Thông điệp mạnh mẽ về đổi mới và hội nhập

Chính thức có hiệu lực tại Việt Nam từ ngày 14-1-2019, Hiệp định Ðối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đang mở ra những cơ hội lớn về kinh tế, thương mại và phát triển. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh, việc Việt Nam là một trong những thành viên đầu tiên tham gia đàm phán và phê chuẩn CPTPP thể hiện cam kết mạnh mẽ về đổi mới và hội nhập quốc tế, khẳng định và nâng tầm vị thế quốc gia.

Kỳ họp thứ sáu, QH khóa XIV đã phê chuẩn CPTPP.
Kỳ họp thứ sáu, QH khóa XIV đã phê chuẩn CPTPP.

Thỏa thuận về CPTPP, phiên bản mới của Hiệp định Ðối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) không bao gồm Mỹ, đạt được trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao APEC năm 2017 tại Ðà Nẵng là kết quả nỗ lực vượt bậc của 11 thành viên là các quốc gia ven bờ Thái Bình Dương, đồng thời ghi dấu ấn về những đóng góp chủ động, tích cực của Việt Nam trong vai trò điều phối, thúc đẩy đàm phán một loạt nội dung hết sức khó khăn. Sau khi CPTPP được ký kết ngày 8-3-2018, Việt Nam là một trong bảy thành viên đầu tiên hoàn tất các thủ tục phê chuẩn, đưa Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đa phương thế hệ mới nhất này có hiệu lực tại Ô-xtrây-li-a (Australia), Ca-na-đa (Canada), Nhật Bản (Japan), Mê-hi-cô (Mexico), Niu Di-lân (New Zealand) và Xin-ga-po (Singapore) từ ngày 30-12-2018 và tại Việt Nam từ ngày 14-1-2019. Tại bốn thành viên còn lại là Bru-nây (Brunei), Chi-lê (Chile), Ma-lai-xi-a (Malaysia) và Pê-ru (Peru), CPTPP sẽ có hiệu lực vào thời điểm 60 ngày sau khi được Quốc hội các nước này phê chuẩn.

CPTPP đi vào cuộc sống đã khởi động một cơ chế liên kết kinh tế mới, một khu vực thương mại tự do "Vành đai Thái Bình Dương", với thị trường rộng lớn gồm gần 500 triệu người dân, chiếm khoảng 13,5% GDP toàn cầu. Về cơ bản, CPTPP giữ nguyên nội dung của "phiên bản gốc" là TPP, song tạm hoãn triển khai khoảng 20 nhóm nghĩa vụ nhằm bảo đảm cân bằng về quyền lợi và nghĩa vụ của các thành viên trong bối cảnh không có Mỹ tham gia. Dù vậy, CPTPP vẫn được đánh giá là FTA chất lượng cao và toàn diện, với mức độ cam kết mạnh và sâu nhất từ trước tới nay. Ðặc biệt, trong bối cảnh tiến trình thương mại đa phương trì trệ và xu hướng bảo hộ thương mại chực chờ trỗi dậy, CPTPP đem đến những giá trị mới, mang tính bước ngoặt, góp phần định hình lại thương mại toàn cầu và phát đi thông điệp mạnh mẽ chống chủ nghĩa bảo hộ, khơi dậy tinh thần đa phương trong hợp tác quốc tế.

Thông điệp mạnh mẽ về đổi mới và hội nhập ảnh 1

Ðại diện các nước sau lễ ký CPTPP.

Không thể phủ nhận những cơ hội và lợi ích đối với mọi thành viên khi tham gia CPTPP. Báo cáo thuyết minh về CPTPP được Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trình bày trước Quốc hội nêu rõ, khối CPTPP có quy mô GDP lớn, nên tham gia hiệp định này về tổng thể là có lợi với Việt Nam. Việc có FTA với các nước CPTPP tạo cơ hội để Việt Nam cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu theo hướng cân bằng hơn, qua đó nâng cao tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế và mở rộng khả năng tham gia chuỗi cung ứng được hình thành từ hiệp định này cũng như tham gia các công đoạn sản xuất giá trị cao hơn. Các cam kết về dịch vụ và đầu tư sẽ thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư, góp phần thu hút nhiều hơn nguồn vốn nước ngoài. Tham gia CPTPP còn tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập của người dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo.

Ðặc biệt, một lợi ích quan trọng từ CPTPP đó là cơ hội cải cách khung khổ pháp luật, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như thu hút đầu tư có hàm lượng công nghệ cao. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nêu rõ: CPTPP giúp Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật kinh tế, hỗ trợ tiến trình đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng thông thoáng, minh bạch và dễ dự đoán hơn, tiệm cận các chuẩn mực quốc tế, từ đó thúc đẩy đầu tư cả trong nước lẫn từ nước ngoài.

Tất nhiên, cơ hội đi kèm thách thức, mà lớn nhất là sức ép về cạnh tranh đặt ra với khu vực doanh nghiệp và cả nền kinh tế đất nước. Các điều khoản trong CPTPP đòi hỏi thực hiện nhiều cải cách, trong nhiều lĩnh vực, kể cả trong quan điểm, trong các vấn đề pháp lý và hành chính. Song, những đòi hỏi cao lại giúp tạo động lực phát triển, các tiêu chuẩn cao giúp nâng cao chất lượng quản lý, pháp luật, năng lực cạnh tranh, cũng như môi trường đầu tư, kinh doanh...

Với Việt Nam, quyết định tham gia, dẫn dắt đàm phán, ký kết và phê chuẩn CPTPP là một tiến trình dài, bám sát định hướng, chính sách hội nhập quốc tế của Ðảng và Nhà nước, thể hiện rõ tâm thế chủ động, tích cực và sáng tạo trong hội nhập kinh tế. Ðây là thành công quan trọng trong việc triển khai chủ trương đối ngoại của Ðại hội Ðảng lần thứ XII về chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, tham gia đóng góp, định hình các thể chế đa phương.

Giữa những "cơn gió ngược" từ xu hướng bảo hộ và xung đột thương mại, Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, mới nhất là CPTPP càng khẳng định vai trò là một mắt xích quan trọng trong các liên kết kinh tế ở khu vực và thế giới, khẳng định và nâng tầm vị thế quốc tế của đất nước.

Dự báo, CPTPP có thể giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 4,7% vào năm 2035 và đưa khoảng 600 nghìn người thoát nghèo vào năm 2030, qua đó đóng góp thiết thực cho việc thực thi các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên hợp quốc.