Tha hóa quyền lực trong công tác cán bộ và giải pháp chấn chỉnh

(Tiếp theo và hết)

Bài 3: Một số giải pháp ngăn ngừa, đẩy lùi sự tha hóa quyền lực trong lĩnh vực công tác cán bộ

Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật bà Phan Thị Mỹ Thanh bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Ðảng; đề nghị Ðảng đoàn Quốc hội chỉ đạo thực hiện các quy trình, thủ tục xem xét bãi nhiệ
Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật bà Phan Thị Mỹ Thanh bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Ðảng; đề nghị Ðảng đoàn Quốc hội chỉ đạo thực hiện các quy trình, thủ tục xem xét bãi nhiệ

Những giải pháp đồng bộ

Ðể công tác cán bộ thật sự là khâu then chốt trong công tác xây dựng Ðảng cần có đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; đủ số lượng, bảo đảm về chất lượng, hợp lý về cơ cấu, có sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ, đủ sức lãnh đạo đưa nước ta trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển tiên tiến, phồn vinh, hạnh phúc; dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Muốn có đội ngũ cán bộ như trên, chúng ta phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp về công tác cán bộ, từ: (1) Nâng cao nhận thức, đẩy mạnh giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên; (2) Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác cán bộ; (3) Ðẩy mạnh xây dựng và quản lý chặt chẽ đội ngũ cán bộ các cấp có phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới; (4) Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược ngang tầm nhiệm vụ; (5) Có cơ chế để nhân dân tham gia đóng góp xây dựng Ðảng, xây dựng đội ngũ cán bộ thực chất, hiệu quả; (6) Ðầu tư nâng cao chất lượng cơ quan và đội ngũ tham mưu, giúp việc về công tác tổ chức cán bộ, đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học và xây dựng lý luận về công tác cán bộ; (7) Thực hiện tốt công tác nhân sự đại hội đảng bộ các cấp và Ðại hội Ðảng toàn quốc; (8) Làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ... Nhưng trong phạm vi bài viết này chỉ tập trung vào giải pháp ngăn ngừa, đẩy lùi sự tha hóa quyền lực, nhất là lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực trong công tác cán bộ.

Một là, thiết lập cơ chế kiểm soát quyền lực theo nguyên tắc quyền hạn đi đôi với trách nhiệm, mọi quyền lực đều phải được kiểm soát. Xây dựng quy định về thẩm quyền và trách nhiệm của tập thể, cá nhân, bảo đảm phải rõ quyền, đủ quyền, đúng quyền và thực quyền. Bổ sung, hoàn thiện cơ chế phản biện, chất vấn, giải trình để bảo đảm công khai, minh bạch; xử lý nghiêm minh những tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm hoặc đùn đẩy, né tránh, trù dập. Hủy bỏ, thu hồi các quyết định không đúng, không phù hợp về công tác cán bộ và xử lý những tập thể, cá nhân có khuyết điểm, sai phạm. Nghiên cứu xây dựng quy định phát huy vai trò, trách nhiệm, quyền của các đại biểu dự đại hội đảng các cấp trong suốt cả nhiệm kỳ, trước hết là quyền chất vấn, kiểm tra, giám sát đối với các cấp ủy viên do mình bầu ra.

Hai là, xây dựng các quy định về: Báo cáo công việc liên quan đến công tác cán bộ (tuyển dụng, bổ nhiệm, sử dụng....) của cán bộ lãnh đạo đảng, chính quyền các cấp; Kiểm tra trước khi rời cương vị đối với bí thư cấp ủy trong thực hiện chức trách, quyền hạn trong công tác cán bộ; Truy cứu trách nhiệm công vụ liên quan đến công tác cán bộ lãnh đạo đảng, chính quyền các cấp; Tăng cường ràng buộc và kiểm tra, giám sát đối với việc vận hành quyền lực, bảo đảm vững chắc cho thực thi đúng đắn quyền lực.

Ba là, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức các cấp, nhất là cán bộ chiến lược có phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống mẫu mực, trình độ, năng lực đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Cán bộ và công tác cán bộ là vấn đề hết sức hệ trọng, quyết định thành bại sự nghiệp cách mạng của Ðảng và dân tộc ta. Khi xem xét về sự tha hóa quyền lực của cán bộ, đảng viên đều phải xét từ góc độ hai phía, người có quyền lực và đối tượng chịu sự tác động của quyền lực đó. Trong thực tế, sự tha hóa quyền lực thường xảy ra giữa cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có chức, quyền trong hệ thống chính trị, nhất là của người đứng đầu các cơ quan đảng, nhà nước với cán bộ, đảng viên dưới quyền thuộc phạm vi lãnh đạo, quản lý mà thường qua đó các bên đều có lợi ích nhất định. Do đó, việc lựa chọn cán bộ lãnh đạo, chủ chốt, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền từ cấp Trung ương đến cơ sở là cực kỳ quan trọng, quyết định tới kết quả hoạt động của cả hệ thống chính trị theo đúng quy định của Ðảng và pháp luật của Nhà nước.

Một biện pháp hết sức quan trọng, có làm được thì các biện pháp khác mới có ý nghĩa - đó là triệt tiêu được tình trạng "chạy chức, chạy quyền" vì những người bỏ tiền mua chức là những người mà năng lực, đạo đức không tương xứng với vị trí công việc, họ chạy chức chỉ nhằm có danh và lợi nên họ phải "lấy lại vốn" và làm giàu bằng cách lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực để trục lợi. Họ không phải là "hiền tài" nhưng lại chiếm chỗ của những người có năng lực và trung thực. Nói cách khác, chất lượng công tác cán bộ và của toàn bộ đội ngũ cán bộ và hiệu quả lãnh đạo, quản lý kinh tế - xã hội tùy thuộc vào tỷ lệ những người "chạy chức, chạy quyền" nhiều hay ít. Như vậy, rất cần biện pháp lấy phiếu tín nhiệm định kỳ đối với cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp - coi đó như "bộ lọc" để giảm dần tỷ lệ thành phần "chạy chức" có địa vị lãnh đạo, quản lý cao hơn phẩm chất, năng lực, trình độ.

Bốn là, dân chủ, công khai, minh bạch trong công tác cán bộ, nhất là trong các khâu tuyển dụng, đánh giá, quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật cán bộ là hết sức quan trọng trong kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực công tác cán bộ, vừa phát hiện, bồi dưỡng, bổ nhiệm, sử dụng và quản lý, giám sát cán bộ để xây dựng đội ngũ cán bộ. Quy định tiêu chuẩn chức danh chức vụ lãnh đạo, quản lý các cơ quan trong hệ thống chính trị và tiêu chuẩn đó phải được ổn định ít nhất 5 năm, để mọi người phấn đấu và giám sát. Ðây là việc làm rất cần thiết trong công tác bổ nhiệm cán bộ hiện nay, bởi vì nó là cơ sở để tạo ra cơ chế công khai, minh bạch, khi đã chuẩn hóa tiêu chuẩn thì biết ai đủ hay không đủ tiêu chuẩn cho chức vụ được bổ nhiệm. Ðồng thời, phải lượng hóa rất cụ thể tiêu chuẩn, tránh chung chung, nhất là tình trạng hiểu và áp dụng thế nào cũng được, thế nào cũng đúng. Do vậy, để có cơ sở kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ thật sự có bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống trong sáng, có trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, đặc biệt là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt trong hệ thống chính trị thì phải lượng hóa một cách rất cụ thể các tiêu chuẩn, để tránh hiểu thế nào cũng được, thậm chí bị lạm dụng, lợi dụng để phục vụ cho những ý đồ cá nhân không trong sáng, lành mạnh mà mục đích là vì "lợi ích nhóm" hoặc "chạy chức, chạy quyền" để trục lợi.

Năm là, tạo cơ chế cạnh tranh lành mạnh trong công tác bổ nhiệm, bằng cách dứt khoát phải có ít nhất từ hai ứng cử viên trở lên cho mỗi chức vụ và xóa bỏ hoàn toàn việc một ứng cử cho một chức vụ ở tất cả các cấp. Phải công khai, minh bạch tất cả các tiêu chuẩn của các ứng cử viên, đặc biệt là đạo đức, tài sản và trình độ, năng lực, nhất là năng lực thực tiễn. Nên thực hiện cơ chế loại dần ứng cử viên, thí dụ có bốn ứng cử viên cho một chức vụ, nếu lấy phiếu tín nhiệm lần một không có ai quá bán thì tiến hành lấy phiếu lần hai nhưng loại bớt người có phiếu tín nhiệm thấp nhất, lần hai cũng chưa có ai quá bán thì tiến hành lấy phiếu lần ba nhưng tiếp tục loại bớt người có phiếu thấp nhất,... và lần cuối cùng chỉ còn hai ứng cử viên tham gia lấy phiếu tín nhiệm. Ðồng thời, có cơ chế chịu trách nhiệm của người giới thiệu bổ nhiệm cán bộ, nếu giới thiệu đúng sẽ có chế độ khen thưởng và ngược lại nếu giới thiệu bổ nhiệm sai vì động cơ cá nhân, vì trục lợi thì phải xem xét trách nhiệm hoặc chịu kỷ luật (nếu đến mức phải kỷ luật). Thực hiện việc giới thiệu bổ nhiệm cán bộ bằng văn bản và chịu trách nhiệm về người mà mình giới thiệu như giới thiệu kết nạp đảng viên để tăng tính trách nhiệm của người giới thiệu và cũng làm cho người được giới thiệu phải giữ mình, biết tự trọng, giữ uy tín cho người giới thiệu. Ðây không chỉ là giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ mà cũng chính là một giải pháp kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, hạn chế được sự lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực để trục lợi trong công tác cán bộ.

Thực hiện nghiêm túc việc bỏ phiếu tín nhiệm các chức vụ do Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp bầu, trong đó tập trung vào những cán bộ có chức, quyền ở các cấp trong các lĩnh vực dễ phát sinh sự tha hóa quyền lực và có nhiều dư luận xấu. Thực hiện cho từ chức hoặc "tự xử" đối với những người có tín nhiệm thấp hoặc có khuyết điểm, vi phạm.

Sáu là, đẩy mạnh kiểm tra, giám sát công tác cán bộ và cán bộ theo hướng: Ðồng bộ hóa các quy định của Nhà nước theo chủ trương, quy định của Ðảng về kiểm tra, giám sát, thanh tra, xử lý vi phạm nhằm kiểm soát chặt chẽ quyền lực và triển khai thực hiện nghiêm túc. Thực hiện đồng thời cấp trên kiểm tra, giám sát cấp dưới, kiểm tra, giám sát nội bộ, giám sát từ dưới lên, giám sát chéo giữa các cơ quan, tổ chức, giám sát của nhân dân.

Trách nhiệm trước nhân dân

Ðảng ta thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ nên trách nhiệm, quyền hạn công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ và kiểm soát việc thực thi quyền lực trong công tác cán bộ trước hết thuộc về Ðảng. Ðảng chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. Trách nhiệm của cấp ủy mà trực tiếp và thường xuyên là của ban thường vụ, thường trực cấp ủy phải lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác cán bộ, đồng thời kiểm soát chặt chẽ việc thực thi quyền lực trong công tác cán bộ với phát huy trách nhiệm của các tổ chức và người đứng đầu các tổ chức trong hệ thống chính trị để có quy định rõ ràng, cụ thể trách nhiệm, quyền hạn của tập thể và cá nhân về công tác cán bộ. Ðồng thời, thường xuyên kiểm soát bộ phận tham mưu, giúp việc về công tác cán bộ trong việc thực thi quyền lực, vì thực tế việc chạy chức, chạy quyền, tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển cán bộ thường xuất phát và xảy ra từ bộ phận này.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp trên sẽ góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự tha hóa quyền lực trong lĩnh vực công tác cán bộ.

CAO VĂN THỐNG

Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương