Cần chế tài đủ mạnh để răn đe các đối tượng cho vay tín dụng đen

NDO -

Sáng 20-1, tại Tọa đàm "Nhận diện, đẩy lùi hoạt động tín dụng đen" do Báo Người Lao Động tổ chức, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhấn mạnh, cần chế tài đủ mạnh để răn đe các đối tượng cho vay tín dụng đen.

Quang cảnh buổi Tọa đàm sáng 20-1.
Quang cảnh buổi Tọa đàm sáng 20-1.

Theo Phó Thống đốc, “Tín dụng đen” không chỉ là hành vi vi phạm về hoạt động kinh tế, cho vay với quan hệ thủ tục vay mượn không đúng nguyên tắc dân sự mà hệ lụy gây ra đã dẫn đến nhiều câu chuyện đau lòng, gây ra sự bất ổn trong đời sống người dân. Do đó, Ngân hàng Nhà nước và ngành ngân hàng nói chung coi đây là nhiệm vụ quan trọng để thực hiện triển khai nhiều gói tín dụng phục vụ tiêu dùng để đẩy lùi nạn tín dụng đen.

Ngoài ra, để trấn  áp tình trạng “tín dụng đen” không chỉ cần ngành ngân hàng đáp ứng được các nhu cầu chính đáng về tín dụng đối với người dân mà cần sự vào cuộc của lực lượng công an, tòa án, viện kiểm sát (nếu trở thành vụ án) và cả chính quyền địa phương, các cấp, ngành...

Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh), rất nhiều người nghèo đã âm thầm chịu đựng bị bóc lột, mất nhà, mất đất, thậm chí  phải tự tử vì “tín dụng đen”. Số tiền vay ban đầu chỉ vài triệu, vài chục triệu nhưng sau một thời gian tăng chóng mặt, tiền trả lãi trả đã gấp nhiều lần vốn gốc nhưng nợ vẫn cứ phình ra. Luật sư Hậu cũng đề nghị, Nhà nước và cơ quan chức năng cần đẩy mạnh phát triển các loại hình tín dụng chính thống, tăng nguồn cung tín dụng, nới lỏng các điều kiện cho vay. Cùng với đó nghiên cứu, điều chỉnh khung pháp lý, ban hành các điều khoản, chế tài đủ mạnh để răn đe các đối tượng huy động và cho vay “tín dụng đen”.

Phòng Cảnh sát Hình sự Công an TP Hồ Chí Minh nhận định: Trong thời gian qua, hoạt động cho vay lãi nặng , “tín dụng đen" và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động cho vay lãi nặng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh diễn biến phức tạp với các hành vi phạm tội như: bắt cóc, bắt giữ người trái pháp luật, cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản thậm chí là giết người...

Theo thống kê của Công an TP Hồ Chí Minh, trong sáu tháng đầu năm 2019, trên địa bàn thành phố án trực tiếp phát sinh liên quan hoạt động “tín dụng đen" xảy ra chín vụ.  Ngoài ra, đã phát sinh các vấn đề về an ninh - trật tự gián tiếp từ 210 vụ việc người dân trình báo bị các đối tượng lạ mặt ném chất bẩn vào nhà, gọi điện đe dọa nguyên nhân do chính họ hoặc người thân của họ có vay tiền nhưng chưa trả. Công an TP Hồ Chí Minh cũng khuyến cáo người dân cần cảnh giác trước các chiêu trò, không tiếp cận các app cho vay mà hãy tiếp cận các nguồn vay chính thống; lên kế hoạch rà soát các công ty có hoạt động tín dụng trên địa bàn thành phố, rà soát các công ty đòi nợ thuê; phối hợp công an quận, huyện kiểm tra các tiệm cầm đồ, những khu dân cư, chung cư  có khả năng các băng nhóm thuê làm nơi cư ngụ và làm trụ sở.