Trách nhiệm từ hai phía

Để phòng, chống tham nhũng một cách thực chất, cần đến sự nỗ lực từ cả hai phía - Quản lý nhà nước và doanh nghiệp. Cùng với những nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa và bãi bỏ các điều kiện kinh doanh từ phía cơ quan quản lý, cũng cần đến tầm nhìn và sự thực thi liêm chính của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp quản trị tốt không chỉ đóng góp cho nền kinh tế mà còn giúp cho việc kéo giảm các chi phí không chính thức cho bộ máy quản lý nhà nước.
Doanh nghiệp quản trị tốt không chỉ đóng góp cho nền kinh tế mà còn giúp cho việc kéo giảm các chi phí không chính thức cho bộ máy quản lý nhà nước.

Giảm được chi phí không chính thức

Cộng đồng doanh nghiệp (DN) đã cảm nhận được rõ ràng những chuyển biến tích cực trong công tác phòng, chống tham nhũng đang được Đảng và Nhà nước thực thi mạnh mẽ. Điều tra hơn 10.000 DN dân doanh và gần 2.000 DN có vốn đầu tư nước ngoài năm 2017 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã cho thấy, phạm vi và mức độ của các khoản chi phí không chính thức đang giảm dần. Năm 2017, trung bình có hơn 59% DN phải chi trả chi phí không chính thức, đây là mức giảm khá mạnh so với mức 66% của năm 2016 trước đó. Tỷ lệ DN nhận thấy có tình trạng chi trả chi phí không chính thức trong các hoạt động mua sắm, đấu thầu từ khu vực công của năm 2017 là 54,9%, giảm đáng kể so với con số 59,8% của năm 2015… Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2017 có một phân tích rất quan trọng chỉ ra rằng, tình trạng tham nhũng không chỉ liên quan đến vận hành của bộ máy chính quyền mà còn liên quan đến năng lực và trình độ quản lý của DN. Các DN có nhà quản lý giỏi ít có hành vi tham nhũng hơn bởi họ thường chi ít tiền hơn cho những chi phí không chính thức và cũng không cho rằng đây là “luật bất thành văn” trong môi trường kinh doanh Việt Nam hay là trở ngại đối với thành công của họ. Một điểm cải thiện về chất lượng quản lý của DN có tác động làm giảm 3% khả năng chi trả chi phí không chính thức trong đăng ký DN, giảm 5,5% khả năng tặng quà trong quá trình đăng ký và giảm 1% khả năng chi trả khi tiếp cận đất đai hoặc giải quyết tranh chấp tại tòa án.

Tuy vậy, điều đáng lo ngại là hiện trạng chất lượng quản lý của DN tư nhân Việt Nam thấp so với các tiêu chuẩn quốc tế và so với chính các doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam.

Cần có tiêu chuẩn về liêm chính

Để phòng, chống tham nhũng cần có trách nhiệm từ cả phía Nhà nước và doanh nghiệp. Từ phía cơ quan nhà nước, điều cần làm là nhanh chóng hoàn thiện các quy định pháp luật và quy trình thủ tục hành chính. Có lẽ giải pháp quan trọng nhất là tăng cường tính minh bạch.

Minh bạch về nội dung chính sách, về quy trình thủ tục, về tiêu chuẩn, điều kiện và về các thảo luận trong quá trình xây dựng hay sửa đổi chính sách. Chẳng hạn, một nghiên cứu của VCCI về nguy cơ tham nhũng trong lĩnh vực tòa án cho thấy rằng, nguy cơ tham nhũng đến nhiều từ quy trình hành chính tiếp nhận và xử lý hồ sơ các vụ án kinh tế… chứ không chỉ ở quy trình tố tụng.

Thực tế cho thấy, muốn phòng, chống tham nhũng, chỉ hoàn thiện và xây dựng pháp luật về phòng, chống tham nhũng không đủ. Chúng ta cần có giải pháp tổng thể về hệ thống pháp luật khác như luật DN, pháp luật về thanh toán tiền mặt, các vấn đề quản trị DN, ngân hàng, công bố thông tin…

Không chỉ điều chỉnh bằng pháp luật, các cơ quan nhà nước cũng nên đưa ra những thông điệp và yêu cầu cao về tiêu chuẩn liêm chính trong DN. Chẳng hạn, Thụy Điển có yêu cầu rằng, DN nào muốn tháp tùng lãnh đạo Nhà nước và Chính phủ đi ra nước ngoài thì cần đáp ứng các tiêu chí nhất định, trong đó yêu cầu cao về tính liêm chính và trách nhiệm xã hội.

Bên cạnh đó, việc giám sát thực thi cần phải là ưu tiên lớn. Mỗi cơ quan nhà nước cần phải thẳng thắn nhìn thẳng vào thực tế điều hành, có kênh thu nhận phản hồi của DN và người dân một cách khách quan và kịp thời nhất. Hiện nay, tại Việt Nam, trong một số lĩnh vực như thuế, hải quan, Bộ Tài chính thường xuyên phối hợp với VCCI để tiếp nhận các đánh giá của DN… Lãnh đạo bộ này cho rằng, đây là kênh độc lập và khách quan để cơ quan nhà nước tự đánh giá chính xác về lĩnh vực của mình.

Từ phía DN, cũng cần xác định rằng, mỗi DN có vai trò quan trọng trong xây dựng môi trường kinh doanh liêm chính. DN cần tích cực tham gia góp ý xây dựng chính sách, đặc biệt là cần khuyến nghị được các giải pháp khả thi và hiệu quả. DN cần là chủ thể giám sát, đánh giá quá trình thực hiện chính sách, thực thi các quy định. Thêm nữa, DN cũng cần là một chủ thể tích cực trong các hoạt động đối thoại giữa chính quyền và DN.

Về lâu dài, để hoạt động kinh doanh bền vững, mỗi DN cần thay đổi văn hóa kinh doanh để đáp ứng được các chuẩn mực quốc tế. Và dù kinh doanh trong nước hay đầu tư ở nước ngoài, đã đến lúc DN Việt Nam cần áp dụng và tuân thủ các tiêu chuẩn cao về liêm chính và trách nhiệm xã hội.

Để phòng, chống tham nhũng có hiệu quả cần phải có hai chương trình song song, một chương trình tập trung vào cải cách khu vực công và một chương trình nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp.