Từ vụ Công ty Alibaba lừa đảo bằng các dự án "ma"

Bài học cho cả nhà đầu tư và chính quyền các cấp

Theo điều tra của cơ quan công an, tất cả 43 dự án của Công ty cổ phần Ðịa ốc Alibaba (Công ty Alibaba) và các công ty liên quan được quảng cáo là đất nền dự án (đất ở), đều không có thật, không thể tách thửa và chuyển đổi mục đích sử dụng. Vấn đề đặt ra là, vì sao hoạt động quảng cáo, mua bán, sang nhượng của công ty này diễn ra rầm rộ tại nhiều địa phương trong suốt thời gian dài nhưng không bị xử lý? Và, vì sao hàng nghìn nhà đầu tư bất chấp rủi ro, vẫn ồ ạt nộp tiền cho Alibaba cho dù công ty này không có bất kỳ giấy tờ gì chứng minh dự án đã được phê duyệt?

Cảnh báo lừa đảo, vẫn đầu tư

Có một thực tế là các nạn nhân của Công ty Alibaba hầu hết đều không phải là người dân địa phương nơi có "dự án" như Công ty Alibaba quảng cáo. Ðiển hình như tại thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nơi Alibaba "sở hữu" tới gần mười dự án, như: Alibaba Tóc Tiên Residence, Alibaba Phú Mỹ Central City... thì nạn nhân mua đất của công ty này hầu hết đều đến từ các địa phương khác.

Anh Nguyễn Minh Ðăng, một người dân sống gần dự án Alibaba Tóc Tiên Residence (thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết: Người dân địa phương đều biết đây là "dự án ma", chưa được cấp phép, tuy nhiên những tháng trước đây, mỗi ngày, nhất là vào thứ bảy và chủ nhật, Công ty Alibaba đều thuê nhiều xe ô-tô để đưa đón khách hàng từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh về xem đất. Khách hàng được nhân viên bán hàng của công ty đón tiếp chu đáo. Ðược quảng cáo là dự án đã có giấy phép, hiệu quả đầu tư cao, chỉ còn một vài suất... "ngoại giao", nếu không mua ngay sẽ không còn cơ hội. Tương tự, tại các "dự án ma" của Alibaba tại Châu Pha (thị xã Phú Mỹ), Bình Châu (huyện Xuyên Mộc) hằng ngày cũng đón hàng trăm nhà đầu tư tới tìm kiếm cơ hội đầu tư. Các dự án của Alibaba tại Ðồng Nai, Bình Thuận cũng diễn ra sôi động không kém. Trang website của Alibaba đăng tải nhiều clip thể hiện hàng trăm khách hàng đã rất phấn khởi khi đến tham quan các dự án của Alibaba tại các địa phương này.

Chia sẻ với phóng viên, một doanh nghiệp kinh doanh bất động sản cho biết: Nếu nói những khách hàng của Alibaba đều là "nạn nhân" thì không chính xác. Bởi khi mua những tài sản lớn như: đất đai, nhà ở..., người mua đều tìm hiểu rất kỹ. Ðể bảo đảm an toàn, nhiều người còn thuê tư vấn từ các luật sư, nên không thể có chuyện mua nhà đất như mua mớ rau ngoài chợ. Chưa kể, từ nhiều năm nay, các cơ quan truyền thông, báo chí đã không ít lần cảnh báo dự án của Alibaba đều là các "dự án ma", có tính chất lừa đảo, nhưng số lượng người tham gia vẫn không giảm. Ðặc biệt, khi UBND thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tổ chức cưỡng chế một số "dự án ma" của công ty này, cơ quan chức năng khởi tố, bắt tạm giam một số đối tượng chống người thi hành công vụ của công ty, báo chí đồng loạt lên tiếng, thì vẫn có hàng trăm người tới tham dự hoạt động mở bán dự án tại trụ sở công ty này tại TP Hồ Chí Minh(?).

Cũng theo doanh nghiệp kinh doanh bất động sản này, để đối phó với các "dự án ma", thị xã Phú Mỹ đã cho cắm biển cảnh báo tại các thửa đất của "dự án", tuy nhiên khách hàng, nhà đầu tư của Alibaba vẫn bất chấp những lời cảnh báo này. Cá biệt, tỉnh Ðồng Nai đã tổ chức họp báo, đề nghị các cơ quan thông tấn, báo chí thông tin rộng rãi đến người dân trên địa bàn và các tỉnh, thành phố trong cả nước biết Ðồng Nai chưa cấp phép dự án khu dân cư nào cho Công ty Alibaba nhưng vẫn có nhiều người "cả tin" bỏ tiền mua đất của công ty này.

Ðiều tra ban đầu của cơ quan công an cho thấy, các đối tượng lãnh đạo, quản lý Công ty Alibaba và các công ty liên quan, mà đứng đầu là Nguyễn Thái Luyện, Chủ tịch HÐQT Công ty Alibaba, đã núp bóng hoạt động kinh doanh bất động sản để lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức huy động vốn theo phương thức đa cấp (sử dụng đất nền trong "dự án ma" làm mồi nhử). Qua xác minh, Công ty Alibaba đã ký hợp đồng mua bán đất nền với 6.700 khách hàng, thu hơn 2.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện mới có khoảng 900 người tố giác hành vi lừa đảo của công ty với số tiền hơn 500 tỷ đồng. Số còn lại vì sao không lên tiếng? Ðằng sau con số đó là nhiều nguyên nhân.

