Tư tưởng Hồ Chí Minh về chính quyền địa phương

Trong di sản tư tưởng Hồ Chí Minh, có thể thấy nguyên lý bộ máy nhà nước luôn phải bảo đảm tính hợp Hiến, hợp pháp; của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân được thể hiện xuyên suốt và nhất quán. Một minh chứng thuyết phục cho nhận định này là hai sắc lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng bộ máy chính quyền địa phương: Sắc lệnh số 63-SL ngày 22-11-1945 về tổ chức chính quyền nhân dân ở các địa phương và Sắc lệnh số 77-SL ngày 21-12-1945 về tổ chức chính quyền nhân dân ở các thị xã, thành phố.

Nét đặc sắc, nổi bật trong tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng chính quyền địa phương vẫn còn nguyên giá trị đến ngày hôm nay. Ảnh tư liệu
Nét đặc sắc, nổi bật trong tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng chính quyền địa phương vẫn còn nguyên giá trị đến ngày hôm nay. Ảnh tư liệu

“Chính phủ địa phương”
 
 Theo đó, chính quyền địa phương nằm trong hệ thống chính quyền Nhà nước được tổ chức chặt chẽ và thống nhất từ T.Ư cho đến cơ sở: Chính quyền từ xã đến Chính phủ T.Ư do dân cử ra. Khẳng định tính đúng đắn và tầm nhìn xa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nguyên tắc cơ bản này được thể hiện xuyên suốt trong các bản Hiến pháp năm 1946, năm 1959, năm 1980, năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) và năm 2013.
 
 Trong việc tổ chức, thiết lập bộ máy chính quyền địa phương, theo Bộ trưởng Tư pháp Vũ Đình Hòe, các sắc lệnh quy định về chính quyền địa phương các cấp của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cụ thể hóa hai nguyên lý dân chủ mới của bộ máy quản lý xã hội là chính quyền trực tiếp và chính quyền tập trung. Quan điểm này cũng được khẳng định nhiều lần trong các bài báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh. “Cách tổ chức các ủy ban nhân dân”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Ủy ban nhân dân (làng, huyện, tỉnh, thành phố) là hình thức Chính phủ trong các địa phương, sau khi khởi nghĩa thắng lợi” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4). Trong bài “Chính phủ là công bộc của dân”, Người tiếp tục khẳng định: “Các Ủy ban nhân dân làng, phủ là hình thức Chính phủ địa phương” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4).

Tư tưởng Hồ Chí Minh về chính quyền địa phương -0
Đại diện của Hội đồng tiếp công dân TP Móng Cái (Quảng Ninh) giải quyết kiến nghị, khiếu nại của công dân. Ảnh: Mạnh Trường 

 Đáng lưu ý là trong việc xác định cách tổ chức chính quyền địa phương ở Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không áp dụng máy móc mô hình Xô-viết ở các cơ quan, đơn vị sản xuất, công tác như Xô-viết nhà máy, Xô-viết nông trường... mà Người đã tiếp thu có chọn lọc, phù hợp truyền thống và thực tiễn Việt Nam.
 
 Phân biệt về mô hình chính quyền địa phương
 
 Kế thừa truyền thống, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã rất “hiện đại” khi nêu rõ ngay tại Điều 1 Sắc lệnh số 63-SL: “ở hai cấp xã và tỉnh có Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính ở các cấp huyện và kỳ chỉ có Ủy ban hành chính”. Hơn thế, Người cũng đã có sự phân biệt rất rõ mô hình tổ chức chính quyền ở nông thôn với chính quyền ở đô thị. Sắc lệnh số 63-SL ngày 22-11-1945 về tổ chức các HĐND và Ủy ban hành chính đã quy định cách tổ chức hoạt động của chính quyền địa phương ở nông thôn. Trong đó, ở cấp xã và cấp tỉnh có đầy đủ hai cơ quan là Hội đồng nhân dân (HĐND) và Ủy ban hành chính; riêng cấp huyện và cấp kỳ chỉ có Ủy ban hành chính, mà không tổ chức HĐND. Trách nhiệm, quyền hạn và cách thức làm việc của từng cấp đều được xác định hết sức cụ thể, rõ ràng.
 
