Tha hóa quyền lực trong công tác cán bộ và giải pháp chấn chỉnh

LTS - Công tác cán bộ được xác định là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng, bởi cán bộ sẽ quyết định công việc thành công hay thất bại. Tuy nhiên, thời gian qua, tình trạng tha hóa quyền lực trong công tác cán bộ đang trở nên ngày càng nghiêm trọng. Từ số báo 17, Nhân Dân cuối tuần xin giới thiệu loạt bài của tác giả Cao Văn Thống, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương phân tích tình trạng trên và đưa ra những giải pháp, kiến nghị.

Bài 1: Nhận diện sự tha hóa quyền lực

Bị cáo Đinh La Thăng cùng sáu đồng phạm bị xét xử trong vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” liên
Bị cáo Đinh La Thăng cùng sáu đồng phạm bị xét xử trong vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” liên

Khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng

Đảng ta do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện đã luôn quan tâm đến công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ. Văn kiện Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Đảng ta đã xác định “Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, gắn liền với vận mệnh của Đảng, của đất nước và chế độ, là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng” (1). Nghĩa là, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt thì công tác cán bộ là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”(2) và thực tiễn lịch sử phát triển xã hội loài người, sự ổn định, phát triển, phồn thịnh của các chế độ chính trị - xã hội ở mỗi quốc gia đã minh chứng cho điều này.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác cán bộ, trong quá trình hoạt động và lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn quan tâm đến đổi mới công tác cán bộ cùng với đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Nhờ đó, nhìn chung công tác cán bộ đã bảo đảm nguyên tắc, quy trình, thủ tục trong tất cả các khâu của công tác cán bộ nên cơ bản đã xây dựng được đội ngũ cán bộ tương xứng, ngang tầm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng. Nhất là từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, Ban Chấp Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã đặc biệt quan tâm sửa đổi, bổ sung và ban hành nhiều quy định, quy chế, kết luận để chấn chỉnh, khắc phục những vướng mắc, bất cập, tồn tại, yếu kém trong công tác cán bộ.

Tuy nhiên, một số nội dung trong các nghị quyết, kết luận của Trung ương về công tác cán bộ chậm được cụ thể hóa (có 14 nội dung trong Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII và Kết luận số 37 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X đến nay vẫn chưa được cụ thể hóa), có nội dung đã được cụ thể hóa nhưng hiệu quả thực hiện còn hạn chế, có nội dung chưa sát thực tế, có nội dung quy định giữa Đảng và Nhà nước thiếu sự thống nhất. Nhiều khâu trong công tác cán bộ vẫn còn hình thức. Đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu; phương pháp, quy trình đánh giá chưa phù hợp; việc lượng hóa tiêu chí đánh giá còn hạn chế, chưa gắn với kết quả và sản phẩm cụ thể; kết quả đánh giá nhiều nơi chưa phản ánh đúng thực chất. Quy hoạch cán bộ ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị còn dàn trải, quá nhiều, khép kín, chưa bảo đảm phương châm “động” và “mở”, thiếu tính tổng thể, liên thông giữa các cấp, các ngành.

Việc sắp xếp, bố trí, sử dụng, phân công, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ trong một số trường hợp đúng quy trình nhưng chưa đúng người, đúng việc. Có cán bộ không đủ thời gian công tác vẫn được bố trí chức vụ cao hơn. Tình trạng bổ nhiệm cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, trong đó có cả người nhà, người thân của cán bộ lãnh đạo xảy ra ở một số nơi gây bức xúc trong dư luận.

Công tác tuyển dụng còn nhiều hạn chế; chất lượng một số cán bộ, công chức, viên chức được tuyển dụng chưa đáp ứng yêu cầu, nhiều nơi xảy ra sai phạm, tiêu cực. Chủ trương thu hút hiền tài còn hạn chế. Chính sách tiền lương, nhà ở và thi đua khen thưởng chưa thật sự là động lực để cán bộ toàn tâm, toàn ý cống hiến.

Phân cấp quản lý cán bộ chưa theo kịp tình hình thực tiễn. Công tác kiểm tra, giám sát về công tác cán bộ chưa thường xuyên, còn nhiều hạn chế. Đầu tư nguồn lực cho công tác cán bộ chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ,...

Đại hội XII, Đảng ta cũng thẳng thắn thừa nhận: “Việc đổi mới công tác cán bộ chưa có đột phá lớn. Đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu nhất qua nhiều nhiệm kỳ nhưng vẫn chưa có những tiêu chí cụ thể và giải pháp khoa học để khắc phục. Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy bằng cấp... chưa được ngăn chặn, đẩy lùi. Những hạn chế, khuyết điểm trong công tác cán bộ là một trong những điểm yếu, cản trở sự phát triển”(3) dẫn đến một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thóai về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có mặt còn diễn biến phức tạp, trầm trọng hơn.

Nhận diện những biểu hiện

Từ những hạn chế, yếu kém trên cho chấy trong công tác cán bộ, nhất là đối với những người có chức vụ, quyền hạn trong lĩnh vực công tác cán bộ thường có các biểu hiện tha hóa quyền lực, nhất là lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực qua các hành vi sau:

1- Giải quyết công việc liên quan đến công tác tổ chức cán bộ không đúng nguyên tắc, tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, thủ tục, thẩm quyền. “Gợi ý” đối tượng (cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân khác) thuộc quyền lãnh đạo, quản lý để đối tượng mời đi nghiên cứu, học tập, tham quan ở nước ngoài; tham dự các buổi tiệc, tặng biếu quà, du lịch, tham gia các hoạt động thể thao, vui chơi giải trí cho bản thân hoặc người thân trong gia đình; nhận hoặc “gợi ý” đối tượng tài trợ tiền, tài sản để chạy chức, chạy quyền; yêu cầu hoặc “gợi ý” đối tượng cho vay, mượn tiền, tài sản dưới mọi hình thức trái quy định; nhận các giá trị vật chất, tinh thần của đối tượng trái quy định.

2- Tác động, can thiệp, yêu cầu đối tượng tiếp nhận vợ (chồng), con, người thân trong gia đình vào làm việc, được nâng lương, đề bạt, bầu, bổ nhiệm trái quy định hoặc không đúng tiêu chuẩn, điều kiện hoặc được đi tham quan, học tập không đúng chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước, được đề bạt, bổ nhiệm “thần tốc” không đúng quy định.

3 - Chỉ đạo cấp dưới thực hiện hoặc không thực hiện chức trách nhiệm vụ, quyền hạn được giao trong công tác cán bộ để nâng đỡ hoặc trù dập đối tượng trái nguyên tắc, quy định của Đảng và Nhà nước.

4 - Cung cấp thậm chí bán các thông tin, chủ trương, chính sách về công tác cán bộ, danh sách nhân sự của Đảng, Nhà nước trái nguyên tắc, quy định.

5 - Trực tiếp hoặc bao che cho cấp dưới làm trái quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, của tổ chức về công tác cán bộ.

6 - Làm trái quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong quá trình thực thi nhiệm vụ, công vụ, quyền hạn được giao về công tác cán bộ.

7 - Làm môi giới chạy quy hoạch, luân chuyên, bổ nhiệm, chạy chuyển đổi vị trí công tác, chạy bằng cấp, chạy khen thưởng... cho bản thân hoặc người khác.

8 - Lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực trong tuyển dụng, tiếp nhận, đánh giá, nhận xét, quy hoạch, bổ nhiệm, đề bạt, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật cán bộ trái quy định của Đảng và

Nhà nước.

9 - Dùng quyền lực được giao của người đứng đầu để can thiệp, điều động hoặc lợi dụng cơ chế tập thể để hợp lý hóa ý đồ cá nhân về công tác cán bộ.

10 - Thực hiện việc nhận xét, đánh giá, xác nhận về công tác cán bộ không trung thực, khách quan, đầy đủ, chính xác; thực hiện việc đề nghị hoặc thẩm định cán bộ để quy hoạch, bổ nhiệm, bầu cử, khen thưởng không công tâm, khách quan, chuẩn xác, không bảo đảm quy trình, thủ tục,...

Công tác cán bộ là của Đảng, mà thực chất là của cấp ủy, trực tiếp và thường xuyên là của ban thường vụ cấp ủy, thường trực cấp ủy và bộ phận tham mưu, giúp việc về công tác tổ chức cán bộ của cấp ủy. Như vậy, công tác cán bộ là của tập thể, cá nhân không có quyền quyết định. Nhưng thực tế, sự tha hóa quyền lực, suy thóai trong công tác cán bộ vẫn làm cho dư luận rất bức xúc, nội bộ mất đoàn kết là do các biểu hiện tha hóa quyền lực trong lĩnh vực công tác cán bộ hiện nay đang diễn ra khá phổ biến và đa dạng, tinh vi. Điều đó, đòi hỏi chúng ta phải tìm ra nguyên nhân để có giải pháp ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả sự tha hóa quyền lực trong lĩnh vực công tác cán bộ.

(Còn nữa)

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 1997, trang 66.

(2) Hồ Chí Minh: Sửa đổi lối làm việc, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tái bản năm 1999, trang 18.

(3) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2016, trang 194 - 195.