Kết thúc kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV

Tạo động lực mới cho hành động

Sau hơn 28 ngày làm việc, chiều 27-11, Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV đã bế mạc. Đây là kỳ họp quan trọng, trong đó tổng kết nhiệm vụ năm 2019 và đề ra phương hướng, kế hoạch hành động cho năm 2020 - năm có ý nghĩa quyết định thành tựu kinh tế - xã hội (KT-XH) 5 năm (2016-2020). vậy nên chương trình nghị sự dồn nén cả lo toan và quyết tâm hành động.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc kỳ họp. Ảnh: DUY LINH
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc kỳ họp. Ảnh: DUY LINH

Dấu ấn lập pháp

Mặc dù là ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp, nhưng không khí của phiên thảo luận tại hội trường Diên Hồng không hề “giảm nhiệt”. Trước đòi hỏi của thực tiễn và trước những thách thức, cơ hội đang mở ra của đất nước, trong phần trình bày của mình, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) luôn bộc lộ những trăn trở làm sao xây dựng được những đạo luật kín kẽ, có chất lượng, tạo động lực thực thi. Thêm vào đó, các đại biểu còn tích cực đưa ra những dự báo, cảnh báo về mọi biến động trong đời sống chính trị, KT-XH, đặt lên bàn nghị sự những đề xuất để cùng thảo luận, tìm giải pháp, hoàn thiện hơn hệ thống pháp luật nhằm đáp ứng đòi hỏi của yêu cầu phát triển đất nước.

Tại kỳ họp này, tập trung vào nhiệm vụ tiếp tục hoàn thiện thể chế, thúc đẩy kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, các ĐBQH đã thẳng thắn nêu ý kiến, thậm chí tranh luận khi góp ý vào các dự án luật, như: Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật,... Quốc hội cũng đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Đây đều là những luật hết sức quan trọng về tổ chức bộ máy được Quốc hội tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan trong bộ máy nhà nước.

Tạo động lực mới cho hành động ảnh 1


Thêm một dấu ấn trong vai trò xây dựng luật của Quốc hội, đó là việc Quốc hội thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi). “Có thể nói, chúng ta đã thay đổi cơ bản cách tiếp cận đối với người lao động. Với Bộ luật cũ, chúng ta mới chỉ quan tâm đến đội ngũ người lao động trong hệ thống cơ quan nhà nước. Nhưng bây giờ, Bộ luật Lao động (sửa đổi) vừa được thông qua điều chỉnh toàn bộ lực lượng lao động tham gia thị trường lao động, có thể nói, gắn với đó là toàn bộ xã hội cũng thuộc đối tượng điều chỉnh của Bộ luật này”, ĐBQH Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) nêu nhận định. Đây cũng là một trong những nội dung được các nhà phân tích cho là tiến bộ, đổi mới cơ chế kịp thời nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập thế giới của Việt Nam, khi chúng ta vừa ký kết hàng loạt các hiệp định thương mại.

Cùng đó, tại kỳ họp này, Quốc hội cũng quyết định nhiều vấn đề quan trọng khác của đất nước. Trong đó có việc, Quốc hội đã ra Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2020.

Sáng kiến trong thực thi

Nhìn nhận tổng quan kỳ họp, các mục tiêu đề ra đều đã đạt được trên cả ba vai trò: lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Tuy nhiên, bao giờ cũng thế, sau mỗi kỳ họp, để bảo đảm những mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra phải là những hành động quyết liệt, sáng tạo trong quá trình thực thi.

Một trong những sáng kiến mới nổi bật tại kỳ họp lần này được các ĐBQH đánh giá rất cao thuộc về công tác tổ chức. Đó là việc Văn phòng Quốc hội tiếp tục có những bước tiến trong đổi mới, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động của ĐBQH. Việc thăm dò ý kiến của ĐBQH cũng được thực hiện qua hệ thống điện tử… Đây là cách làm phù hợp với xu thế chung của thế giới, bảo đảm tính hiệu quả, tiết kiệm, bảo vệ môi trường, qua đó, góp phần vào thành công của kỳ họp.

Bên cạnh những điểm mới được triển khai ngay tại kỳ họp, thì một số chế định mới nhằm nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của Quốc hội được hoàn thiện từ các kỳ họp trước đã phát huy hiệu quả. Thông qua các cơ quan truyền thông, báo chí, nhiều cử tri bày tỏ sự hài lòng khi theo dõi truyền hình trực tiếp các phiên thảo luận về KT-XH, chất vấn và trả lời chất vấn. Cụ thể, tại phiên thảo luận về KTXH, nhiều vấn đề quốc kế, dân sinh đã được các ĐBQH đưa ra bàn thảo; thẳng thắn chỉ ra những mặt chưa được, những tồn tại, bức xúc trong thực tiễn quản lý Nhà nước, trong đời sống xã hội, để kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành kịp thời khắc phục. Đơn cử, trong lĩnh vực giáo dục, không phủ nhận thành tựu của giáo dục trong những năm vừa qua, tuy nhiên, cử tri còn băn khoăn về một số vấn đề tồn tại của giáo dục như: vẫn còn tình trạng bạo hành trẻ em, những tai nạn thương tâm xảy ra trong môi trường học đường, việc quản lý ở các cơ sở giáo dục được gọi là chất lượng cao còn nhiều lỗ hổng… Các phiên chất vấn và trả lời chất vấn luôn là nội dung được ĐBQH và đông đảo cử tri cả nước đặc biệt quan tâm. Tại kỳ chất vấn lần này, các Bộ trưởng, thành viên Chính phủ tham gia chất vấn đã trả lời hầu hết câu hỏi của ĐBQH. Tuy nhiên, do thời gian chất vấn không dài nên một số vấn đề còn chưa được các trưởng ngành trả lời chi tiết.

Không ít những vấn đề khó khăn, tồn đọng qua nhiều kỳ họp đòi hỏi cũng cần sớm được giải quyết dứt điểm. Muốn thế, sáng kiến trong thực thi không chỉ là một yêu cầu mà là đòi hỏi bức thiết, trong cách mạng công nghiệp 4.0. Chúng ta còn nhiều dư địa để đổi mới, áp dụng công nghệ vào thực tiễn, không chỉ để “tiện lợi” mà thật sự sẽ hỗ trợ tích cực trong giám sát quá trình thực thi.

Kế thừa những kết quả đổi mới đã đạt được từ các kỳ họp trước, tại kỳ họp này, nổi bật hơn cả vẫn là dấu ấn về công tác lập pháp. Điều mà cử tri và nhân dân cả nước quan tâm là bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; tránh mâu thuẫn, chồng chéo giữa các văn bản luật như lâu nay, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả thực thi. Và, cuối cùng, yếu tố quan trọng nhất vẫn là con người. Cử tri luôn sẽ dõi theo, giám sát, “chấm điểm” công bằng với từng người chịu trách nhiệm, từng cam kết đã hứa.

Tại kỳ họp này, Quốc hội đã hoàn thành chương trình đề ra với nhiều nội dung quan trọng: thông qua 11 luật, 17 nghị quyết, cho ý kiến về 10 dự án luật; giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018”; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, nhân sự và một số vấn đề quan trọng khác.