Trên đã nóng, dưới không thể lạnh

Công tác phòng ngừa, đấu tranh chống các loại tội phạm, nhất là công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) đang cần lan tỏa đồng bộ và rốt ráo đến từng địa phương, cơ sở, tạo bước đột phá mới, đẩy lùi tiêu cực một cách hiệu quả.

Một trong những nội dung được nhiều đại biểu tham dự Hội thảo đề cập là việc quy trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác phòng, chống tội phạm tham nhũng. Ảnh: TRẦN HẢI
Một trong những nội dung được nhiều đại biểu tham dự Hội thảo đề cập là việc quy trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác phòng, chống tội phạm tham nhũng. Ảnh: TRẦN HẢI

Phải kiên quyết và kiên trì

Xác định tầm quan trọng của công tác tuyên truyền trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm tham nhũng, vừa qua, Báo Nhân Dân đã phối hợp Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) tổ chức Hội thảo “Nêu gương người đứng đầu trong công tác phòng, chống tội phạm ở cơ sở”. Qua đó, xác định, thời gian qua công tác phòng ngừa, đấu tranh chống các loại tội phạm đã được tăng cường, góp phần kiềm chế sự gia tăng của các loại tội phạm, trong đó có tội phạm tham nhũng, lãng phí.

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện các chủ trương chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về công tác phòng, chống tội phạm còn thiếu cụ thể, chưa quyết liệt ở một số đơn vị, địa phương; một số đảng bộ mới chỉ dừng lại ở khâu tổ chức hội nghị quán triệt, ban hành kế hoạch thực hiện nhưng không kiểm tra đôn đốc thường xuyên nên chưa tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ. Một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa chú trọng đến công tác nắm tình hình nhất là trong nội bộ nhân dân, phòng ngừa tội phạm, còn tư tưởng xem trách nhiệm phòng, chống tội phạm là của cơ quan chức năng nên chưa thật sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời. Có nơi, có lúc người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, doanh nghiệp chưa làm hết vai trò, trách nhiệm trong công tác này, thậm chí có hành vi bao che, làm ngơ, cá biệt còn vi phạm pháp luật gây dư luận không tốt trong quần chúng nhân dân, làm ảnh hưởng tiêu cực đến niềm tin của nhân dân đối với quyết tâm đấu tranh ngăn chặn tội phạm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng.

Nêu gương người đứng đầu ở cơ sở

Trước những diễn biến phức tạp của tình hình tội phạm nói chung, tội phạm tham nhũng, lãng phí nói riêng, đòi hỏi Đảng và Nhà nước phải sớm có biện pháp, giải pháp phù hợp tình hình mới. Trong đó, quan trọng là công tác kiểm soát, giám sát trách nhiệm của người nắm giữ quyền lực, người đứng đầu ở địa phương, cơ sở.

Tại hội thảo được tổ chức tại Báo Nhân Dân, một trong những nội dung được nhiều đại biểu đề cập là việc quy trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác phòng, chống tội phạm tham nhũng.

Nhấn mạnh tầm quan trọng phải kiểm soát quyền lực người đứng đầu đảng bộ, chi bộ để ngăn chặn có hiệu quả các hành vi vi phạm pháp luật, ông Hà Hữu Đức (Ủy ban Kiểm tra Trung ương) cho rằng: “Việc trao quyền cho bí thư đảng bộ, chi bộ phải rõ quyền, đúng quyền, đủ quyền, thực quyền và thống nhất với quyền của đảng bộ. Đồng thời có cơ chế, chế tài, điều kiện bảo đảm thực hiện các quyền được giao để bí thư đảng bộ, chi bộ dễ dàng nhận biết và thực hiện đúng các công việc, quyền được giao. Cùng với đó, phải thực hành dân chủ rộng rãi, nhất là dân chủ ở cơ sở; phát huy và tăng cường vai trò giám sát của hệ thống chính trị, nhất là của nhân dân, các cơ quan báo chí đối với việc thực thi quyền lực của bí thư đảng bộ, chi bộ trong việc phòng, chống tội phạm ở cơ sở”.

Đồng tình với quan điểm này, song TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, đề xuất thêm giải pháp: “Chúng ta không nên quy chụp rằng cứ xảy ra tham nhũng là người đứng đầu phải chịu trách nhiệm; mà cần nghiên cứu để có những quy định mạch lạc, biện pháp phòng, chống tham nhũng hiệu quả mà người đứng đầu phải có trách nhiệm áp dụng. Nếu không thực hiện theo quy định, để xảy ra tham nhũng, thì người đứng đầu ấy phải chịu trách nhiệm”.

Tại hội thảo, các đại biểu còn đi sâu đánh giá những vấn đề về cơ sở lý luận, khoa học trong việc xác định vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác phòng, chống tội phạm ở cơ sở; quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác phòng, chống tội phạm; làm rõ thực trạng việc thực hiện vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác phòng, chống tội phạm tại cơ sở thời gian qua.

Hơn lúc nào hết, người đứng đầu, nhất là người đứng đầu ở cấp cơ sở phải gương mẫu, sâu sát thực tiễn, biết lắng nghe và thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; không ngừng học hỏi, trau dồi chuyên môn, tu dưỡng đạo đức, trăn trở vì công việc, sự nghiệp phát triển chung của quốc gia, dân tộc. Có như thế, phong trào PCTN đang ở giai đoạn quyết liệt hiện nay tiếp tục được giữ lửa và truyền lửa khắp nơi nơi.