Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào việc xây dựng đội ngũ cán bộ hiện nay

(Tiếp theo và hết)

PGS,TS Trần Minh Trưởng

Kỳ II: Ðể công tác cán bộ trở thành động lực

Muốn có cán bộ tốt, thì công tác đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá và sử dụng cán bộ phải được quan tâm hàng đầu và đầy đủ. Những bài học mà Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình là làm sao để công tác đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ trở thành nhiệm vụ xuyên suốt, thống nhất trong nhận thức và hành động của toàn Ðảng, toàn dân.

Tình trạng sai phạm trong việc đánh giá, bổ nhiệm, sử dụng cán bộ còn diễn ra ở nhiều đơn vị và địa phương. Trong ảnh: Một phiên họp của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Ảnh: TTXVN
Tình trạng sai phạm trong việc đánh giá, bổ nhiệm, sử dụng cán bộ còn diễn ra ở nhiều đơn vị và địa phương. Trong ảnh: Một phiên họp của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Ảnh: TTXVN

Lựa chọn để đào tạo

Về công tác cán bộ, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh muốn có cán bộ tốt, phải chú trọng công tác cán bộ. Công tác cán bộ gồm nhiều khâu: tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện, đánh giá, sử dụng và chính sách cán bộ. Ðó là các khâu liên hoàn, trong đó việc lựa chọn cán bộ là khâu đầu tiên và rất quan trọng: “khâu chọn giống, nếu giống tốt ắt cây sẽ tốt”. Hồ Chí Minh nói: “...nuôi dạy cán bộ, như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi con người có ích cho công việc chung của chúng ta”.

Việc lựa chọn cán bộ phải dựa theo các tiêu chí: “Những người đã tỏ ra rất trung thành và hăng hái trong công việc, trong lúc đấu tranh; Những người liên lạc mật thiết với dân chúng, hiểu biết dân chúng... Những người có thể phụ trách giải quyết các vấn đề, trong những hoàn cảnh khó khăn... Khi thất bại không hoang mang, khi thắng lợi không kiêu ngạo. Khi thi hành các nghị quyết kiên quyết, gan góc không sợ khó khăn; Những người luôn luôn giữ đúng kỷ luật”. Trong khâu huấn luyện, đào tạo cán bộ, Hồ Chí Minh cho rằng: “Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Ðảng”. Huấn luyện cán bộ về chuyên môn, nghiệp vụ, nghề nghiệp, theo phương châm làm việc gì học việc ấy.

Cách nhìn biện chứng về đánh giá và sử dụng cán bộ

Ðối với khâu xem xét, đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn, khi xem xét, đánh giá cán bộ phải thực sự khách quan, phải hiểu cán bộ. Ngoài phẩm chất chính trị, tư cách đạo đức, thì việc đánh giá năng lực chuyên môn phải dựa trên kết quả công việc.Tuy nhiên, đây là việc rất phức tạp, bởi vì: “Trong thế giới, cái gì cũng biến hóa. Tư tưởng của người cũng biến hóa. Vì vậy cách xem xét cán bộ, quyết không nên chấp nhất, vì nó cũng phải biến hóa... Quá khứ, hiện tại và tương lai của mọi người không phải luôn giống nhau”. Việc xem xét, đánh giá cán bộ được Hồ Chí Minh coi là việc rất hệ trọng, cho nên tổ chức Ðảng, chính quyền và lãnh đạo cấp trên, phải có cái nhìn toàn diện, bao quát, tổng thể về quá trình rèn luyện, phấn đấu của từng cán bộ.

Ðể bố trí, sử dụng cán bộ được đúng, Hồ Chí Minh yêu cầu phải bố trí “người nào việc nấy”, “dụng nhân như dụng mộc”; “Phải cất nhắc cán bộ một cách cho đúng”; “Phải khéo dùng cán bộ”. Hồ Chí Minh đưa ra quan điểm dùng cán bộ: “Mình phải có độ lượng vĩ đại thì mới có thể đối với cán bộ một cách chí công vô tư, không có thành kiến, khiến cho cán bộ khỏi bị bỏ rơi; Phải có tinh thần rộng rãi, mới có thể gần gụi những người mình không ưa; Phải có tính chịu khó dạy bảo, mới có thể nâng đỡ những đồng chí còn kém, giúp cho họ tiến bộ; Phải sáng suốt, mới khỏi bị bọn vu vơ bao vây, mà cách xa cán bộ tốt; Phải có thái độ vui vẻ, thân mật, các đồng chí mới vui lòng gần gụi mình”. Việc sử dụng, bố trí cán bộ phải bảo đảm tính kế thừa và phát triển, giữa cán bộ trẻ, cán bộ mới với cán bộ lâu năm; phải chú ý tạo nguồn cán bộ kế cận, phải bồi dưỡng cán bộ cách mạng cho đời sau, tránh việc sử dụng cán bộ “như vắt chanh, bỏ vỏ”.

Có thể nói, những luận điểm của Hồ Chí Minh về công tác cán bộ được đề cập rất bao quát, toàn diện, có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc.

Tuy nhiên, có thể nhận thấy rằng công tác cán bộ thời gian qua làm chưa thật tốt. Nguyên nhân trước nhất là còn có sự khác biệt giữa nhận thức lý luận và thực tiễn; giữa “nói hay và làm chưa tốt”. Thể hiện sự hạn chế, yếu kém ở nhiều khâu, từ tuyển chọn (chưa đúng thực tài), dẫn đến việc bố trí sử dụng cán bộ “tài không xứng chức”. Hạn chế trong khâu đào tạo cán bộ, thể hiện ở nội dung, phương pháp đào tạo lạc hậu, nặng về lý thuyết, thiếu cập nhật kiến thức và kỹ năng lãnh đạo thực tiễn... cho nên cán bộ dù được đào tạo qua nhiều trường lớp, nhưng năng lực lãnh đạo, quản lý, xử lý tình huống chưa đáp ứng yêu cầu. Mặt khác, tình trạng sai phạm trong việc đánh giá, bổ nhiệm, sử dụng cán bộ còn diễn ra khá phổ biến ở nhiều cơ quan đơn vị và địa phương. Công tác xử lý sai phạm, kỷ luật cán bộ còn “chưa đến nơi”, có trường hợp cán bộ mắc khuyết điểm ở nơi này, lại được điều chuyển sang nơi khác giữ cương vị cao hơn. Ðiều đó chẳng những làm mất uy tín của Ðảng, mà đồng thời còn làm mất niềm tin của quần chúng nhân dân đối với Ðảng.

Tôn trọng yêu cầu khách quan

Trong bối cảnh hiện nay, để chọn được những cán bộ ưu tú, có đức có tài bổ sung cho đội ngũ cán bộ, khâu lựa chọn cán bộ phải xuất phát từ yêu cầu khách quan của công việc để tìm người. Trước hết là phải có cơ chế thu hút, phát hiện những cán bộ thực sự có năng lực thông qua hoạt động lãnh đạo quản lý từ cơ sở để đưa đi đào tạo, bồi dưỡng và bổ nhiệm. Thứ hai là chú trọng phát hiện, tạo nguồn cán bộ trẻ. Tuy nhiên, theo chỉ dẫn của Hồ Chí Minh, những cán bộ trẻ phải được và phải có quá trình thử thách, rèn luyện qua thực tiễn lãnh đạo, để đánh giá năng lực và phẩm chất đạo đức.

Mặc dù thời gian qua, Ðảng đã chỉ đạo đưa cán bộ đi luân chuyển, nhưng thời gian đi luân chuyển còn ngắn (từ 2-3 năm), cho nên nhiều trường hợp cán bộ đi luân chuyển, “người đi nhưng tâm ở lại”, cố gắng “tròn vai” để có nhận xét tốt, chờ cho hết thời gian quay về được bổ nhiệm. Cần có quy định về trách nhiệm của người lãnh đạo (đứng đầu) đơn vị, về việc đào tạo, tiến cử người kế cận; cấp ủy của cơ quan, phải chịu trách nhiệm về việc giới thiệu, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị lý luận và sức sống thực tiễn. Do đó, phải tiếp tục nghiên cứu, vận dụng tư tưởng và những chỉ dạy của Người vào việc đổi mới công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ “đủ tâm, đủ tầm” đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn hiện nay.