Trách nhiệm của chính quyền các cấp

Có thể khẳng định, việc mua bán, sang nhượng các "dự án ma" của Công ty Alibaba đều diễn ra công khai, thậm chí rất rầm rộ, nên không thể nói chính quyền địa phương không biết.

Vụ việc chỉ thật sự "nóng" lên khi các cơ quan chức năng thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tiến hành cưỡng chế "dự án ma" Alibaba Tân Thành Center City tại xã Tóc Tiên và gặp phải sự chống đối quyết liệt của các nhân viên Công ty Alibaba. Dù không phủ nhận những nỗ lực của chính quyền địa phương trong việc cưỡng chế, trả lại nguyên trạng ban đầu tại các "dự án ma" nhưng vẫn cần chỉ rõ những "lỗ hổng" chết người trong công tác quản lý, điều hành của chính quyền địa phương, nơi có các "dự án ma", đã vô tình tiếp tay cho Alibaba mở rộng phạm vi hoạt động.

Ðiển hình như trước khi tiến hành cưỡng chế các công trình xây dựng trái phép tại "dự án" Alibaba Tân Thành Center City, thì tại khu vực này Công ty Alibaba đã xây dựng nhiều hạng mục khá hoành tráng. Phía trước là căn nhà kiên cố gắn biển hiệu "Tập đoàn địa ốc Alibaba" và "Khu dân cư Alibaba Tân Thành". Sát ven đường là một tảng đá phong thủy lớn được khắc chữ "Tập đoàn địa ốc Alibaba". Phía sau căn nhà là các tuyến đường đã được thảm nhựa, bó vỉa... Mỗi ngày, tại khu vực này luôn có mặt hàng chục nhân viên của Công ty Alibaba sẵn sàng tư vấn, chào mời khách hàng. Một người dân địa phương cho biết, người dân xây căn nhà cấp 4, lợp mái tôn buổi sáng thì buổi trưa xã và khu phố đã có mặt, vậy mà Alibaba xây được cả nhà, làm được cả đường mà chính quyền không thấy đâu thì thật khó hiểu(?).

Thực tế, trong số hơn 40 "dự án ma" của Alibaba ở các tỉnh Ðồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu..., số dự án bị cưỡng chế vì sử dụng đất nông nghiệp sai mục đích rất ít. Ðây cũng là một trong những nguyên nhân dù tất cả các dự án đều có sai phạm nhưng công ty này vẫn bán trót lọt hàng trăm héc-ta đất nông nghiệp. Thừa nhận trách nhiệm của địa phương trong công tác quản lý, điều hành, Chủ tịch UBND thị xã Phú Mỹ Nguyễn Văn Thắm cho biết: "Chúng tôi đã nghiêm túc rút kinh nghiệm và tổ chức khắc phục triệt để hậu quả, đồng thời yêu cầu các địa phương thống kê, xây dựng kế hoạch xử lý tất cả các "dự án ma", nếu có, trên địa bàn. Trong thời gian tới, thị xã Phú Mỹ sẽ tăng cường công tác giám sát địa bàn, nếu phát hiện "dự án ma" tại phường, xã nào, lãnh đạo phường, xã ấy sẽ phải chịu trách nhiệm".

Ðược biết, tại buổi họp báo thường kỳ do Bộ Xây dựng tổ chức mới đây, đại diện Bộ Xây dựng cho biết, Luật Kinh doanh bất động sản đã nói rõ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm kiểm tra, giám sát các dự án trên địa bàn và có trách nhiệm xử lý khi vi phạm. Việc để xảy ra các "dự án ma" của Alibaba tại các tỉnh, thành phố phía nam thời gian qua trách nhiệm chính thuộc về chính quyền các cấp ở địa phương. Ðây thật sự là bài học kinh nghiệm cho cả hệ thống chính quyền của các địa phương tồn tại "dự án ma" của Công ty Alibaba.

Liên quan đến vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty cổ phần địa ốc Alibaba và các công ty liên quan, sau nhiều ngày bị tạm giữ hình sự, Cơ quan CSÐT Công an TP Hồ Chí Minh đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với Nguyễn Thái Luyện, Chủ tịch HÐQT Công ty Alibaba; Nguyễn Thái Lĩnh (em ruột Luyện), Tổng giám đốc Công ty Alibaba. Ðồng thời, khởi tố bị can, tạm giam Nguyễn Thái Lực (em ruột Luyện và Lĩnh) giám đốc của hai công ty là Công ty địa ốc Xanh và Công ty Long Thành Ali, về hành vi rửa tiền. Cơ quan CSÐT Công an TP Hồ Chí Minh cũng tiến hành phong tỏa nhiều tài khoản người thân của Nguyễn Thái Luyện và các nhân viên của Công ty Alibaba. Cơ quan CSÐT Công an TP Hồ Chí Minh cũng có văn bản gửi các địa phương đề nghị tạm dừng đăng ký kê khai biến động và sang tên chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với các lô đất do Công ty Alibaba phân phối.