Cần hạn chế tình trạng chậm xét xử án dân sự

Thời gian qua, mặc dù đã có quy định về thời hạn chuẩn bị xét xử vụ án, có chế tài đối với thẩm phán để xảy ra tình trạng án quá hạn, nhưng việc chậm xét xử các vụ án dân sự vẫn diễn ra.

Năm 2012, ông Nguyễn Ngọc Huyên và bà Lê Thị Thu Nga có đơn ly hôn gửi lên TAND quận Phú Nhuận (TP Hồ Chí Minh). Ngày 8-10-2012, TAND quận Phú Nhuận thụ lý Vụ án số 460/2012/TLST-HNGĐ. Tuy nhiên, phải đến ngày 27-6-2016, tức là gần bốn năm kể từ khi thụ lý, vụ án mới được đưa ra xét xử để giải quyết yêu cầu ly hôn và phân chia tài sản chung của các đương sự. Sau đó, vì có đương sự kháng cáo, cho nên ngày 2-6-2017, TAND thành phố Hồ Chí Minh đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm và tuyên hủy một phần bản án sơ thẩm, chuyển toàn bộ hồ sơ về TAND quận Phú Nhuận để giải quyết lại về phần quan hệ tài sản chung và nợ chung. Thế nhưng đến nay, hơn một năm trôi qua, vụ án nêu trên tiếp tục bị “ngâm” tại TAND quận Phú Nhuận, không được đưa ra xét xử. Như vậy, hơn sáu năm trôi qua, TAND quận Phú Nhuận chưa giải quyết xong một vụ án ly hôn.

Đó là thí dụ điển hình trong rất nhiều vụ án dân sự quá hạn ở Việt Nam hiện nay. Theo quy định tại Điều 203, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (TTDS), thời hạn chuẩn bị xét xử các vụ án là: Đối với các vụ án tranh chấp về giao dịch dân sự, hợp đồng dân sự; tranh chấp về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân; tranh chấp về thừa kế tài sản… thì thời hạn là bốn tháng kể từ ngày thụ lý. Các vụ án tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận; tranh chấp liên quan đến lao động… thời hạn là hai tháng kể từ ngày thụ lý.

Mặt khác, theo Quyết định số 120/QĐ-TANDTC của TAND tối cao ra ngày 19-6-2017 về việc “Ban hành quy định xử lý trách nhiệm người giữ chức danh tư pháp trong TAND” thì thẩm phán để từ ba vụ, việc quá thời hạn giải quyết, xét xử theo quy định của pháp luật từ 12 tháng trở lên nhưng không có lý do chính đáng thì chưa xem xét đề nghị bổ nhiệm lại trong thời hạn 12 tháng. Thẩm phán bị xử lý trách nhiệm bằng hình thức tạm dừng thực hiện nhiệm vụ được giao trong thời gian 30 ngày khi có một trong những hành vi vi phạm sau đây: Để từ trên ba vụ, việc quá thời hạn dưới sáu tháng hoặc một vụ, việc trở lên quá thời hạn từ sáu tháng trở lên kể từ ngày hết thời hạn chuẩn bị xét xử, thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu theo quy định của pháp luật nhưng không có lý do chính đáng.

Tình trạng “ngâm” án xảy ra khá nhiều, trực tiếp ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự vốn được tòa án bảo vệ, chưa kể việc tốn thời gian, công sức theo đuổi vụ án. Mặt khác, theo một số chuyên gia pháp luật, hiện nay, một số vụ án bị chậm đưa ra xét xử là do tòa án “lạm dụng” khoản 1, Điều 214, Bộ luật TTDS để ban hành quyết định tạm đình chỉ vụ án trong trường hợp: Cần đợi kết quả thực hiện ủy thác tư pháp, ủy thác thu thập chứng cứ hoặc đợi cơ quan, tổ chức cung cấp tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của tòa án mới giải quyết được vụ án. Trong khi đó, do vụ án tạm đình chỉ, khi có căn cứ phục hồi, tòa án ra thông báo tiếp tục đưa vụ án ra giải quyết và thời hạn chuẩn bị xét xử của vụ án đó sẽ được tính lại từ đầu theo quy định tại Điều 203 Bộ luật TTDS. Thủ tục này khiến vụ án tiếp tục bị kéo dài thời gian giải quyết một cách không cần thiết.

Nguyên nhân khách quan dẫn đến chậm xét xử các vụ án dân sự một phần là do nhiều vụ án có tính chất phức tạp, trong khi số lượng cán bộ, thẩm phán chưa đủ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Một số quy định của pháp luật chưa đầy đủ, rõ ràng, chưa có hướng dẫn kịp thời. Chưa có sự phối hợp của một số cơ quan, tổ chức trong việc cung cấp văn bản, tài liệu… Tuy nhiên, cũng có nhiều nguyên nhân đến từ phía các cơ quan tư pháp, như: Thiếu sự kiểm tra, đôn đốc thực hiện công vụ của cán bộ, thẩm phán. Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng xét xử của một số thẩm phán chưa cao. Công tác thu thập chứng cứ của các cơ quan có thẩm quyền kéo dài mà chưa có chế tài xử lý. Quá trình giải quyết vụ án, nhiều thẩm phán thường lựa chọn những vụ đơn giản để giải quyết trước nhằm đạt chỉ tiêu công tác…

Để không còn án quá hạn, cần xác định trách nhiệm và có biện pháp xử lý đối với cá nhân thẩm phán cũng như chánh án TAND cùng cấp trong việc để các vụ án quá hạn do nguyên nhân chủ quan. Lãnh đạo TAND các địa phương cần tăng cường kiểm tra, thanh tra các đơn vị trực thuộc, bàn biện pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc và phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời, nghiêm minh đối với cán bộ, công chức có biểu hiện tiêu cực hoặc có vi phạm. Chính quyền và các cơ quan chuyên môn cần tích cực phối hợp tòa án trong quá trình giải quyết các vụ án dân sự. Tăng cường bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức cho các thẩm phán, nhất là thẩm phán cấp sơ thẩm...