thác đất trái phép ở Thái Nguyên

NDO -

Sau khi Nhân Dân điện tử phản ánh tình trạng khai thác đất trái phép làm vật liệu san lấp mà người dân gọi là “đất tặc” diễn ra công khai ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, làm dư luận bức xúc, UBND tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo, Sở Tài nguyên và Môi trường, nhiều địa phương ban hành văn bản yêu cầu kiểm tra, xử lý. Tuy nhiên, thực tế ở nhiều nơi, “đất tặc” vẫn ngang nhiên lộng hành.

Ngay sau khi bị phạt 3,5 triệu đồng, tình trạng khai thác đất trái phép tại xóm Phúc Thành, xã Hóa Trung, huyện Đồng Hỷ vẫn tái diễn.
Ngay sau khi bị phạt 3,5 triệu đồng, tình trạng khai thác đất trái phép tại xóm Phúc Thành, xã Hóa Trung, huyện Đồng Hỷ vẫn tái diễn.

UBND tỉnh Thái Nguyên, Ban Chỉ đạo Quản lý tài nguyên khoáng sản tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo UBND huyện Phú Bình và các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh kiểm tra, xác minh, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm, cương quyết giải tỏa, tổ chức lực lượng thường xuyên kiểm tra, giám sát tất cả các điểm nóng thường xảy ra khai thác đất trái phép làm vật liệu san lấp và báo cáo cấp, ngành liên quan.

UBND huyện Phú Bình yêu cầu các xã Tân Kim, Tân Hòa, Điềm Thụy, Công an huyện, Phòng Tài nguyên và Môi trường tổ chức kiểm tra, ngăn chặn, xử lý nghiêm vi phạm, giải tỏa toàn bộ hoạt động khai thác, mua bán, vận chuyển đất san lấp trái phép trên địa bàn, có biện pháp bảo đảm không để tái diễn.

Sau đó, các địa phương thuộc huyện Phú Bình, như: UBND xã Tân Kim xử phạt hành chính một trường hợp với số tiền 3,5 triệu đồng; UBND xã Tân Hòa xử phạt hành chính hai trường hợp với tổng số tiền 5 triệu đồng; UBND xã Điềm Thụy xử phạt một trường hợp với tổng số tiền 5 triệu đồng.

Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh Thái Nguyên, các huyện, thị xã, thành phố ban hành văn bản chỉ đạo, chấn chỉnh, tổ chức nhiều cuộc kiểm tra, giải tỏa các điểm “đất tặc”; Ban Chỉ đạo Quản lý tài nguyên khoáng sản tỉnh và Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã tổ chức kiểm tra, xác minh trực tiếp một số điểm.

Những chỉ đạo của UBND tỉnh Thái Nguyên, xử lý của các địa phương có kết quả bước đầu, cụ thể là những ngày cuối tháng 11-2020, “đất tặc” tạm thời không hoạt động, nhưng sau đó đâu lại đóng đấy, chỉ đạo của tỉnh, huyện... dường như chỉ như "đá ném ao bèo", “bắt cóc bỏ đĩa” bởi sau đó khai thác đất trái phép lại tái diễn, càng khiến dư luận bức xúc.

Điển hình là thời gian gần đây, khu vực đồi đất của gia đình ông Dương Văn Thực rộng khoảng 4.000 m2, khối lượng đất lên đến hàng vạn khối ở xóm Trạng, xã Điềm Thuỵ, huyện Phú Bình khai thác sôi động như một công trường lớn, số lượng ô-tô tải vào chờ lấy đất chở đi lên đến 30 - 40 chiếc, xếp hàng đông như bến xe khách.

Khu đồi của gia đình ông Thực nằm trong quy hoạch Khu B Khu Công nghiệp Điềm Thụy, chủ đầu tư hạ tầng là Công ty APEC đang tiến hành bồi thường giải phóng mặt bằng đối với khu đồi này. Tuy nhiên, ông Thực chỉ đồng ý nhận tiền, bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư với một điều kiện: “Để gia đình đào, sử dụng khối lượng đất khu đồi thì mới nhận tiền và bàn giao mặt bằng”. Trên thực tế, khối lượng đất rất lớn đã được ông Thực bán kiếm lợi.

Một trong những “điểm nóng” khai thác đất trái phép trên địa bàn huyện Phú Bình là xã Tân Hòa, mặc dù gần đây hai trường hợp đã bị xử phạt với số tiền 5 triệu đồng, nhưng đây là số tiền rất nhỏ so với đào bán đất trái phép mang lại nên “đất tặc” không sợ. Biểu hiện là trên địa bàn xã Tân Hòa những ngày gần đây, hoạt động ban ngày lộ liễu, “đất tặc” chuyển thời gian khai thác, vận chuyển đất từ hai, ba giờ đêm đến bảy giờ sáng. Mặc dù “đất tặc” chuyển sang hoạt động ban đêm, nhưng tại các điểm khai thác nhân dân đều biết, bởi tiếng máy xúc, ô-tô tải chạy rầm rầm thì lãnh đạo chính quyền, công an xã chính quy không thể không biết.

Cả sườn đồi rộng lớn ở xóm Phúc Thành, xã Hóa Trung thời gian dài vừa qua bị một người tên là Nguyễn Thế Anh cư trú ở xã Hóa Thượng gần đó khai thác, vận chuyển lượng đất rất lớn đi bán. Ngày 16-11-2020, UBND xã Hóa Trung ban hành quyết định xử phạt Nguyễn Thế Anh 3,5 triệu đồng, yêu cầu dừng ngay khai thác. Tuy nhiên, sau đó khu vực này vẫn bị khai thác rầm rộ, làm nhân dân bất bình.

Việc xử khai thác đất trái phép là để răn đe, giáo dục, cuối cùng là ngăn chặn hành vi sai phạm tái diễn, nhưng do mức xử phạt quá thấp, không thấm gì so với giá trị của khai thác trái phép mang lại; phạt xong bỏ đó mà không kiểm tra ngăn chặn thường xuyên, liên tục nên “đất tặc” không sợ, tiếp tục lộng hành.

Mặt khác, nhu cầu sử dụng đất làm vật liệu san lấp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên rất lớn, lợi nhuận từ cung cấp đất san lấp mang lại rất cao nên “đất tặc” xuất hiện, bùng phát trên diện rộng từ nhiều năm qua. Trong khi đó, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng chưa có những biện pháp ngăn chặn thật sự hiệu quả, cho nên “đất tặc” vẫn tiếp tục có cơ hội khai thác trái phép, gây bức xúc dư luận.