Tuổi trẻ & khát vọng dấn thân

Hơn 12 năm gắn bó với Báo Nhân Dân, tôi luôn tự dặn lòng mình về sự tận tâm, tận hiến trong công việc. Bằng ước mơ, khát vọng của tuổi trẻ, tôi nuôi dưỡng đam mê, giữ lửa với nghề.

Độc giả đọc Báo Nhân Dân tại Thư viện Hà Nội. Ảnh: NGỌC MAI
Độc giả đọc Báo Nhân Dân tại Thư viện Hà Nội. Ảnh: NGỌC MAI

Là một phóng viên báo Đảng, thường trú tại khu vực miền trung, tuổi nghề không nhiều so với các thế hệ làm Báo Nhân Dân qua các thời kỳ, nhưng đối với lớp các phóng viên trẻ, thời gian đó cũng được xem là nhiều. Với những trải nghiệm, kinh nghiệm quý mà không phải bất cứ ai chọn lựa nghề cầm bút, làm phóng viên báo Đảng may mắn có được như tôi. 

Tiêu chí đầu tiên mà tôi luôn phải nắm vững, đó là việc cảm nhận đời sống thực tiễn từ nhiều góc nhìn, biết lắng nghe, vận dụng các nguồn tin chính thống, tin cậy. Từ đó, chắt lọc để cho ra các ý “tinh”, vừa đúng, trúng và chuẩn. Để thực hiện được điều này rất khó, đặc biệt khi đối diện với trang viết, với nhiều đề tài mà đôi khi, nếu không cẩn trọng trong tác nghiệp, không chú ý đến cách truyền tải, tác phẩm rơi vào “khô, xơ cứng, nặng số liệu báo cáo” hoặc có thể “đổ bài” bất cứ lúc nào. Tôi luôn tự đặt ra câu hỏi, đối với một phóng viên thường trú báo Đảng tại địa phương, điều cần nhất khi thực hiện các đề tài đăng tải trên các ấn phẩm của Báo Nhân Dân, là gì? Người viết có được “tung tẩy” ngôn từ trên trang viết của các tin, bài, phóng sự, điều tra… đăng trên báo Đảng? Tuổi trẻ và tuổi nghề, “gút thắt” nằm ở đâu? 12 năm công tác, với không ít những khó khăn, thử thách và rất nhiều áp lực buộc tôi vượt qua, lớn lên và trưởng thành.

Một trong số các ấn phẩm của Báo Nhân Dân mà tôi may mắn được cộng tác thường xuyên là Nhân Dân cuối tuần. Đây, được xem là ấn phẩm có khá nhiều bài viết, chuyên trang với từng mảng đề tài mà phóng viên thường trú như tôi có thể cộng tác, từ góc độ địa phương với yếu tố vùng miền đặc trưng. 

Khó nhất trong tác nghiệp, đó là việc làm sao để thể hiện, truyền tải được “sức nóng” của đời sống xã hội vào trang viết. Thiết nghĩ, muốn làm được điều này, ngoài việc nắm vững địa bàn, giữ mối liên hệ chặt chẽ với các cấp ủy Đảng địa phương, thì người phóng viên luôn phải lấy Nghị quyết làm tiêu chí cốt lõi. Đọc, ngẫm và tìm hiểu các nội dung cốt lõi của Nghị quyết, từ đó tiến hành “tách bóc”, “lảy ý”, tìm đề tài và “soi” vào thực tế. Từ góc độ cá nhân, tôi nghĩ, việc tiếp cận các đề tài trên văn bản chỉ là một phần rất nhỏ, mới chỉ là “xương sống” cho bài viết. Muốn bài viết sinh động, cuốn hút người đọc, cần chuẩn bị các tư liệu phong phú, đặc sắc và “độc”.  Khẳng định văn phong trên báo Đảng, là cách biến hóa, nhào nặn các chất liệu thực tiễn, bằng cách không ngừng thâm nhập thực tế, đi cơ sở, gắn bó với cơ sở. Từ đó, kết nối, phân tích, nhận định được tình hình, vừa góp phần định hướng dư luận xã hội thông qua tác phẩm báo chí, vừa bảo đảm xác thực thông tin trên báo Đảng. 

Kỷ niệm tác nghiệp với tôi khá nhiều, gắn với đặc trưng thời tiết khí hậu, mưa, lũ, bão, dịch bệnh… nhưng khó nhất việc thực hiện các đề tài đột xuất được Ban Biên tập, lãnh đạo cơ quan phân công trong thời gian ngắn nhất có thể. Việc xử lý các tình huống đề tài nóng, thời sự, đột xuất trong quỹ thời gian càng gấp, càng ngắn, đòi hỏi người viết phải có tư duy nhanh nhạy, xông xáo và biết dấn thân, trải nghiệm. Độ tinh tế của người viết, thể hiện trong những chi tiết nhỏ của bài báo, tính thực tế, thực tiễn nằm ở những sự vật, hiện tượng sống động được minh chứng trên trang viết.

Thiết nghĩ, để có một tác phẩm báo chí hay, mang hơi thở cuộc sống đăng tải trên báo Đảng, phóng viên phải thật sự tâm huyết với đề tài và cả sự hy sinh thầm lặng. Phải xem trách nhiệm người cầm bút, trách nhiệm một phóng viên báo Đảng là tôn chỉ bất biến trong mỗi tác phẩm báo chí, và lấy đam mê là động lực để vượt qua những áp lực của nghề được cho là “nguy hiểm”, độc lập tác nghiệp tại địa bàn xa trụ sở cơ quan và phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trên trang viết của mình. Biết khai thác và khám phá bản thân bằng ngòi bút. Nhanh nhưng phải chuẩn, bảo đảm thông tin khách quan, minh bạch và thượng tôn pháp luật. Để làm được điều đó, người làm báo, ngoài phẩm chất đạo đức, tư duy nhạy bén, năng lực tổng hợp, phân tích… trước hết phải là người trọng nghề và luôn học cách thích nghi, có khát vọng học hỏi, dấn thân.

Truyền cảm hứng, nhiệt huyết vào ngòi bút, vào trang viết, cần nhất là niềm đam mê và say nghề, khát vọng chinh phục thực tế trong bất luận tình huống/điều kiện/thời gian nào với một quy tắc thông tin phải bảo đảm liền mạch, không vi phạm đạo đức nghề nghiệp và buộc phải bảo đảm an toàn khi tác nghiệp. Những kinh nghiệm thực tế, luôn là một người bạn đồng hành thầm lặng thứ hai, đứng sau những người thầy trên trường học, trường đời; những người thầy là anh chị em đồng nghiệp các thế hệ dưới mái nhà Báo Nhân Dân tin yêu với lịch sử 70 năm hào hùng son đỏ mà tôi đã chọn, gắn bó và cống hiến.

Con đường để trở thành nhà báo chân chính, thực thụ, rất khó khăn và gian nan. Tuổi trẻ, sự dấn thân và niềm đam mê sẽ như một chất xúc tác, giúp tôi giữ vững lập trường, trụ vững bước chân của mình trên mọi nẻo đường tác nghiệp.