Từ Cách mạng Tháng Mười đến Cách mạng Tháng Tám - Cái nhìn và bài học

LTS - Nhân dịp kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga, Nhân Dân cuối tuần xuất bản chuyên đề nhằm nêu bật ý nghĩa lịch sử của cuộc cách mạng vĩ đại nhất trong thế kỷ XX, và mối quan hệ đặc biệt giữa Liên Xô trước đây và Liên bang Nga ngày nay với Việt Nam.

Ðêm giao lưu - nghệ thuật với Chủ đề “Bản hùng ca Tháng Mười” do Báo Nhân Dân và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam phối hợp tổ chức. Ảnh: THỦY NGUYÊN
Ðêm giao lưu - nghệ thuật với Chủ đề “Bản hùng ca Tháng Mười” do Báo Nhân Dân và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam phối hợp tổ chức. Ảnh: THỦY NGUYÊN

Cách mạng Tháng Mười

Ðã tròn 100 năm kể từ ngày Cách mạng Tháng Mười Nga thành công (7-11-1917 - 7-11-2017).

Thời gian trôi nhanh. Thế giới có nhiều thay đổi. Nhưng có một sự thật không bao giờ thay đổi. Ðó là giá trị lịch sử và ý nghĩa thời đại của cuộc cách mạng này, cuộc cách mạng vĩ đại nhất của thế kỷ XX. “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu, hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế” (1).

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói như vậy. Và sự thật đúng là như vậy.

Với “mười ngày làm rung chuyển thế giới”, thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười đã mở ra một thời đại mới trong lịch sử loài người - thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội.

Chế độ chuyên chế Sa hoàng đã bị đánh sập hoàn toàn. Nhà nước Xô-viết - nhà nước của công - nông, nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới ra đời. Nhà nước ấy ngay từ khi mới thành lập, chẳng những đã đập tan được bọn phản cách mạng trong nước mà còn đánh thắng được cuộc can thiệp vũ trang của 14 nước đế quốc. Chưa đầy 30 năm sau, lại đánh thắng hoàn toàn phát-xít Ðức - Ý - Nhật vừa bảo vệ được mình vừa góp phần to lớn giải phóng nhiều nước khác, cứu loài người khỏi ách nô lệ của chủ nghĩa phát-xít. Sau chiến tranh, bằng những nỗ lực phi thường, trong một thời gian ngắn, Liên Xô đã phấn đấu hàn gắn vết thương chiến tranh, rồi tiến lên xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, trở thành một nước công nghiệp lớn, có nền khoa học - kỹ thuật hiện đại và là nước đầu tiên mở đường chinh phục vũ trụ.

Hòa nhịp bước với Liên Xô, thắng lợi của cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng xã hội chủ nghĩa ở các nước khác đã dẫn đến việc hình thành một hệ thống xã hội chủ nghĩa trải dài từ Ðông Âu đến Ðông - Nam Á và Mỹ la-tinh. Ba dòng thác cách mạng và phong trào đấu tranh cho hòa bình của nhân dân thế giới cũng theo đó dâng lên.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười và của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô là một sự thật hiển nhiên, không ai có thể phủ nhận được.

Từ Cách mạng Tháng Mười đến Cách mạng Tháng Tám - Cái nhìn và bài học ảnh 1

Cách mạng Tháng Tám

Với Việt Nam, đi theo con đường của Cách mạng Tháng Mười, cách mạng nước ta đã giành được những thắng lợi to lớn.

29 năm sau Cách mạng Tháng Mười, năm 1945, Cách mạng Tháng Tám đã thành công rực rỡ. Có lần, tôi viết: Nếu có một từ ngữ nào lớn hơn từ “vĩ đại” thì tôi sẽ không ngần ngại dùng từ ngữ ấy để nói về cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại của chúng ta. Sự vĩ đại của một sự kiện lịch sử không xuất phát từ quy mô của sự kiện ấy mà trước hết là từ tính chất và tác động của nó đến tiến trình lịch sử, từ sự thúc đẩy lịch sử tiến lên chứ không phải kéo lùi lịch sử lại. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 quả đúng là một cuộc cách mạng như vậy, một cuộc cách mạng mang tính dân tộc và thời đại sâu sắc.

Cách mạng Tháng Tám dẫn đến sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đầu tiên ở Ðông - Nam Á, do chính đảng của giai cấp công nhân - Ðảng Cộng sản Việt Nam - lãnh đạo. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám và việc thành lập nhà nước cộng hòa dân chủ mở ra một bước ngoặt vĩ đại, làm thay đổi một cách căn bản vận mệnh của đất nước và dân tộc ta. Nước ta từ một nước thuộc địa, nửa phong kiến trở thành một nước độc lập, tự do. Nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình.

72 năm qua, phát huy truyền thống của Cách mạng Tháng Tám. Ðảng và nhân dân ta không ngừng tiến lên giành thắng lợi trên mỗi chặng đường. Thắng lợi của hai cuộc kháng chiến cứu nước, chống Pháp và chống Mỹ xâm lược. Thắng lợi của công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước. Ba mươi năm qua, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đổi mới đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, làm thay đổi rõ rệt bộ mặt của đất nước, tăng nhanh thế và lực của quốc gia, nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế.

