“Trên nóng, dưới lạnh” và biện pháp khắc phục

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần đề cập tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” làm cho việc thực hiện nhiều quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước kém hiệu quả, chậm đi vào cuộc sống, ảnh hưởng xấu đến phát triển kinh tế - xã hội và niềm tin của người dân.

Trung ương, nhất là Bộ Chính trị, Ban Bí Thư, Chính phủ có quyết tâm chính trị rất cao trong phòng chống, đấu tranh với tham nhũng, nhưng xuống đến địa phương, nhất là ở cơ sở, lại chậm chuyển biến,
Trung ương, nhất là Bộ Chính trị, Ban Bí Thư, Chính phủ có quyết tâm chính trị rất cao trong phòng chống, đấu tranh với tham nhũng, nhưng xuống đến địa phương, nhất là ở cơ sở, lại chậm chuyển biến,

Trên “nóng” là trên Trung ương, nhất là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ đã có quyết tâm chính trị rất cao trong lãnh đạo, chỉ đạo, là các hành động cụ thể và vai trò tiên phong, gương mẫu trong thực hiện công vụ, nhiệm vụ; đồng thời, xử lý kiên quyết, dứt điểm, đúng người, đúng tội đối với những cán bộ, đảng viên có sai phạm, nhất là tham nhũng bất kể người đó là ai. Trên thực hiện bài bản, kiên quyết, kiên trì, quyết liệt, sát sao, chủ động, tích cực, hiệu quả trong lãnh đạo, chỉ đạo và tinh thần cách mạng nhiệt tình, sục sôi với bản lĩnh, sự dũng cảm trước khó khăn; không nể nang, né tránh; lời nói đi đôi với việc làm; tự phê bình và phê bình thành thật; tiên phong trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, “lợi ích nhóm”, sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tha hóa quyền lực. Đây là yếu tố quyết định thành công hay thất bại trong thực hiện các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là trong công tác phòng, chống tham nhũng và ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tha hóa quyền lực. Khi “lò đã nóng lên rồi thì củi tươi, củi khô đều cháy”.

Kết quả của sự “nóng” lên là từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay đã thi hành kỷ luật hơn 70 đảng viên là cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có nhiều đồng chí là Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương và một đồng chí nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nhiều đồng chí là cấp tướng trong lực lượng vũ trang, trong đó nhiều trường hợp phải xử lý hình sự. Một số vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, mà lâu nay được cho là “vùng cấm, nhạy cảm, vùng trống”, nhiều vụ, việc kéo dài từ những năm trước đã được xử lý dứt điểm, nghiêm minh và tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng đã đạt hơn 32%; việc kê biên, thu giữ tài sản trong các vụ việc tham nhũng đã được thực hiện quyết liệt, không có “vùng cấm” không có “ngoại lệ”...

Dưới “lạnh” là ở bên dưới, địa phương, nhất là ở cơ sở chậm chuyển biến, không quyết tâm, quyết liệt, thậm chí có nơi còn cho rằng công tác xây dựng Đảng, nhất là phòng, chống tham nhũng, ngăn chặn sự suy thoái, tha hóa quyền lực không phải là trách nhiệm của mình; là sự nể nang, né tránh, “dĩ hòa vi quý”; thấy sai không dám đấu tranh, thấy đúng không bảo vệ; là tình trạng phai nhạt lý tưởng cách mạng, giảm sút tinh thần, ý chí chiến đấu, thờ ơ, vô cảm; suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; nói nhiều, làm ít, nói hay, làm dở, nói một đằng, làm một nẻo; việc tự kiểm tra, tự phê bình, phê bình yếu, kém, hình thức,... Khi Trung ương chỉ đạo, đôn đốc thì mới làm, thậm chí còn chống chế, bè cánh nên phải kiểm tra các cấp và trực tiếp xử lý với hình thức kỷ luật cao hơn so với hình thức của cấp dưới, nhất là của cơ sở đã xử lý hoặc đề xuất, như vừa qua Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã phải kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với một số tổ chức đảng cấp huyện để thúc đẩy “nóng dần” lên. Trong hành pháp mà trọng tâm là quản lý hành chính nhà nước là sự chuyển biến chưa toàn diện, chưa đồng bộ giữa các cấp, các ngành, các lĩnh vực, Thường trực Chính phủ, nhất là Thủ tướng Chính phủ đã quyết tâm, quyết liệt đổi mới, cải cách hành chính, giải ngân vốn đầu tư công, cắt giảm điều kiện kinh doanh,… với yêu cầu xây dựng “Chính phủ liêm chính, kiến tạo và hành động” nhưng dưới vẫn “lạnh”.

