Vẫn cần đổi mới mạnh mẽ hơn nữa

Cùng với kết quả tốt đẹp của việc bầu Chủ tịch nước, lấy phiếu tín nhiệm các chức danh được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; ấn tượng trong tuần làm việc đầu tiên của kỳ họp lần này còn là những kết quả rất tích cực về phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) thời gian qua. Tuy thế, điều mà cử tri và nhân dân cả nước trông đợi là Quốc hội phải cùng với Chính phủ có những quyết sách hiệu quả hơn nữa để vừa tạo đột phá về kinh tế vừa bảo đảm an sinh, an toàn xã hội một cách bền vững.

Vẫn cần đổi mới mạnh mẽ hơn nữa

Tăng tốc để về đích

6,98% là chỉ số tăng trưởng GDP chín tháng đầu năm 2018 được các đại biểu Quốc hội (ĐBQH), các chuyên gia và báo chí trích dẫn nhiều nhất như là bằng chứng sinh động cho những nỗ lực của cả Trung ương và các địa phương. Đây cũng là chỉ số tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2011 trở lại đây, cùng với đó, các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, xuất nhập khẩu… tăng khá cao. Đời sống xã hội tiếp tục có nhiều khởi sắc, công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí tiếp tục được quan tâm và đạt kết quả cao.

Trình bày Báo cáo về tình hình KT-XH năm 2018 và kế hoạch phát triển KT-XH năm 2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm và cải thiện tích cực so với năm 2017. Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh đạt được nhiều kết quả rõ nét nhờ những nỗ lực về cải cách thể chế, cải cách hành chính của Chính phủ. Thực hiện chủ trương cắt giảm tối thiểu 50% thủ tục hành chính, trong đó đã cắt giảm 61% điều kiện kinh doanh và 60% thủ tục kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu,…

Rõ ràng hiệu quả của công tác cải cách hành chính đã là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Bởi thế, “năm 2018 được đánh giá là đã thực hiện thành công mục tiêu kép là vừa giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, như Báo cáo thẩm tra tình hình thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2018 và kết quả thực hiện ba năm 2016 - 2018; Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2019, đã khẳng định.

Đối chiếu kết quả thực hiện 22 nhóm chỉ tiêu được đặt ra tại Nghị quyết số 24/2016/QH13 về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020, thì trong giai đoạn 2016 - 2018 cho thấy, so với các mục tiêu đặt ra tới năm 2020, đã có chín chỉ tiêu hoàn thành; tám chỉ tiêu có khả năng hoàn thành và năm chỉ tiêu cần các giải pháp thúc đẩy để hoàn thành. Như vậy, tới thời điểm hiện nay, có 77% số mục tiêu đã hoàn thành hoặc dự kiến hoàn thành.

Các chuyên gia khẳng định, kết quả trên phản ánh quá trình triển khai cơ cấu lại nền kinh tế đã bám sát quan điểm nêu tại Nghị quyết số 05 và Nghị quyết 24 của Đảng và Quốc hội, vừa tập trung xử lý kịp thời các vấn đề tồn đọng trong giai đoạn cơ cấu lại nền kinh tế trước đây, đồng thời chuyển dần từ mô hình tăng trưởng chủ yếu dựa vào đầu tư và xuất khẩu sang dựa đồng thời vào cả đầu tư, xuất khẩu và thị trường trong nước.

Đây cũng là những thành tựu quan trọng để thực hiện thành công các mục tiêu phát triển KT-XH đến năm 2020.

Những đòi hỏi từ thực tế

Tuy nhiên, theo nhiều ĐBQH, việc tổ chức triển khai và theo dõi giám sát về thực hiện các nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế trong giai đoạn tới cần tiếp tục được chú trọng và đổi mới, để tạo ra sự lan tỏa mạnh mẽ về cải cách thể chế và cơ cấu lại nền kinh tế trên cả nước. Qua đó, các bộ, ngành, địa phương cần chủ động và quyết liệt hơn nữa trong việc đề xuất và thực hiện các chính sách cơ cấu lại nền kinh tế, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân trong hoạt động đầu tư, kinh doanh.

Hoan nghênh việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị thời gian qua, song cử tri và nhân dân cho rằng, việc sắp xếp lại bộ máy ở một số nơi vẫn còn thiếu đồng bộ; việc tinh giản biên chế chưa gắn với cơ cấu lại tổ chức bộ máy; một số nơi còn sai phạm trong bổ nhiệm, tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức. Cử tri và nhân dân còn bức xúc về nạn “tham nhũng vặt”, nhiều doanh nghiệp và người dân vẫn phải chi những khoản ngoài quy định khi thực hiện các thủ tục hành chính và chưa hài lòng khi những biểu hiện tiêu cực này chủ yếu được phát hiện thông qua phản ánh, tố giác của người dân hoặc qua báo chí, mà rất ít được phát hiện thông qua đấu tranh nội bộ, tự phê bình và phê bình của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức.

Phát triển phải bền vững đang là đòi hỏi cấp bách của thực tiễn. Vọng đến nghị trường, gửi gắm đến các ĐBQH là ý nguyện của toàn dân về cuộc chiến phòng, chống tham nhũng, lãng phí cần tiếp tục phải làm mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn. Muốn thế, cần coi trọng các giải pháp phòng ngừa; tăng cường phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi “nhũng nhiễu”, “vòi vĩnh” khi giải quyết công việc với người dân, doanh nghiệp; đề cao trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu; thu hồi tối đa tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát…

Đồng thời với những chính sách, kế hoạch thực thi nhằm tạo mọi điều kiện cho phát triển kinh tế, cũng không thể chậm trễ hơn trong việc xử lý những bất cập, tồn tại. Cần có những giải pháp căn cơ hơn để nhà nông không còn mãi phải “tự bơi” cùng điệp khúc “giải cứu nông sản”; xã hội không còn nơm nớp với tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, sạt lở bờ sông, triều cường, lũ quét…; người dân không cảm thấy bất an mỗi khi ra đường hay đi chợ bởi nạn cướp giật, lừa đảo, thực phẩm bẩn, hàng giả hàng nhái, tai nạn giao thông...; học sinh, phụ huynh không còn lo lắng với những bất cập trong cải cách giáo dục; người bệnh được yên tâm chữa bệnh, v.v.

Chừng đó những đòi hỏi của cuộc sống, trước yêu cầu phát triển của đất nước, càng cho thấy trách nhiệm của các ĐBQH và từng thành viên Chính phủ nặng nề đến thế nào.

Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV khai mạc ngày 22-10 và dự kiến bế mạc ngày 21-11. Với 24 ngày làm việc, kỳ họp sẽ xem xét, thông qua chín dự án luật và một Nghị quyết, đồng thời, cho ý kiến sáu dự án luật khác và quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước.