Xây dựng chính quyền kiến tạo

Quá trình đổi mới hơn 30 năm qua do Đảng lãnh đạo đã cho thấy việc mở cửa cho khu vực tư nhân tham gia cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho xã hội mang lại rất nhiều lợi ích thiết thực. Tiến trình này góp phần quan trọng giúp phát triển nền kinh tế, thúc đẩy doanh nghiệp lớn mạnh đồng thời tạo cơ sở để bộ máy nhà nước tập trung vào nhiệm vụ cốt lõi, quan trọng của mình là ban hành chính sách và xây dựng thể chế.

Người dân làm thủ tục đăng ký kinh doanh tại bộ phận một cửa quận Hoàn Kiếm (TP Hà Nội). Ảnh: ANH AN
Người dân làm thủ tục đăng ký kinh doanh tại bộ phận một cửa quận Hoàn Kiếm (TP Hà Nội). Ảnh: ANH AN

Xã hội hóa nhìn từ dịch vụ công chứng

Xếp hàng cả ngày trời để chờ được công chứng, lặn lội từ huyện xa về thành phố để được công chứng, tốn kém chi phí trong và ngoài để được công chứng…, đây là thực trạng tại Việt Nam cách đây ít năm. Hiện nay điều này đã được xóa bỏ cơ bản, những cơ sở công chứng xuất hiện nhiều hơn, tiện lợi, cơ sở vật chất khang trang, dịch vụ chuyên nghiệp… Chính điều này đã giúp nhiều giao dịch kinh tế diễn ra thuận lợi và đóng góp lớn cho sự tăng trưởng các giao dịch về đất đai, bất động sản trong suốt thời gian qua.

Chủ trương xã hội hóa dịch vụ tư pháp như công chứng góp phần đưa hoạt động công chứng ở nước ta phát triển theo hướng chuyên nghiệp hóa, xã hội hóa và đúng theo tính chất của một dịch vụ công, hội nhập dần với chuẩn của thế giới. Quan trọng hơn, công chứng từ chỗ bị hiểu như là một hoạt động mang tính chất thủ tục hành chính đơn thuần thì nay được coi là một nghề, một ngành chuyên môn sâu, có chức năng bảo đảm sự an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch, đặc biệt là các hợp đồng, giao dịch về bất động sản. Giá trị của hoạt động công chứng trong xã hội được nâng cao. Hoạt động công chứng cũng được chuyển sang chế độ dịch vụ công thay thế cho chế độ hành chính công trước đây trong lĩnh vực này.

Tính đến ngày 20-11-2018, theo Bộ Tư pháp, cả nước có 1.003 tổ chức hành nghề công chứng, bao gồm 128 phòng công chứng và 875 văn phòng công chứng. Tổng số công chứng viên là 2.420, trong đó 462 công chứng viên hành nghề tại phòng công chứng và 1.958 công chứng viên hành nghề tại văn phòng công chứng.

Có được điều này là do chủ trương đổi mới hình thức tổ chức công chứng theo hướng từng bước xã hội hóa nhằm phát huy những tiềm năng to lớn của xã hội vào phát triển hệ thống công chứng. Điều này được bắt nguồn từ Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp, Luật Công chứng 2006 và 2014…

Xây dựng chính quyền kiến tạo ảnh 1

(Nguồn: Báo cáo năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2018).

Phát huy vai trò của tư nhân

Công chứng là lĩnh vực điển hình thành công của việc thúc đẩy sự tham gia của khu vực bên ngoài nhà nước. Nhìn rộng ra, quá trình Đổi mới hơn 30 năm qua do Đảng lãnh đạo đã cho thấy, việc khuyến khích và mở cửa cho tư nhân tham gia cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho xã hội đã góp phần mang lại nhiều lợi ích thiết thực.

Trong ngành bán lẻ, chúng ta có thể thấy, thay vì chỉ có những cửa hàng mậu dịch quốc doanh phục vụ nhu cầu hằng ngày của người dân, hiện nay là các siêu thị, chợ, cửa hàng, trung tâm thương mại khắp mọi miền đất nước. Trong ngành vận tải, trước đây là các doanh nghiệp vận tải quốc doanh thì nay là hàng trăm, hàng nghìn doanh nghiệp ta-xi, xe khách, xe hợp đồng, xe du lịch, xe công-ten-nơ, xe tải… phục vụ hầu hết mọi nhu cầu của xã hội.

Sự tham gia của tư nhân xuất hiện trong rất nhiều các lĩnh vực của nền kinh tế, kể cả những lĩnh vực vốn được xem là “sân chơi” riêng của các doanh nghiệp nhà nước hoặc các đơn vị sự nghiệp trước nay như sân bay, cảng biển, hạ tầng giao thông, hàng không, điện lực, y tế, giáo dục, thể thao, điện ảnh, công chứng…

Tại nhiều quốc gia khác, khu vực tư nhân đã và đang đảm nhiệm nhiều vai trò đặc biệt quan trọng. Chẳng hạn, Tập đoàn Space X đã phóng tên lửa lên vũ trụ rất thành công. Đây hoàn toàn là một doanh nghiệp tư nhân, thành công đột phá trong một lĩnh vực đặc biệt phức tạp là công nghệ vũ trụ - lãnh địa tưởng chừng như không thể có chỗ cho doanh nghiệp tư nhân. Nhiều phát minh, sáng kiến công nghệ làm thay đổi cả thế giới cũng từ khu vực tư nhân đi ra.

Từ “chèo đò” sang “lái đò”

Hiện nay, vẫn còn rất nhiều dịch vụ công mà cơ quan nhà nước đang trực tiếp đảm nhận cung cấp. Cơ quan nhà nước vẫn trực tiếp đứng ra tổ chức rất nhiều khóa đào tạo, tổ chức nhiều đoàn xúc tiến, vẫn cấp chứng chỉ, vẫn đứng ra đầu tư và trực tiếp vận hành nhiều cơ sở dịch vụ cạnh tranh với khu vực bên ngoài. Đáng chú ý nhiều lĩnh vực nhà nước vừa ban hành chính sách trong lĩnh vực cụ thể, vừa đặt ra tiêu chuẩn cung cấp dịch vụ của lĩnh vực này, vừa trực tiếp tổ chức cung cấp dịch vụ lại vừa đánh giá tiêu chuẩn của dịch vụ.

Thật ra, một trong những chức năng cơ bản nhất của Nhà nước trong một nền kinh tế là cung ứng “hàng hóa công”, những hàng hóa và dịch vụ, mà thị trường không cung ứng hay cung ứng không đầy đủ, nhất là kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của nền kinh tế, cũng như một số hàng hóa, dịch vụ mà thị trường không thể cung cấp hoặc cung cấp không hiệu quả. Tuy nhiên, quan điểm nhất quán phải là Nhà nước chỉ làm những gì mà tư nhân không được làm hoặc không làm được.

Mở cửa rộng hơn cho khu vực tư nhân, Nhà nước sẽ rút lui dần trong những lĩnh vực mà khu vực ngoài nhà nước có thể làm được và làm tốt. Đây là những chính sách hết sức quan trọng của Đảng thời gian qua, cụ thể là Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Kinh nghiệm thế giới cũng như thực tiễn nhiều lĩnh vực tại Việt Nam thời gian qua cho thấy: để tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ công không có nghĩa là Nhà nước buông lỏng hoặc phó mặc hoàn toàn trách nhiệm cho người, tổ chức cung cấp dịch vụ. Nhà nước thay vì là “người chèo đò” thì thành “người lái đò”. Nhà nước đặt ra quy định pháp luật, xây dựng tiêu chuẩn trong những lĩnh vực, tổ chức thực thi, giám sát thực thi các quy định, tiêu chuẩn này,… Nhà nước phải đại diện cho người dân, cho nền kinh tế, cho lợi ích chung để thúc đẩy, giám sát và quản lý các dịch vụ mà khu vực tư nhân cung cấp. Nhiệm vụ quan trọng của các bộ, ngành và cơ quan Chính phủ không phải là tự cung cấp các dịch vụ công mà tập trung vào việc xây dựng thể chế để thị trường có thể vận hành hiệu quả.

Đây chính là nội dung quan trọng, trọng tâm của xây dựng chính quyền kiến tạo mà Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh ngay đầu nhiệm kỳ của mình.

--------------------------------

(*) Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.