ĐÀO TẠO BỒI DƯỠNG CÁN BỘ CÔNG CHỨC:

Vị trí, vai trò, thực trạng và yêu cầu hiện nay

Trải qua các chặng đường cách mạng Việt Nam, công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ công chức (CBCC) đã đạt được những thành tựu to lớn, tạo được vị thế và niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân, đồng thời cũng để lại những bài học kinh nghiệm quý cần được tiếp tục giữ gìn và phát huy.

Lễ khai giảng lớp đào tạo cán bộ nguồn quy hoạch BCH Đảng bộ TP Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025.
Lễ khai giảng lớp đào tạo cán bộ nguồn quy hoạch BCH Đảng bộ TP Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025.

Vai trò nòng cốt và quyết định

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công dẫn đến sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam). Đây cũng là thời điểm đánh dấu bước ngoặt của công tác đào tạo bồi dưỡng (ĐTBD) CBCC của Đảng và Nhà nước Việt Nam, từ hoạt động bí mật sang hoạt động công khai và thật sự trở thành một bộ phận quan trọng, gắn bó hữu cơ, không thể tách rời của sự nghiệp cách mạng Việt Nam.

Nếu như Nhà nước là trụ cột của hệ thống chính trị (HTCT) thì đội ngũ CBCC là lực lượng quan trọng vận hành cỗ máy hành chính nhà nước, giúp guồng máy hành chính hoạt động thông suốt từ trung ương đến địa phương. Là đội ngũ có vai trò rất quan trọng trong hệ thống chính trị và hệ thống hành chính quốc gia, được xem như nguồn tài sản (nguồn vốn) vô cùng quý báu của Đảng và dân tộc, “xương sống” của chính quyền; vì vậy, chất lượng của đội ngũ CBCC có tính chất quyết định chất lượng của nền hành chính, hiệu quả công tác quản lý nhà nước (QLNN) và sự phát triển của quốc gia. Để nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực công tác và thực thi công vụ, bảo đảm chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của CBCC thì công tác ĐTBD phải được coi trọng, được ưu tiên và là nhiệm vụ thường xuyên.

Những quan điểm xuyên suốt

Các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác - Lê-nin đã chỉ ra rằng: cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo có vai trò quyết định đối với sự thành bại của cách mạng.

Ngay từ năm 1900, khi nêu ra những nhiệm vụ cho phong trào cách mạng ở nước Nga, V.I.Lê-nin đã chỉ rõ: “Trong lịch sử, chưa hề có một giai cấp nào giành được quyền thống trị, nếu nó không đào tạo ra được trong hàng ngũ của mình những lãnh tụ chính trị, những đại biểu tiên phong có đủ khả năng tổ chức và lãnh đạo phong trào,...Chúng ta phải đào tạo những người sẵn sàng hiến dâng cho cách mạng, không phải chỉ những buổi tối rỗi việc của họ mà tất cả cuộc đời của họ”. Lê-nin khẳng định: chỉ có trong phong trào cách mạng, trong hoạt động thực tiễn, trong công tác thực tế, trong phong trào thi đua trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, người tổ chức có tài phải thực tế nổi bật lên và phải được đề bạt lên những chức vụ cao trong sự nghiệp quản lý nhà nước.

Theo Lê-nin, việc đào tạo cán bộ lãnh đạo phải được tiến hành một cách có hệ thống, tuần tự và kiên định và đó là công việc của toàn Đảng. Khi trở thành Đảng cầm quyền lãnh đạo xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc, phải rất coi trọng ĐTBD cán bộ để có được những cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất, đạo đức, năng lực công tác tốt để giao trọng trách. Đây là khâu then chốt để nghị quyết, chỉ thị của Đảng được thực hiện đạt kết quả tốt. Lê-nin cũng nhấn mạnh, phải qua phân công công tác và qua thử thách, không phải một lần mà thậm chí hàng trăm lần trong công tác thực tế để đào tạo cán bộ lãnh đạo và phải quan tâm đào tạo cán bộ trẻ để đề bạt vào các chức vụ lãnh đạo.

