Thống nhất tư duy quản lý

Sự khác biệt quan điểm giữa các cơ quan chức năng trong quá trình xây dựng pháp luật là rất bình thường. Thế nên, việc hai bộ: Bộ Tư pháp và Bộ Kế hoạch và Ðầu tư (KH&ÐT) đang tranh luận về điều kiện kinh doanh (ÐKKD) ngành nghề tư vấn pháp luật và dự định đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo cũng không ngoại lệ.

Luật sư của Công ty Luật Trung Nguyễn tư vấn, trợ giúp pháp lý cho người dân ở quận Ðống Ða (Hà Nội). Ảnh: Lê Hoàng
Luật sư của Công ty Luật Trung Nguyễn tư vấn, trợ giúp pháp lý cho người dân ở quận Ðống Ða (Hà Nội). Ảnh: Lê Hoàng

Lý lẽ của hai bộ

Cuộc tranh luận bùng ra khi Sở Kế hoạch và Ðầu tư TP Hồ Chí Minh cấp đăng ký kinh doanh cho một công ty tư vấn bất động sản, trong đó có ngành nghề “tư vấn pháp luật”. Sở này lập luận, căn cứ vào Quyết định 337 năm 2007 của Bộ trưởng KH&ÐT (về hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam), chỉ có ngành nghề công chứng, chứng thực là kinh doanh có điều kiện, phải tuân thủ theo luật chuyên ngành là Luật Công chứng. Còn “hoạt động đại diện, tư vấn pháp luật” thì được tự do kinh doanh.

Thêm vào đó, tháng 3-2017, Bộ KH&ÐT có Công văn 1736, cho rằng Luật Luật sư chỉ điều chỉnh hoạt động nghề nghiệp theo hình thức hành nghề của luật sư. Còn Luật Doanh nghiệp (DN) vẫn có thể điều chỉnh các nghề “hoạt động đại diện, tư vấn pháp luật” với DN không hoạt động dưới hình thức tổ chức hành nghề luật sư.

Bộ Tư pháp không tán thành quan điểm trên và đã gửi văn bản đến Thủ tướng Chính phủ, nêu nhận định: “kinh doanh dịch vụ pháp lý” bao gồm hoạt động đại diện, tư vấn pháp luật, dịch vụ pháp lý khác. Theo bộ này, Luật DN năm 1999 cũng quy định, kinh doanh dịch vụ pháp lý cũng là một trong sáu ngành nghề kinh doanh phải có chứng chỉ hành nghề. Pháp lệnh Luật sư 2001, sau đó là Luật Luật sư 2006 cũng có quy định về quản lý nghề luật, trong đó chứng chỉ hành nghề luật sư thực tế được hiểu là chứng chỉ cung cấp dịch vụ pháp lý.

Vẫn theo Bộ Tư pháp, trong suốt hơn 10 năm qua (kể từ khi Luật Luật sư có hiệu lực), các sở KH&ÐT đều hướng dẫn người dân, DN khi đăng ký kinh doanh dịch vụ pháp lý, trong đó có hoạt động đại diện, tư vấn pháp luật và dịch vụ pháp lý khác thì phải theo Luật Luật sư, tức là người hành nghề phải đáp ứng các điều kiện như có trình độ đại học luật, trải qua các khóa học nghề luật sư, tham gia các đoàn luật sư, tham gia sát hạch để được cấp chứng chỉ hành nghề…

Ðó là chưa kể, nếu cho DN đăng ký kinh doanh dịch vụ pháp lý không cần theo Luật Luật sư thì theo nguyên tắc đối xử quốc gia trong các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, Việt Nam phải mở cửa cho cả nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài; dẫn đến rủi ro chủ quyền về tư pháp cũng như các vấn đề an ninh quốc gia…

Tóm lại, Bộ Tư pháp đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ KH&ÐT thực hiện nghiêm Luật DN, Luật Luật sư, Nghị quyết 65/2006 của Quốc hội về thi hành Luật Luật sư. Theo đó, cần có văn bản hướng dẫn cơ quan đăng ký kinh doanh thuộc Sở KH&ÐT các tỉnh, thành phố nếu nhận được yêu cầu đăng ký ngành nghề tư vấn pháp luật, dịch vụ pháp lý thì hướng dẫn người nộp hồ sơ sang làm thủ tục tại Sở Tư pháp theo quy định của Luật Luật sư.

Tuy nhiên, kiên định với nguyên tắc “DN được làm tất cả những gì pháp luật không cấm”, mới đây, Bộ KH&ÐT tiếp tục gửi văn bản đến Thủ tướng, bảo lưu quan điểm.

Áp dụng quyền giải thích pháp luật

Trong khi chờ Thủ tướng Chính phủ đưa ra quyết định, có lẽ sẽ cần nhắc lại rằng, tại phiên họp Chính phủ trực tuyến được tổ chức vào đầu tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phê bình việc cắt giảm ÐKKD theo Nghị quyết số 02/NQ-CP/2019 của Chính phủ “chưa có bước tiến thực chất, nhiều điều kiện kiểm tra chuyên ngành còn bất cập, gây ảnh hưởng tới hoạt động của DN”. Nghị quyết 02 đã nêu rất rõ yêu cầu trước ngày 30-6-2019, các bộ, ngành phải cắt giảm 50% ÐKKD, kiểm tra chuyên ngành, song trên thực tế lại chưa đạt yêu cầu.

Chẳng thế mà tại cuộc hội thảo điểm lại pháp luật kinh doanh sáu tháng đầu năm, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phải “kêu hộ” DN: “Vẫn thấy tình trạng “gập ghềnh” trong quản lý của các bộ, ngành. Sự chồng chéo thiếu nhất quán của hệ thống pháp luật nhiều khi đã đẩy người dân và DN vào tình thế khó”.

Trong bối cảnh đó, việc đưa thêm (hay giữ lại) ÐKKD dưới dạng này hay dạng khác rất cần được cân nhắc kỹ. Một luật sư giàu kinh nghiệm lưu ý: “Một số văn bản luật khác, chẳng hạn Luật Công đoàn, ít nhất có hai lần nhắc đến chức năng “tư vấn pháp lý” của tổ chức công đoàn. Vậy người tư vấn pháp lý này có nhất thiết phải là luật sư không?”.

Dù nói thêm rằng, bản thân là một luật sư, song chuyên gia này cho rằng, công bằng mà nói, trừ trường hợp thành lập trung tâm chuyên về tư vấn pháp luật, còn thì người cung cấp dịch vụ tư vấn có thể không phải là luật sư, bởi nhu cầu được tư vấn thuế, tư vấn thủ tục hành chính, tư vấn du học, đại diện ngoài tố tụng… trong xã hội là rất lớn. Thậm chí, có một số lĩnh vực (chẳng hạn thuế, bất động sản…) đòi hỏi người tư vấn có trình độ chuyên môn sâu, không phải luật sư nào cũng có thể đáp ứng.

Giải pháp linh hoạt hơn, nên chăng, là phân luồng dịch vụ: cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực đại diện, tư vấn pháp luật, dịch vụ pháp lý dưới hình thức hành nghề luật sư (như công ty luật, văn phòng luật sư) thì phải đáp ứng các điều kiện theo Luật Luật sư và đăng ký với Sở Tư pháp. Cũng với ngành nghề này, nếu không theo hình thức hành nghề luật sư thì có thể đăng ký như DN bình thường thông qua Sở KH&ÐT.

Thống nhất được nguyên tắc quản lý chặt chẽ, nhưng tạo điều kiện thông thoáng cho DN hoạt động theo hướng này, thị trường sẽ quyết định và khách hàng có quyền lựa chọn ai là người cung cấp dịch vụ pháp lý phù hợp nhu cầu của mình. Trong trường hợp nhất thiết phải điều chỉnh luật để bảo đảm sự rõ ràng, thông suốt trong thực thi, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể thực hiện quyền giải thích pháp luật theo đúng quy định của Hiến pháp và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.