Bài học

Cách mạng Tháng Mười và sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô cũng như Cách mạng Tháng Tám và sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước ở Việt Nam đều được tiến hành theo những quy luật chung và quy luật đặc thù, phù hợp thực tế tình hình mỗi nước. Vấn đề là Ðảng lãnh đạo có nắm bắt và vận dụng đúng đắn các quy luật ấy không. Lê-nin từng nói: “Giành chính quyền đã khó, giữ được chính quyền còn khó hơn”. Người còn nói: “Không ai tiêu diệt được chúng ta, ngoài những sai lầm của bản thân chúng ta”. Nắm vững nguyên lý cách mạng phải biết tự bảo vệ, Bác Hồ luôn nhắn nhủ Ðảng ta phải lấy tự phê bình và phê bình làm luật phát triển.

Sự sụp đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Ðông Âu cuối những năm 80 đầu 90 thế kỷ trước thật sự là một cơn động đất chính trị lớn, có ảnh hưởng nặng nề không chỉ đối với thế giới xã hội chủ nghĩa và độc lập dân tộc, mà còn kéo theo thoái trào của phong trào cộng sản và công nhân thế giới. Sự sụp đổ ấy là do nhiều nguyên nhân, cả chủ quan và khách quan mà chủ quan là chủ yếu.

Sai lầm lớn nhất là trong giới lãnh đạo cấp cao nhất của Liên Xô thời đó. Sai lầm trong việc say sưa với thắng lợi, ngộ nhận chủ nghĩa xã hội đã xây dựng xong và chủ trương Liên Xô chuyển sang thời kỳ xây dựng chủ nghĩa cộng sản. Ðến khi phát hiện sự chậm trễ trong phát triển kinh tế so với các nước tư bản thời đó cùng với những biểu hiện chuyên quyền độc đoán, quan liêu, xa dân trong quản lý thì lại vội vàng đề ra chính sách cải tổ nhằm mục tiêu tăng tốc về kinh tế, “dân chủ hóa” về chính trị. Rốt cuộc, kinh tế không tăng tốc được, chính trị lại sa vào chủ nghĩa đa nguyên, đa đảng đối lập, buông lỏng vai trò lãnh đạo của Ðảng, gây hoang mang, dao động trong đông đảo quần chúng, dẫn tới xã hội hỗn loạn, chính quyền rơi vào tay nhóm cơ hội chống đối trong nội bộ. Ðó là chưa nói đến sự lơ là, mất cảnh giác đối với các âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.

Ðây là một bài học đắt giá.

Dẫu sao, sự sụp đổ ở Liên Xô là sự sụp đổ của một mô hình xây dựng chủ nghĩa xã hội chứ không phải sụp đổ của chủ nghĩa xã hội nói chung, với tư cách là một nấc thang phát triển của xã hội loài người, theo quan điểm của chủ nghĩa Mác- Lê-nin.

Ở Việt Nam, vào thời điểm Liên Xô và Ðông Âu đề ra cải tổ, cải cách, Ðảng ta, tại Ðại hội VI (1986), đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện. Ðổi mới thật sự là một quá trình cách mạng trong thời kỳ mới. Thành tựu của 30 năm đổi mới đã được nêu khái quát như trên.

Có điều cần nói thêm.

Vào lúc Ðảng đề ra đường lối đổi mới, tình hình đất nước ta cực kỳ khó khăn. Có người ví von rằng, chúng ta đang ở trong “đường hầm không lối thoát”. Nhưng chỉ 5 năm sau, vào năm 1991, chẳng những chúng ta tìm thấy lối ra mà thực tế đã ra khỏi cái đường hầm không lối thoát ấy. Ðã có cơ sở để Ðảng ta đề ra Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Trong khi đó, năm 1991 lại là năm đánh dấu sự sụp đổ ở Liên Xô.

Ở đây, tôi không có ý nêu lên một sự so sánh. Chỉ muốn rút ra bài học cho chính chúng ta, nhất là bài học về xây dựng Ðảng.

Công cuộc đổi mới tuy đã đạt được những thành tựu to lớn nhưng phía trước vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức. Ðể đảm đương được vai trò lãnh đạo, Ðảng phải vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, ra sức nâng cao trình độ trí tuệ, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực lãnh đạo.

Tôi nghĩ: Thực hiện tốt nhất Nghị quyết của Ðại hội XII và các Nghị quyết có liên quan khác của Trung ương chính là phương thuốc hiệu quả nhất để không đi vào vết xe đổ của một số Ðảng anh em. Ðể Ðảng ta nhất định sẽ tiến lên những thắng lợi mới to lớn hơn.

Tháng 11-2017

Ðại hội XII của Ðảng (2016) đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ, trong đó nhiệm vụ trọng tâm thứ nhất là: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Ðảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa trong nội bộ…”.

-------------------------

(1) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, tập 12, trang 300.