Tăng tính minh bạch cho thị trường chứng khoán

Việc cho phép chào bán cổ phiếu dưới mệnh giá và xếp hạng tín nhiệm trái phiếu doanh nghiệp (DN) là một trong nhiều điểm mới được đưa vào Dự thảo Nghị định Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán nhằm hỗ trợ DN huy động vốn tốt hơn.

Dự thảo Nghị định mới sẽ cho phép DN được chào bán cổ phiếu dưới mệnh giá đối với hình thức chào bán ra công chúng và hình thức chào bán riêng lẻ.
Dự thảo Nghị định mới sẽ cho phép DN được chào bán cổ phiếu dưới mệnh giá đối với hình thức chào bán ra công chúng và hình thức chào bán riêng lẻ.

Chú trọng bản chất hoạt động

Theo ban soạn thảo Nghị định, bên cạnh việc kế thừa các quy định tại Nghị định 58/2012/NÐ-CP và Nghị định 60/2015/NÐ-CP, Dự thảo Nghị định đã được bổ sung, cập nhật nhiều quy định mới nhằm bảo đảm tính đồng bộ và tương thích với những thay đổi của Luật Chứng khoán 2019, Luật DN 2020, Luật Ðầu tư 2020… Theo đó, để thống nhất với quy định của Luật DN 2020, Dự thảo Nghị định đã cho phép DN được chào bán cổ phiếu dưới mệnh giá đối với hình thức chào bán ra công chúng và hình thức chào bán riêng lẻ. 

Tuy nhiên, để tránh việc lợi dụng phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá và bảo đảm quyền lợi cho cổ đông hiện hữu, bên cạnh các điều kiện chào bán cổ phiếu thông thường, Dự thảo Nghị định cũng bổ sung điều kiện về giá và điều kiện về thặng dư vốn cổ phần để bù đắp phần thặng dư âm do phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá.

Cụ thể, đối với chào bán ra công chúng, DN cần có đủ thặng dư vốn cổ phần căn cứ trên báo cáo tài chính kỳ gần nhất được kiểm toán đủ bù đắp phần thặng dư âm phát sinh do chào bán cổ phiếu dưới mệnh giá. Còn đối với chào bán dưới mệnh giá riêng lẻ, DN chỉ cần có đủ thặng dư vốn cổ phần để bù đắp phần thặng dư âm phát sinh do phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá. Việc sửa đổi trên nhằm cập nhật Luật Chứng khoán 2019 và tạo điều kiện cho các cổ đông trong các công ty quy mô lớn bán cổ phiếu thông qua hình thức chào bán ra công chúng, cho DN có vốn Nhà nước khi thực hiện thoái vốn đầu tư tại DN khác.   

Mặt khác, Dự thảo Nghị định được đề xuất theo hướng cho phép các DN hình thành sau quá trình cơ cấu lại (bao gồm việc hợp nhất, sáp nhập, chia, tách và mua, bán tài sản lớn) được đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng trên cơ sở các điều kiện như DN thông thường, ngoại trừ việc các điều kiện về vốn, lợi nhuận, lỗ lũy kế được xem xét căn cứ trên “Báo cáo tổng hợp thông tin tài chính theo quy ước” được bảo đảm bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận.

Quy định mới sẽ tập trung vào việc xử lý các thay đổi liên quan đến bản chất hoạt động của DN như hợp nhất, sáp nhập, mua, bán tài sản trên quy mô lớn, thay vì chỉ xử lý các thay đổi về hình thức pháp lý của DN như quy định hiện tại.

Minh bạch, chi tiết hơn

Dự thảo Nghị định còn quy định theo hướng khuyến khích các DN có xếp hạng tín nhiệm. Việc xếp hạng tín nhiệm chỉ bắt buộc đối với các đợt phát hành trái phiếu có quy mô lớn hoặc đối với tổ chức phát hành có dư nợ trái phiếu lớn so với vốn chủ sở hữu.

Cụ thể, tổng giá trị trái phiếu huy động trong mỗi 12 tháng lớn hơn 100% vốn chủ sở hữu căn cứ trên báo cáo tài chính năm gần nhất được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán chấp thuận. Hoặc tổng dư nợ trái phiếu tính đến thời điểm đăng ký chào bán lớn hơn 200% vốn chủ sở hữu căn cứ trên báo cáo tài chính năm gần nhất được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán chấp thuận.

Tuy nhiên, để tạo thuận lợi cho việc phát triển thị trường đánh giá tín nhiệm, Dự thảo Nghị định cũng quy định tại điều khoản chuyển tiếp về việc quy định đánh giá tín nhiệm được áp dụng sau hai năm kể từ thời điểm Nghị định có hiệu lực nhằm tránh xáo trộn trên thị trường; đồng thời cho phép các tổ chức phát hành, tổ chức xếp hạng tín nhiệm có thời gian chuẩn bị các điều kiện để phù hợp với quy định mới.

Ðối với chào bán trái phiếu có bảo đảm, quy định được chỉnh sửa theo hướng bảo lãnh thanh toán được cung cấp bởi ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (thay cho tổ chức có năng lực tài chính); bổ sung phương thức bảo đảm thanh toán trái phiếu bằng nguồn thu của tổ chức phát hành phù hợp với thông lệ quốc tế và đáp ứng nhu cầu của nhiều DN trên thị trường.

Tại Nghị định số 58/2012/NÐ-CP việc phát hành, chào bán các loại trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm chứng quyền đã được quy định, song còn nhiều điểm khiến DN gặp khó khăn trong việc đăng ký, lưu ký và niêm yết bổ sung đối với các cổ phiếu mới phát hành nhằm mục đích chuyển đổi và thực hiện quyền. Ðiều  này đã được Dự thảo nghị định khắc phục.

Theo Ban soạn thảo, việc bổ sung quy định về việc báo cáo, trình tự, thủ tục chuyển đổi trái phiếu, thực hiện chứng quyền là cần thiết để tạo điều kiện thuận lợi cho DN, sở giao dịch chứng khoán và Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam trong việc đăng ký, lưu ký và niêm yết bổ sung cổ phiếu mới được phát hành trên cơ sở chuyển đổi trái phiếu và thực hiện quyền của chứng quyền.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam Hoàng Hải Anh cho rằng, Dự thảo Nghị định có nhiều điểm mang lại ý nghĩa lớn cho thị trường như các sản phẩm mới, các vấn đề liên quan đến huy động vốn được chuẩn hoá nhiều hơn và hầu hết điểm mới, sửa đổi đều hướng tới minh bạch, chuyên nghiệp.