 Đây cũng là quan điểm được thể hiện trong Sắc lệnh số 77-SL (đã nêu) về tổ chức chính quyền nhân dân ở các thị xã và thành phố. Điều 3 của Sắc lệnh số 77-SL quy định: “ở mỗi thành phố sẽ đặt ba thứ cơ quan: Hội đồng nhân dân thành phố, Ủy ban hành chính thành phố và Ủy ban hành chính khu phố... Hội đồng nhân dân thành phố do dân thành phố bầu ra theo lối phổ thông và trực tiếp đầu phiếu là cơ quan thay mặt cho dân thành phố. Ủy ban hành chính thành phố do Hội đồng nhân dân thành phố bầu ra vừa thay mặt cho dân thành phố vừa thay mặt cho Chính phủ. Ủy ban hành chính khu phố do dân khu phố bầu ra theo lối phổ thông và trực tiếp đầu phiếu là cơ quan vừa thay mặt cho dân khu phố vừa thay mặt cho Chính phủ”.
 
 Như vậy, ở thành phố trực thuộc T.Ư khi đó chỉ có hai cấp hành chính là thành phố và khu phố (còn được gọi là nguyên tắc “một cấp chính quyền, hai cấp hành chính”). Cấp khu phố không có HĐND mà chỉ có Ủy ban hành chính. Tuy có điểm tương đồng là cấp huyện cũng không có HĐND, nhưng Ủy ban hành chính huyện do ủy viên HĐND các xã bầu, còn Ủy ban hành chính khu phố do cử tri khu phố trực tiếp bầu ra (tức nhân dân trực tiếp lập ra, hay còn gọi là thông qua dân chủ trực tiếp). Bên cạnh đó, quy định của Sắc lệnh số 77-SL về việc bỏ phiếu tín nhiệm Ủy ban hành chính khu phố khi có hai phần năm tổng số cử tri yêu cầu phúc quyết Ủy ban hành chính..., hay thể thức ứng cử, bầu cử ở địa bàn đô thị… cũng có những điểm đặc thù so với cách thức thực hiện đối với chính quyền địa phương ở nông thôn.
 
 Trong hoạt động của chính quyền địa phương nói chung, chính quyền đô thị nói riêng thể hiện trong các văn bản thời kỳ này cũng có những quy định rất mạnh mẽ và hiện đại. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, vẫn Sắc lệnh số 77-SL quy định: “Khi Hội đồng biểu quyết, quyết nghị của Hội đồng sẽ theo biểu quyết của đa số hội viên. Khi số phiếu hai bên ngang nhau thì quyết nghị của Hội đồng theo biểu quyết của người chủ tọa Hội đồng” (Điều 27 Sắc lệnh số 77-SL). Điều 80 Sắc lệnh số 63-SL quy định: “Hội đồng nhân dân tỉnh có quyền quyết nghị về tất cả các vấn đề thuộc phạm vi tỉnh mình. Nhưng quyết nghị của Hội đồng nhân dân hàng tỉnh không được trái với chỉ thị của các cấp trên. Hội đồng có thể hỏi ý kiến các nhà chuyên môn trước khi quyết nghị một vấn đề có liên can đến một hay nhiều ngành chuyên môn”.
 
 Sắc lệnh số 63-SL còn quy định về việc các kỳ họp HĐND tỉnh “có thể mời người ngoài dự bàn được. Những người được mời có quyền phát biểu ý kiến, nhưng không có quyền biểu quyết” và “Trừ những trường hợp đặc biệt phải họp kín, còn thì Hội đồng nhân dân tỉnh họp công khai. Dân tỉnh có quyền dự thính nhưng không có quyền chất vấn”.
 
 Sau này, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 1958 đã tiếp tục kế thừa những quy định đúng đắn, hài hòa giữa yêu cầu của thời cuộc và tính truyền thống của Sắc lệnh số 63-SL và Sắc lệnh số 77-SL.
 
 Có thể nói, nét đặc sắc, nổi bật trong tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng chính quyền địa phương ở Việt Nam (từ xác lập vị trí, vai trò, tầm quan trọng cho đến các nguyên tắc tổ chức và hoạt động; sự phân biệt rõ ràng giữa mô hình tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương ở đô thị với chính quyền địa phương ở nông thôn) vẫn còn nguyên giá trị đến ngày hôm nay.