Ở nước ta, Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng vai trò của con người, luôn khẳng định quan điểm coi con người (đặc biệt là đối với CBCC) là trung tâm của sự phát triển, của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hồ Chí Minh khẳng định: “Cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng… Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Theo Người, “huấn luyện đào tạo cán bộ là công việc gốc của Đảng”, là công việc đặc biệt quan trọng, cần phải được tiến hành thường xuyên, biết cách lựa chọn, sử dụng và không ngừng bồi dưỡng cán bộ để cái vốn quý đó ngày càng lớn lên theo yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng. Với tinh thần đó, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh luôn chú trọng việc ĐTBD đội ngũ cán bộ, xây dựng một đội ngũ cán bộ tận tụy, kiên cường, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ qua các giai đoạn cách mạng.

Kế thừa tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ khi ra đời đến nay, Đảng ta luôn coi công tác cán bộ là một trong những vấn đề có tầm quan trọng chiến lược đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng. Công tác cán bộ được xác định là một trong những công tác quan trọng hàng đầu trong xây dựng Đảng, có vai trò quyết định tới toàn bộ công tác xây dựng lực lượng cách mạng; xây dựng một đội ngũ CBCC tốt, ngang tầm là điều kiện tiên quyết, là lực lượng then chốt để đưa sự nghiệp cách mạng đi tới thắng lợi.

Thực tiễn cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng (1930-2018) đã khẳng định vai trò, vị trí của công tác ĐTBD CBCC: Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm đến ĐTBD CBCC đã từng bước xây dựng được đội ngũ CBCC có đủ sức thực hiện được các nhiệm vụ cơ bản của từng giai đoạn cách mạng; phát huy vai trò tích cực, chủ động trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình.

Trước những yêu cầu mới

Những năm qua, công tác ĐTBD CBCC đã nhận được sự quan tâm lớn của các cấp lãnh đạo, các ngành, địa phương và đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần xây dựng đội ngũ CBCC phát triển cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu và hoàn thành thắng lợi các mục tiêu chiến lược, kế hoạch nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đề ra. Trình độ, kiến thức và năng lực hoạt động thực tiễn của đội ngũ CBCC ngày càng được nâng cao, thích nghi với cơ chế kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế.

Nhờ làm tốt và quyết liệt công tác kiểm tra, giám sát cán bộ, thời gian qua Đảng và Nhà nước ta đã bước đầu kiềm chế, ngăn chặn tình trạng tham nhũng, lãng phí. Nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp đã được phát hiện và tập trung chỉ đạo điều tra, xét xử nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ.

Để nâng cao hiệu lực quản lý xã hội nói chung thì một vấn đề mấu chốt là phải nâng cao trình độ quản lý của cán bộ các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương. Đây là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng, chính quyền Nhà nước. Sinh mệnh Đảng, tương lai của dân tộc phụ thuộc vào việc Đảng có quan tâm đúng mức đến sự nghiệp “trồng người” hay không. Đặc biệt, khi sự nghiệp đổi mới của đất nước diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế tri thức và hội nhập quốc tế ngày càng mạnh mẽ thì vấn đề nguồn lực con người càng khẳng định vai trò quyết định. Từ đó, đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với công tác đào tạo bồi dưỡng nhằm xây dựng được đội ngũ CBCC các cấp “hồng thắm, chuyên sâu”, có phẩm chất đạo đức tốt, bản lĩnh chính trị, năng lực, có tính chuyên nghiệp cao, tận tụy phục vụ nhân dân. Đồng thời, đội ngũ CBCC các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương phải không ngừng đổi mới, vươn lên nâng cao tầm trí tuệ để xứng đáng là công bộc của Nhân dân.

ĐỖ ĐỨC MINH

PGS, TS Chính trị học, Đại học Quốc gia Hà Nội