“Vàng trắng” đang chảy đi đâu?

Nếu như không có đại dịch Covid-19 - “thỏi nam châm cực mạnh” thu hút mối quan tâm của toàn thế giới, chắc chắn trong tháng này, câu chuyện tài nguyên nước sẽ là chủ đề “nóng” nhất.

Sông Hồng mùa cạn. Ảnh: ĐĂNG KHOA
Sông Hồng mùa cạn. Ảnh: ĐĂNG KHOA

Thiếu, thừa và… ô nhiễm

Tiếp sau ngày 14-3 - Ngày Quốc tế Hành động vì các dòng sông, chuỗi sự kiện kỷ niệm Ngày Nước thế giới (22-3) - Ngày Khí tượng thế giới (23-3) và Giờ Trái đất (28-3) sẽ được Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì tổ chức trên phạm vi toàn quốc.

Không phải ngẫu nhiên mà tháng 3 được chọn là “tháng của nước”. Hằng năm, cứ bắt đầu từ tháng 3, nhiều khu vực ở Đông - Nam Á, trong đó có Việt Nam, bắt đầu vào mùa “khát nước”. Theo các báo cáo của ngành nông nghiệp, Đắk Lắk hiện có đến 605 hồ thủy lợi, dung tích hơn 600 triệu mét khối nước, nhiều nhất Tây Nguyên. Tỉnh Gia Lai có đến hơn 300 công trình thủy lợi gồm khoảng 100 hồ chứa, hơn 180 đập dâng và 42 trạm bơm, phục vụ khoảng 50 nghìn héc-ta hoa màu.

Vậy mà ở thời điểm hiện tại, nhiều hồ, đập đang cạn kiệt, lưu lượng nước ở các sông lớn tại hai tỉnh này cũng giảm mạnh. Còn ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), xâm nhập mặn đã xuất hiện thậm chí còn sớm hơn so với năm 2015 (là năm hạn mặn lịch sử, gây thiệt hại lớn cho ĐBSCL) và hiện đã ở mức gay gắt, ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh. Hàng loạt tỉnh miền tây đã buộc phải ban bố tình huống khẩn cấp do hạn hán và xâm nhập mặn trên địa bàn.

Theo Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, nước ta có hơn 2.360 con sông với chiều dài từ 10 km trở lên. Mạng lưới sông ngòi dài là vậy, nhưng lại có tới 63% nguồn nước là từ nước ngoài chảy vào. Trong đó, ở ĐBSCL có tới 90% nguồn nước chảy từ nước ngoài vào và ở đồng bằng sông Hồng là 50%. Nếu không kể nguồn nước bên ngoài, thì nguồn nước nội sinh bình quân đầu người Việt Nam chỉ khoảng 3.370 m3/năm. Cần nhấn mạnh: Theo tiêu chí của Hiệp hội Tài nguyên nước quốc tế, quốc gia thiếu nước là quốc gia có lượng nước bình quân đầu người thấp dưới 4.000 m3/người/năm.

Tuy nhiên, nói Việt Nam thiếu nước là đúng, nhưng chưa đủ. Tình trạng phân bố nước về thời gian và không gian ở nước ta không đồng đều; nước ở một số khu vực không thiếu, nhưng bị nhiễm mặn, hoặc bị ô nhiễm không sử dụng được. Trong khi đó, việc sử dụng tài nguyên nước lại chưa hợp lý.

Chỉ tính riêng lượng nước cho sản xuất nông nghiệp của Việt Nam ước đã lên tới khoảng 125 tỷ mét khối vào năm 2020. Đáng lưu ý, ở khắp 63 tỉnh, thành phố, đặc biệt là các vùng đô thị và công nghiệp, đều có những dòng sông đang… ốm! Theo số liệu cập nhật từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, đến nay mới chỉ có 12,5% lượng nước thải đô thị được xử lý trước khi xả vào các nguồn nước. Trong 326 khu công nghiệp cả nước, có 220 khu xây dựng hệ thống nước thải tập trung, xử lý được khoảng 71% lượng nước thải phát sinh. Tình hình còn đáng lo ngại hơn đối với các cụm công nghiệp: Trong số 587 cụm công nghiệp, chỉ 9,4% có hệ thống xử lý nước thải. Phần lớn nước thải của các gia đình trong hơn 5.000 làng nghề chưa được xử lý, nước thải công nghiệp và sinh hoạt đều được xả thẳng vào hệ thống thoát nước chung.

Tác động của ô nhiễm nước đến sức khỏe con người được dự báo đến năm 2035 sẽ làm suy giảm 3,5% GDP hằng năm. Đó là chưa kể tình trạng hút cát trái phép vẫn tiếp diễn nhức nhối, gây nên hiểm họa xói lở, thay đổi dòng chảy...

Nước, không chỉ là những dòng sông

Tới đây, những vấn đề mang tính chiến lược đối với an ninh nguồn nước sẽ được thể hiện trong các văn kiện Đại hội XIII của Đảng; trong chiến lược 10 năm; kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch tài chính quốc gia, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 trên quan điểm giảm bớt sự phụ thuộc, bị động vào nguồn nước bên ngoài, tăng nguồn nước nội sinh, ứng phó hiệu quả với lũ lụt, xâm nhập mặn…

Để thực hiện thành công chiến lược này, các cấp chính quyền cần nỗ lực trong quản lý tài nguyên nước, từ điều tra, đánh giá tiềm năng, trữ lượng, giá trị kinh tế; phân loại, hoạch định chiến lược, lập quy hoạch bảo vệ, khai thác hợp lý, sử dụng hiệu quả và bền vững nguồn nước (như xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa trên 11 lưu vực sông, tăng cường cơ chế điều hòa, điều tiết các nguồn nước góp phần hạn chế thiếu nước theo vùng và theo mùa)… Cùng với đó là nghiên cứu tạo mưa nhân tạo, khai thác nước ngọt từ biển để phục vụ sinh hoạt của nhân dân, bộ đội, ngư dân trên biển, các đảo; thực hiện cải tạo, phục hồi các dòng sông, đoạn sông bị ô nhiễm, cạn kiệt; hợp tác với các nước trong khu vực, theo dõi, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng nước thượng nguồn sông Hồng và sông Mê Công…

Quan trọng không kém, nếu cả cộng đồng không cùng chung tay gìn giữ, chẳng có một cấp chính quyền nào đủ sức “ôm” hết được khâu bảo vệ tài nguyên nước. Vì thế, bên cạnh việc tuân thủ pháp luật về tài nguyên nước, vẫn còn vô số việc để làm, tùy thuộc vào khả năng, điều kiện và sự sáng tạo của mỗi người, từ ứng dụng nông nghiệp thông minh, tái sử dụng nước thải cho đến tiêu dùng “xanh”…

Để làm ra một chiếc quần jean cần khoảng 10.000 lít nước - lượng nước đủ để một người uống suốt 10 năm. Nếu nó còn dùng tốt, chỉ lỗi mốt, bạn có nên vứt ngay nó đi để mua chiếc khác? Thực phẩm dùng không hết phải đổ bỏ cũng chính là một sự lãng phí khổng lồ về tài nguyên nước. Để có 1kg thịt heo thì cần 4.800 lít nước, 1kg thịt gà cần 3.900 lít nước và để có 1kg thịt bò cần đến 15.500 lít nước. Vậy mà, ước tính chúng ta đang phí phạm tới một phần ba lượng thực phẩm sản xuất ra hằng năm...

Thông điệp của Ngày Nước thế giới năm 2020 là các nhà hoạch định chính sách khí hậu phải đặt nước vào trọng tâm của các kế hoạch hành động. Mọi người đều có vai trò quan trọng trong việc sử dụng hợp lý tài nguyên nước, góp phần hóa giải những tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu.

“Vàng trắng” đang chảy đi đâu? ảnh 1

Hồ trữ nước ngọt trên cao nguyên đá Đồng Văn (tỉnh Hà Giang). Ảnh: THU TRANG

UN-Water - cơ chế phối hợp của Liên hợp quốc với các tổ chức khác về nước và vệ sinh - đã lựa chọn những chủ đề cho Ngày Nước thế giới trong nhiều năm. Năm 2020, trọng tâm là biến đổi khí hậu, năm 2021 là định giá nước và năm 2022 là nước ngầm.