Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV

Tháo gỡ nút thắt, thúc đẩy đầu tư công

Thu - chi ngân sách, tốc độ giải ngân, những bất cập và giải pháp nhằm thúc đẩy đầu tư công đã làm “nóng” nghị trường, các phiên thảo luận tổ ngay tuần làm việc đầu tiên của Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV. Trong đó, điều mà cử tri và nhân dân quan tâm hơn cả chính là hiệu quả sử dụng từng đồng ngân sách, là những đổi mới cơ chế phù hợp sớm được thực thi.

Phiên khai mạc Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: DUY LINH
Phiên khai mạc Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: DUY LINH

Siết kỷ luật ngân sách

Không khó để các đại biểu Quốc hội (ÐBQH) lấy dẫn chứng, người dân chỉ ra trong những lá đơn và ý kiến tại mỗi cuộc tiếp xúc cử tri, hàng loạt những thí dụ về thực trạng đầu tư công kém hiệu quả đã thành nỗi trăn trở thường trực lâu nay trong xã hội. Những câu hỏi về tiến độ thực hiện tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Ðông? Rồi không ít công trình, dự án "nghìn tỷ" đắp chiếu, thua lỗ, chưa xong đã hỏng… liệu đã được hạch toán "chi phí cơ hội" mà nếu không có nó thì sao?

Từ những bất cập thực tế, cụm từ "phải siết chặt kỷ luật ngân sách", "tránh lãng phí đầu tư công", "cân đối thu - chi", "giảm chi thường xuyên", "tăng vốn đầu tư phát triển",… được không ít ÐBQH nhắc đến.

Thời gian qua, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện giải ngân vốn đầu tư công nhưng tỷ lệ giải ngân vẫn thấp; nhiều công trình, dự án lớn đã được phê duyệt nhưng nhiều năm chưa triển khai thực hiện hoặc chậm tiến độ, chất lượng chưa bảo đảm, gây lãng phí, thất thoát và ảnh hưởng trực tiếp đến người dân. Trong Báo cáo Thẩm tra về tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2019, dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cũng chỉ rõ những tồn tại về tỷ trọng chi thường xuyên: Tại một số địa phương, tỷ trọng chi thường xuyên có xu hướng giảm chậm. Vẫn còn nhiều địa phương chưa cân đối được ngân sách, nhất là nơi có số thu NSNN khó khăn, nguồn thu thấp thì chi thường xuyên vẫn còn cao, nguồn lực dành cho chi đầu tư phát triển (ÐTPT) rất hạn chế. Vẫn có tình trạng mua sắm, sử dụng tài sản công chưa đúng quy định của pháp luật; nhiều lễ hội, hội nghị, kỷ niệm ngày thành lập, tái thành lập, các lễ khởi công, khánh thành có tính chất hình thức, gây lãng phí ngân sách.

Siết kỷ luật ngân sách cũng không chỉ là quản lý chặt thu - chi mà nhiều đại biểu nhấn mạnh đến kỷ luật thời gian, tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, nhất là đối với những dự án trọng điểm, cấp bách, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, tránh lãng phí, thất thoát. Từ đó đề xuất, xử lý nghiêm tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu, gây khó khăn đối với người dân và doanh nghiệp; minh bạch hóa tối đa các dự án đầu tư công; thực hiện phân cấp, giao quyền, làm rõ trách nhiệm người đứng đầu. Bên cạnh đó, Quốc hội tăng cường giám sát các dự án đầu tư từ nguồn vốn nhà nước, các dự án trọng điểm quốc gia, đặc biệt là các dự án hạ tầng giao thông.

Ðổi mới từ cơ chế, tầm nhìn

Trong buổi tọa đàm gần đây về đầu tư công, TS Nguyễn Ðình Cung, Viện trưởng Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) không giấu được bức xúc: "Ðầu tư công đã bàn bao nhiêu năm nay rồi và lúc nào cũng là điểm nóng nhưng vẫn dàn trải, phân tán, lãng phí, nói chung là kém hiệu quả và có thể sẽ lặp lại trong nhiều năm nữa". Ðiều mà TS Nguyễn Ðình Cung đề cập như một cảnh báo và nhận được nhiều ý kiến đồng tình của cử tọa.

Ðể khắc phục những bất cập trong đầu tư công, trước hết, theo nhiều ÐBQH là cần thiết phải nhanh chóng đổi mới từ cơ chế, chính sách cho đến tầm nhìn, làm sao để xóa bỏ những rào cản, vướng mắc, trước tiên là từ câu chuyện giải ngân vốn. Theo đó, tỷ lệ giải ngân đến nay mới chỉ đạt 49,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Nhiều khả năng giải ngân hết nguồn vốn trong năm 2019 là khó khăn. Tình trạng chậm giao vốn, giao nhiều đợt và chậm điều chỉnh vốn ÐTPT, trong đó có vốn ODA vẫn chưa được khắc phục. Thủ tục giao vốn vẫn còn phức tạp, chưa xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công, khiến nhiều dự án quan trọng tác động đến phát triển kinh tế - xã hội chậm được triển khai, bị dở dang, chuyển tiếp kéo dài.

Tháo gỡ nút thắt, thúc đẩy đầu tư công ảnh 1

Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau phát biểu ý kiến thảo luận tại hội trường. Ảnh: Đăng Anh

"Vấn đề cần đặt ra ở đây là tại sao ở khu vực công giải ngân đầu tư chậm, thậm chí tiến độ giải ngân ngày càng thấp, trong khi ở khu vực tư nhân lại thực hiện nhanh? Các công trình được đưa vào sử dụng thời gian qua hầu hết đều do khu vực tư nhân đầu tư, rất ít công trình đầu tư công. Từ đây có thể thấy, quá trình cải cách cơ chế đã bắt đầu có tác dụng, góp phần tháo gỡ khó khăn, tạo niềm tin cho khu vực tư nhân. Nhưng quá trình này chưa thật sự mở ra cơ chế để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ, đang còn một số nút thắt, đặc biệt là ở khu vực công", ÐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội) phân tích.

Các chuyên gia kinh tế cũng nhận định, hiện nay, khu vực kinh tế tư nhân tỏ ra rất dè dặt trong đầu tư dài hạn, nguyên nhân là bởi những rủi ro tiềm ẩn từ tình trạng hệ thống pháp luật của nước ta bị điều chỉnh khá thường xuyên. Rõ ràng, giải ngân đầu tư công thời gian qua có vướng mắc về cơ chế, chính sách. Nhưng nếu các cơ quan, cá nhân có trách nhiệm dám nghĩ, dám làm sẽ khác; nếu cứ căn ke vào quy định pháp luật thì còn giải ngân đầu tư chậm. Do vậy, khi xác định mô hình tăng trưởng thời gian tới dựa vào đổi mới, sáng tạo thì khu vực Nhà nước cũng cần dám đổi mới. Nếu đổi mới, sáng tạo vượt qua quy chuẩn, quy định, quy trình nhưng mang lại hiệu quả cao thì phải được ghi nhận, cũng như xem xét lại để điều chỉnh quy chuẩn, quy định, quy trình. Ðã đến lúc phải đánh giá về đầu tư theo hiệu quả đạt được, không nên chỉ dựa vào việc tuân thủ đúng các quy định, có như vậy mới tháo gỡ những vấn đề cho phát triển.

Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng nguyên nhân của tình trạng giải ngân nêu trên vẫn tập trung vào các yếu tố như: chuẩn bị dự án đầu tư, giao dự toán chậm, giải phóng mặt bằng khó khăn… Các vấn đề này đã kéo dài nhiều năm nhưng biện pháp khắc phục chưa thật sự quyết liệt, khiến hiệu quả đạt thấp. Vì vậy, trong thời gian tới, ngoài việc tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện về cơ chế, chính sách, đề nghị Chính phủ chú trọng đến khâu tổ chức thực hiện quy định pháp luật về tài chính, ngân sách, trong đó có Luật Ðầu tư công, Luật Quản lý nợ công.