Nhiều vụ việc cấp dưới có thể giải quyết theo thẩm quyền nhưng đùn đẩy trách nhiệm dẫn đến khiếu kiện lên Trung ương. Điều đáng lưu tâm hiện nay là một bộ phận không nhỏ cán bộ tổ dân phố, thôn, xóm… thấy mình có chút quyền đã lộng quyền, lạm quyền, muốn làm gì cũng được “coi trời như vung úp nồi nhà mình”, thờ ơ, vô cảm trước nỗi khổ của người dân, thậm chí còn đứng ra tổ chức, lôi kéo mọi người khiếu kiện đông người, vu cáo, gây rối, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Có thể nói biểu hiện dưới “lạnh” trong hệ thống chính trị - xã hội hiện nay là một căn bệnh cần phải có thuốc đặc trị để trên “nóng” thì dưới cũng phải “nóng”… Trước mắt, tập trung vào “thang thuốc” sau: Một là, thẳng thắn, khách quan, công tâm chỉ rõ, đích danh và công khai những nơi, bộ phận, cá nhân vẫn “lạnh”, từ đó quy định rõ trách nhiệm, thẩm quyền, chịu trách nhiệm của người đứng đầu gắn với kiểm soát chặt chẽ quyền lực được giao. Hai là, xây dựng tiêu chí đánh giá quyết tâm của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, tổ chức trong việc chữa trị “bệnh dưới lạnh”, nhất là trong phòng, chống tham nhũng và suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, cụ thể người đứng đầu phải: có phương pháp, phương án khả thi trong việc chữa trị “bệnh dưới lạnh” và kiên quyết, đi đầu, tích cực thực hiện; có phản ứng kịp thời, hiệu quả khi có thông tin liên quan đến “bệnh dưới lạnh” thuộc phạm vi lãnh đạo, quản lý và kiên quyết đôn đốc giải quyết vụ việc tới cùng có kết quả, hiệu quả, chất lượng; không chùn bước, không nhu nhược trước bất cứ sức ép, áp lực, khó khăn, trở ngại nào khi thực hiện chữa trị “bệnh dưới lạnh” và không để người thân lợi dụng chức quyền của mình vụ lợi gây tai tiếng; thường xuyên và định kỳ có thống nhất nhận xét, đánh giá cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng cấp dưới về việc lãnh đạo và thực hiện chữa trị “bệnh dưới lạnh”, nhất là đối với công tác kiểm tra, giám sát trong chữa trị “bệnh dưới lạnh”, chú ý vào những nội dung mà qua nắm tình hình cho thấy có “bệnh lạnh” để uốn nắn, chấn chỉnh, kể cả đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét trách nhiệm khi quá “lạnh”; đưa vào nền nếp việc biểu dương, khen thưởng, phát huy những nhân tố thực hiện tốt việc chữa trị “bệnh dưới lạnh” cũng như kịp thời phê phán, xử lý những cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy vẫn để xảy ra tình trạng “bệnh dưới lạnh” trong phạm vi lãnh đạo, quản lý trực tiếp của mình. Ba là, cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy phải là người cầm cờ, chủ trì công cuộc đấu tranh phòng, chống, chữa trị “bệnh dưới lạnh” như kinh nghiệm của Bộ Chính trị, Ban Bí thư mà trực tiếp là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã lãnh đạo, chỉ đạo và quyết tâm giải quyết, xử lý một số vụ việc vừa qua đã tạo được sự đồng thuận và mang lại niềm tin cho xã hội. Đồng thời, phát huy vai trò của báo chí, nhất là hệ thống báo chí chính thống và thật sự dựa vào dân để chữa trị “bệnh dưới lạnh”. Phát huy dân chủ nhưng dân chủ phải trong trật tự, kỷ cương nên phải uốn nắn, nhắc nhở, xử lý nghiêm những người cố tình lợi dụng dân chủ để gây rối, xuyên tạc hoặc vu khống.

Thực hiện thang thuốc trên chính là góp phần chỉnh đốn Đảng thật sự, các cấp ủy, tổ chức đảng tự chỉnh đốn, tự đổi mới với chính bản thân mình về cả chủ trương và hành động thực tế với sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của cấp trên một cách sát sao, qua đó kiên quyết xử lý, thay thế những trường hợp không còn đủ phẩm chất ra khỏi hệ thống chính trị. Điều này thật khó, nhưng không thể không làm và chỉ có làm được thì Đảng và Nhà nước mới thật sự trong sạch, vững mạnh, đảng viên mới xứng đáng là “người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”, Đảng mới làm trọn được sứ mệnh là đội tiền phong của giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam, lãnh đạo nhân dân ta hoàn thành sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.