Tính đường dài

Xoay xở trước khó khăn trong thời dịch bệnh COVID-19 hay tận dụng cơ hội được mở ra từ việc phê chuẩn của Nghị viện châu Âu về Hiệp định thương mại tự do Liên hiệp châu âu (EU) - Việt Nam (EVFTA) đều đòi hỏi doanh nghiệp (DN) phải có chiến lược bài bản, vững chắc chứ không thể nóng vội.

Dệt may là một trong những lĩnh vực sản xuất chịu tác động trực tiếp từ EVFTA. Ảnh: Thanh Trúc
Dệt may là một trong những lĩnh vực sản xuất chịu tác động trực tiếp từ EVFTA. Ảnh: Thanh Trúc

Sản xuất vẫn “cắt ngọn”

Việc Trung Quốc - vốn vẫn được coi là công xưởng của thế giới với quy mô chiếm khoảng 18% GDP toàn cầu, trở thành tâm dịch Covid-19, khiến thiệt hại kinh tế của nước này lẫn thế giới không hề nhỏ, ước tính lên tới 160 tỷ USD. Sự hạn chế và cấm đi lại trong nội địa và giữa Trung Quốc với các quốc gia bên ngoài do dịch Covid-19, không chỉ khiến các ngành du lịch, thương mại, tiêu dùng, vận tải… ảnh hưởng mạnh mà một số chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu và khu vực có cơ sở sản xuất tại Trung Quốc tạm thời bị gián đoạn.

Với thực tế hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm khoảng 28% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của cả nước, trong đó có nhiều mặt hàng là nguyên phụ liệu, phục vụ cho hoạt động sản xuất, việc các DN sản xuất tại Việt Nam bị tác động sẽ không phải là nhỏ.

“Chúng tôi cố gắng cầm cự qua ngày 23-25/2, nếu sau đó các nhà xưởng sản xuất tại Trung Quốc hoạt động trở lại, mới có thông tin về nhập khẩu các nguyên liệu đầu vào” là tâm sự chung của nhiều DN dệt may. Lý giải điều này, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho hay, Vũ Hán là thành phố có khá nhiều nhà máy lớn, nên nguy cơ thiếu nguyên phụ liệu trong thời gian tới rất cao.

Thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu cũng dẫn đến nguy cơ ngành da giày khó lòng hoàn thành mục tiêu kim ngạch xuất khẩu của năm 2020. Ông Ðỗ Long, Chủ tịch Bita’s cho hay, hiện rất nhiều nhà máy sản xuất nguyên liệu của Trung Quốc đều đóng cửa, chưa biết khi nào sản xuất lại... Nếu dịch diễn biến phức tạp kéo dài sang quý II, cả ngành da giày, đặc biệt là các DN có quy mô nhỏ phải nhập khẩu nguyên phụ liệu theo đường bộ cùng lâm cảnh khó khăn như DN dệt may nói trên.

Ðiện tử cũng là một ngành hàng chịu tác động mạnh của dịch Covid-19. Samsung, nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới, đang sản xuất hai phần ba sản lượng điện thoại của mình tại Việt Nam, bao gồm cả dòng sản phẩm mới nhất, đã phải dùng đường hàng không để tăng nguồn cung phụ tùng từ Trung Quốc về do đường bộ không thuận lợi như trước đây. LG Electronics dù chưa phải đối mặt vấn đề hàng tồn kho ở Việt Nam, nhưng đang xem xét các lựa chọn khác nhau, trong trường hợp khủng hoảng kéo dài.

Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam cũng cho hay, hiện có khoảng 9.000 DN thành viên, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, làm linh kiện điện tử. Với mức dự trữ nguyên liệu từ 2 đến 4 tuần, trong đó 30% là nhập khẩu từ Trung Quốc và qua đường bộ là chủ yếu, chuyện lo ngại ảnh hưởng tới sản xuất là khó tránh nếu tình trạng dịch bệnh và hạn chế đi lại kéo dài lâu.

Ði từ “gốc” cần thời gian

Mặc dù tính toán chuyển hướng sang một số thị trường khác nhưng các DN cũng đều cho hay, không chỉ nguồn nguyên vật liệu đầu vào từ Trung Quốc bị ảnh hưởng tiến độ mà nhiều đơn hàng đặt nguyên vật liệu từ nơi khác cũng bị nhà cung cấp báo chậm tiến độ và tăng giá. Lý do đưa ra là các nhà cung ứng từ các khu vực khác cũng phải chịu ảnh hưởng chung của chuỗi cung ứng toàn cầu, qua đó ảnh hưởng đến tiến độ và kế hoạch sản xuất thành phẩm.

Dù vậy, các DN đều xác định, nếu không chuyển động, không thích ứng thì sẽ bị gián đoạn sản xuất và bị phụ thuộc lâu dài. Bởi thế, việc tích cực tìm kiếm nguồn cung mới thay thế nguồn hàng từ Trung Quốc vẫn đang được các DN, hiệp hội ngành hàng xúc tiến. Trong các giải pháp này, việc tự mình vươn lên, đầu tư sản xuất ngay tại Việt Nam để chủ động tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, không còn bị động trong sản xuất khi có các tình huống bất ngờ xảy ra như đại dịch Covid-19, cũng được các đơn vị xem xét kỹ lưỡng. Ðiều này xét ra còn giúp DN tận dụng tốt nhất các Hiệp định thương mại (FTA) với nhiều ưu đãi mà Việt Nam đã có mà thời sự nhất chính là EVFTA. Dự kiến, khi EVFTA có hiệu lực sẽ giúp thúc đẩy thương mại trên tất cả các lĩnh vực và ngành công nghiệp, với việc loại bỏ gần 99% dòng thuế. Tuy vậy, bà Bùi Kim Thùy, chuyên gia kinh tế về hội nhập cũng cho hay, EVFTA không phải cánh cửa thần kỳ cho tất cả các ngành hàng xuất khẩu, kể cả các ngành hàng có nhiều tiềm năng lớn khi xuất khẩu vào đây như dệt may, da giày, thủy sản, nhôm kính, sắt thép… một khi DN và các ngành không chuyển mình.

Lý do là bởi, đi kèm các mức ưu đãi cao về thuế, yêu cầu về xuất xứ hàng hóa của EVFTA cũng thuộc dạng khắt khe nhất trong số các FTA mà Việt Nam đã có. Ðơn cử như vải, Việt Nam hiện không tự mình đáp ứng được điều kiện này do không có các khu công nghiệp kép dệt - sợi - nhuộm để sản xuất ra vải đáp ứng nguyên tắc xuất xứ từ sợi.

Tuy EVFTA cho phép được linh hoạt khi dùng nguyên liệu từ một quốc gia đồng thời có FTA với Việt Nam lẫn EU thì để thực hiện cũng không dễ. Tại châu Á, hiện có Nhật Bản, Hàn Quốc và Xin-ga-po đáp ứng được tiêu chí này nhưng nếu như Xin-ga-po không có sản xuất thì hai nước còn lại hoặc là chi phí vải quá cao hoặc là không đa dạng với hàng gia công của Việt Nam xuất khẩu sang EU vốn ở phân khúc giá trên trung bình. Bởi vậy, dù có EVFTA nhưng dệt may Việt Nam vẫn không dễ tận dụng được cơ hội để hưởng ưu đãi thuế quan bởi vẫn sẽ dùng vải có xuất xứ từ Trung Quốc và hưởng thuế bình thường không ưu đãi.

Ðáng nói là Việt Nam khoảng 20 năm trước cũng đã đề ra chiến lược tăng tốc ngành dệt may với mục tiêu sản xuất được vải từ sợi. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất chính là các địa phương e ngại những KCN dệt nhuộm hoàn tất vải này sẽ gây ô nhiễm môi trường dù quy định hiện hành là nước thải phải đáp ứng tiêu chuẩn hạng A, nên đã từ chối việc đặt nhà máy.

“Chúng tôi vẫn tiếp tục kêu gọi, khuyến khích các DN trong và ngoài nước đầu tư làm vải, sản xuất nguyên phụ liệu để ngành chủ động hơn, giảm bớt nhập khẩu để tận dụng tốt các FTA, trong đó có EVFTA”, ông Vũ Ðức Giang, Chủ tịch Vitas nói. Chuyện ấy còn đòi hỏi quá trình dài hạn và sự chuyển đổi cả trong nhận thức và hành động của nhà quản lý cũng như DN, vậy nên, trước mắt, hàng dệt may của Việt Nam sang EU khi EVFTA có hiệu lực vẫn sẽ không thể có sự đột biến như kỳ vọng.