Tạo đột phá trong đổi mới công tác cán bộ

Thời gian qua, nhằm siết lại kỷ luật, kỷ cương của Đảng, các cấp ủy đã đẩy mạnh kiểm tra, giám sát công tác tổ chức đảng; nêu cao tinh thần nêu gương, phê bình và tự phê bình của mỗi cán bộ, đảng viên; xử lý, kỷ luật nghiêm những cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt các nữ doanh nhân tiêu biểu của Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 109 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt các nữ doanh nhân tiêu biểu của Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 109 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3.

Với những kết quả rõ nét đạt được, đã và đang tiếp tục củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, góp phần làm trong sạch bộ máy, tạo động lực thúc đẩy quyết tâm của các cấp ủy, tổ chức đảng ở các ban, bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương…

Hơn ba thập kỷ đổi mới là một giai đoạn lịch sử quan trọng có ý nghĩa trọng đại trong sự nghiệp phát triển của đất nước, đánh dấu sự trưởng thành về mọi mặt của Đảng, Nhà nước và nhân dân, là quá trình cải biến sâu sắc, toàn diện, triệt để, là sự nghiệp cách mạng to lớn của toàn Đảng, toàn dân vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Văn kiện Đại hội XII của Đảng khẳng định: “Qua 30 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa”

(1). Thành tựu to lớn đó là công sức của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, trong đó vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam có ý nghĩa quyết định.

Trong quá trình đổi mới, Đảng ta đặc biệt coi trọng công tác tổ chức, đã tiến hành bốn cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thể hiện quyết tâm chính trị cao độ, nhằm xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, thật sự là đạo đức, là văn minh, xứng đáng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.

Gần đây nhất, sau hơn hai năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân được nâng lên, đã và đang được tổ chức thực hiện nghiêm túc, có trọng tâm, trọng điểm, bước đầu đạt những kết quả rõ nét, góp phần giữ vững kỷ luật, kỷ cương, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 9 khóa XII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Từ đầu nhiệm kỳ khóa XII đến nay, trong vòng chưa đầy ba năm, hơn 60 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý đã bị thi hành kỷ luật là con số chưa từng có. Tiếp tục tinh thần không có “vùng cấm”, không có ngoại lệ, năm 2018, đã xử lý nhiều cán bộ cấp cao, kể cả cán bộ nghỉ hưu, cán bộ trong các cơ quan bảo vệ, thực thi pháp luật, sĩ quan cấp tướng thuộc các lực lượng vũ trang, có những trường hợp bị tước các danh hiệu, xử lý hình sự...

Tạo đột phá trong đổi mới công tác cán bộ ảnh 1

Cán bộ Trung tâm hành chính tỉnh Quảng Ninh hướng dẫn công dân lấy số thứ tự để giải quyết thủ tục hành chính.

Việc thực hiện các chủ trương, quy định về nêu gương của Đảng đã góp phần “tăng cường kỷ luật, kỷ cương của Đảng; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên; góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, tham nhũng, tiêu cực, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng. Nhiều đồng chí đã có ý thức rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, hết lòng, hết sức tận tụy với công việc, được quần chúng yêu mến, tín nhiệm”

(2). Cán bộ và công tác cán bộ là vấn đề đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, có ý nghĩa quyết định sự thành bại của cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhấn mạnh: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”.

Từ trước đến nay, nhất là trong những nhiệm kỳ gần đây, Đảng ta luôn quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của từng thời kỳ cách mạng. Đã có nhiều quyết sách rất đúng về cán bộ và công tác cán bộ; kiên trì, kiên quyết lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các chính sách, biện pháp, tiêu biểu như: Nghị quyết số 03-NQ/TW, ngày 18-6-1997 về “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; Kết luận số 37-KL/TW ngày 2-2-2009 về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chiến lược cán bộ từ nay đến năm 2020 và gần đây là Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19-5-2018 về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Việc thực hiện các nghị quyết đã làm cho đội ngũ cán bộ các cấp có bước trưởng thành, phát triển về nhiều mặt, chất lượng ngày càng được nâng lên; cơ cấu độ tuổi, giới tính, dân tộc, ngành nghề, lĩnh vực công tác có sự cân đối, hợp lý hơn.

Trong bối cảnh hiện nay, hơn lúc nào hết, công tác cán bộ càng trở nên cấp thiết, khi Đảng đã nhận định “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức lối sống”. Thậm chí gần đây còn có những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Cho nên, vấn đề trách nhiệm nêu gương không chỉ là nhiệm vụ mà còn là trách nhiệm của cán bộ, đảng viên.

Thực tiễn đòi hỏi, Đảng cần tiếp tục tăng cường đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, “lợi ích nhóm” có hiệu quả; thúc đẩy công tác phòng ngừa, loại trừ những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”... Kiên quyết, kiên trì xây dựng một cơ chế phòng ngừa để từng cán bộ, đảng viên không thể tham nhũng; một chế tài trừng trị, răn đe để không dám tham nhũng; và một cơ chế đãi ngộ, quan tâm để không muốn tham nhũng…

Cùng với đó là công tác chuẩn bị tốt nhân sự cho đại hội đảng các cấp (năm 2020) và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (năm 2021). Muốn thế, phải tiếp tục rà soát, bổ sung quy hoạch cấp ủy, các chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý; sơ kết, tổng kết sự lãnh đạo của cấp ủy để xây dựng dự thảo báo cáo chính trị trình đại hội đảng các cấp. Đặc biệt, sự tích cực, khẩn trương vào cuộc của năm tiểu ban chuẩn bị cho Đại hội XIII của Đảng (Văn kiện; Kinh tế - Xã hội; Điều lệ Đảng; Nhân sự; Tổ chức phục vụ Đại hội) có ý nghĩa rất quan trọng trong tiến trình phát triển đất nước và sự nghiệp xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, tr. 65.

(2) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2018, tr.143.

PGS, TS ĐINH NGỌC GIANG Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh