Lừa đảo bằng thủ đoạn thông báo trúng thưởng

NDO - Theo tin từ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm - Bộ Công an, thời gian gần đây tại nhiều địa phương trên toàn quốc liên tục xảy ra các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn: Các đối tượng giả danh cán bộ công ty xổ số kiến thiết cho số ghi lô đề, giả danh nhân viên Kho bạc Nhà nước thông báo trúng thưởng đến các số điện thoại cố định ở những vùng nông thôn. Người nhận điện thoại ít hiểu biết dễ tin và hám lợi nên đã chuyển tiền vào các tài khoản do đối tượng sử dụng giấy chứng minh nhân dân giả mở tại các ngân hàng, yêu cầu người được thông báo trúng thưởng chuyển tiền vào để chiếm đoạt.

Ðể có số điện thoại của nhiều gia đình ở các tỉnh, thành phố, các đối tượng tìm mua quyển danh bạ điện thoại cố định hoặc tìm kiếm trên Website tra cứu danh bạ điện thoại cố định như dichvutannoi.com, maphuong.com/danhba... gọi điện giả nhân viên Công ty xổ số kiến thiết cho số ghi lô đề và hứa sẽ có người mang tiền đến cho đánh. Nhưng đến gần giờ quay số, lấy lý do là kẹt xe không mang tiền đến được đề nghị người nghe điện thoại bỏ tiền ra để đánh. Do tính xác suất cho số lô đề là 25%, tức là nếu chúng cho 100 người ghi 100 số từ 00 đến 99 thì sẽ có 25 người trúng thưởng. Như vậy, hôm sau, trong số 25 người được cho số trúng thưởng, nhất định sẽ gọi điện thoại để xin số và chúng sẽ yêu cầu họ chuyển tiền vào tài khoản thẻ ATM của chúng.

Tương tự, một số đối tượng gọi điện thoại giả mạo, tự giới thiệu là nhân viên Kho bạc Nhà nước tỉnh, thông báo: số điện thoại bàn của gia đình đã trúng thưởng trong chương trình rút thăm, quay số trúng thưởng của VNPT kết hợp với Kho bạc Nhà nước tỉnh hoặc các hình thức trúng thưởng khác. Khi người nghe máy tin là trúng thưởng, chúng hướng dẫn họ nộp 10% giá trị giải thưởng gọi là tiền thuế thu nhập vào số tài khoản thẻ ATM của chúng, sau đó mang giấy nộp tiền đến Kho bạc Nhà nước tỉnh để nhận hồ sơ và lĩnh tiền. Nhiều người tin là thật làm theo hướng dẫn và bị chúng chiếm đoạt tiền. Hiện, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội đã lập án đấu tranh với các nhóm đối tượng này, xác định có hơn 40 tài khoản thẻ ATM được các đối tượng sử dụng trong quá trình lừa đảo và có 461 người chuyển tiền vào, với số tiền hơn 16 tỷ đồng.

Tuy nhiên, gần đây, lại xuất hiện nhiều hình thức lừa đảo với cách thức khác như giả mạo cán bộ ngân hàng thông báo trung thưởng xe máy, đề nghị gửi tiền nộp thuế trước bạ để đăng ký; gửi tiền từ thiện từ nước ngoài về với số tiền lớn đề nghị nhà chùa gửi tiền để làm thủ tục nhận số ngoại tệ về Việt Nam để đưa vào quỹ từ thiện... Ðiểm mấu chốt để mọi người nhận biết các hình thức lừa đảo là chúng yêu cầu người bị hại chuyển tiền với lý do nộp thuế trước bạ, thuế thu nhập cá nhân... nhưng lại nộp vào tài khoản thẻ ATM của cá nhân. Tài khoản thẻ ATM mà chúng sử dụng để hoạt động lừa đảo được mở từ chứng minh nhân dân của người khác, thậm chí là những người đã chết... mà người mở tài khoản và đối tượng sử dụng để lừa đảo lại không quen biết nhau, do vậy khi các bị hại đené trình báo, công an chỉ xác định được người đứng tên mở tài khoản, không làm rõ được đối tượng gây án, khiến đối tượng phạm tội lợi dụng gây án trong một thời gian dài mà không bị phát hiện.

Ðể chủ động phòng ngừa, điều tra khám phá có hiệu quả tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng các hình thức nêu trên. Chúng tôi nêu một số thủ đoạn trên của bọn tội phạm, để nhân dân nâng cao ý thức phòng ngừa, cảnh giác, kịp thời tố giác tố giác tội phạm. Ngành ngân hàng cần phối hựp các cơ quan chức năng, nhất là lực lượng công an để kiến nghị có quy định, quản lý chặt việc mở tài khoản thẻ ATM và việc rút tiền tại các máy ATM, đặc biệt là quy định trong việc lắp đặt ca-mê-ra tại máy ATM để kịp thời phát hiện các đối tượng có biểu hiện nghi vấn thực hiện hành vi phạm tội.