Tránh độ "vênh" trong thi hành pháp luật

Lý giải về tình trạng nhiều khi các dự án luật "đi sau" những diễn biến với tốc độ ngày càng nhanh chóng của đời sống kinh tế - xã hội và thậm chí khó tránh khỏi vừa ban hành đã phải sửa, các chuyên gia về xây dựng pháp luật cho rằng, đó là do các đạo luật của Việt Nam hiện nay thường là những văn bản pháp quy "đồ sộ", khá toàn diện, đòi hỏi thời gian chuẩn bị khá dài. Thực tế ấy đòi hỏi phải có sự đổi mới căn cơ trong công tác xây dựng và thông qua luật.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu ý kiến tại buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm (Hà Nội). Ảnh: ÐĂNG KHOA
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu ý kiến tại buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm (Hà Nội). Ảnh: ÐĂNG KHOA

Cân nhắc nhưng không quá cầu toàn

Ðúng với xu hướng tiến tới một Quốc hội tranh luận thay vì tham luận, hoạt động lập pháp tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV vừa qua đặc biệt sôi nổi so với các kỳ họp trước. Ðã có tới ba dự án Luật được xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội (ÐBQH) bằng phiếu trước khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) quyết định lộ trình, phương án tiếp thu, chỉnh lý.

Hai trong số ba dự án này sau đó đã được Quốc hội biểu quyết thông qua: Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) và Luật Sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến quy hoạch. Dự án còn lại là Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi), được xin ý kiến về lộ trình hoàn thiện, thông qua.

Sau ba kỳ họp, hầu hết nội dung trong dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) đã được đa số các nhà lập pháp đồng thuận. Nhưng có một nội dung được tranh luận xuyên suốt ba kỳ họp vẫn chưa ngã ngũ: việc xử lý tài sản, thu nhập không giải trình được hợp lý. Và, cho đến ngay trước khi thông qua, kết quả tổng hợp phiếu thăm dò ý kiến đại biểu được báo cáo trước Quốc hội cũng phân tán: không có phương án nào nhận được sự ủng hộ của quá 50% tổng số ÐBQH. Có 43,09% tổng số ÐBQH tán thành phương án xem xét, giải quyết tại tòa án; 32,16% tổng số ÐBQH tán thành với phương án thu thuế; 40 ý kiến đại biểu đề nghị giữ như quy định của Luật PCTN hiện hành và 51 đại biểu không thể hiện chính kiến hoặc có ý kiến khác.

UBTVQH đã lựa chọn giải pháp thận trọng: đề nghị Quốc hội cho phép chưa bổ sung quy định về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc vào dự thảo Luật mà thực hiện như quy định của pháp luật hiện hành.

Những quan điểm khác biệt trong dự án Luật Sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến quy hoạch (cụ thể là trong việc sửa đổi nội dung về quy hoạch xây dựng tỉnh trong Luật Xây dựng) cũng đã được xử lý rất mềm dẻo, đạt được sự đồng thuận của Quốc hội.

Trước đó, thảo luận tại hội trường, có 24/37 ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu tại tổ và hội trường tán thành với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế - Ngân sách của Quốc hội và đề nghị không lập quy hoạch xây dựng tỉnh. Có 6/37 ý kiến đề nghị cần có quy hoạch xây dựng tỉnh như là một quy hoạch kỹ thuật, chuyên ngành riêng trong Luật Xây dựng (sửa đổi) để chi tiết hóa những nội dung phát triển không gian của quy hoạch tỉnh...

Ðể bảo đảm tiếp thu đầy đủ, chính xác các ý kiến đóng góp, nên dù trình dự thảo theo phương án 1 (quy hoạch xây dựng tỉnh được lập là quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành để cụ thể hóa quy hoạch tỉnh), nhưng phiếu xin ý kiến đã được gửi đến từng ÐBQH. Kết quả, 217 phiếu đồng ý phương án 1, bằng 46,27%. 251 phiếu đồng ý phương án 2 (không lập quy hoạch xây dựng tỉnh). Ý kiến của đa số ÐBQH đã được tôn trọng.

Ðiểm dừng kỹ thuật trong xây dựng pháp luật

Do quan điểm khác nhau của cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra về lộ trình xây dựng Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi), phiếu thăm dò ý kiến cũng đã được gửi đến các vị đại biểu Quốc hội theo hai phương án (hai kỳ họp hoặc ba kỳ họp của Quốc hội). Cũng đã không có phương án nào nhận được trên 50% ý kiến đồng tình. Sở dĩ chỉ riêng thời gian vật chất để bàn thảo, hoàn thiện dự luận này đã trở thành vấn đề tranh luận là bởi đây thật sự là một luật khó, dù việc ban hành là cấp thiết.

Tránh độ "vênh" trong thi hành pháp luật ảnh 1

Phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản", "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Ngân hàng TMCP Ðông Á (DAB) ngày 27-11-2018. Ảnh: THÀNH CHUNG

Dự kiến ban đầu của cơ quan soạn thảo chỉ là sửa đổi, bổ sung một số điều, nhưng rồi - như chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm - Luật Thi hành án hình sự cần được sửa đổi một cách cơ bản, toàn diện, nhằm cụ thể hóa các quy định liên quan đến quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp năm 2013, khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Luật Thi hành án hình sự năm 2010 và đặc biệt bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với các đạo luật tư pháp đã được ban hành, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (đã có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2018).

Bộ trưởng Tô Lâm lo ngại, nếu thông qua trong ba kỳ họp, mất khoảng hai năm, thì cuối năm 2020, thậm chí năm 2021 Luật Thi hành án hình sự mới có hiệu lực và như thế, một số quy định đã có hiệu lực trong các đạo luật tư pháp khác đã có hiệu lực không được thực hiện, cụ thể như việc thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại, việc tha tù trước thời hạn có điều kiện, việc thi hành việc cải tạo không giam giữ, thực hiện án treo…

Từ một góc nhìn khác, với những thí dụ rất cụ thể, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nhận định, vẫn còn nhiều quy định trong dự thảo Luật khá chung chung; chưa rõ cơ chế, thủ tục, trình tự, trách nhiệm, quyền, nghĩa vụ. Chẳng hạn như thi hành án đối với pháp nhân thương mại; quyền và nghĩa vụ của pháp nhân, người chấp hành án và nhất là những vấn đề mới như quyền kết hôn, quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người, quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo… Ðó còn là những quy định về lao động của phạm nhân, trong trại tạm giam hay ngoài khu vực tạm giam; quyền, nghĩa vụ, quản lý lao động của phạm nhân; thi hành án đối với người chưa thành niên, người nước ngoài, trẻ em dưới 36 tháng tuổi theo mẹ hoặc cha ở trong các trại giam, trại tạm giam…

Trong một số trường hợp, một "điểm dừng kỹ thuật" là cần thiết; bởi vấn đề cốt lõi là cách thức sửa đổi, bổ sung luật một cách tối ưu chứ không đơn thuần là hạn chế số lần điều chỉnh luật. Tại buổi tiếp xúc với cử tri Hà Nội sau kỳ họp thứ sáu, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng khẳng định, đấu tranh phòng, chống tham nhũng là ý chí không thể lay chuyển, nhưng "việc gì đã rõ, đã được thực tế chứng minh là đúng, có sự thống nhất cao thì ta làm, còn chưa chín thì thí điểm, tổng kết đánh giá thi hành, rồi bổ sung sau". Vì một điều mà dừng cả đạo luật đã được thảo luận kỹ càng qua ba kỳ họp thì e rằng lại là quá cẩn trọng mà không kịp đáp ứng đòi hỏi của thực tế…