Tăng năng lực quản lý ô nhiễm môi trường đô thị

Ô nhiễm không khí tại Thủ đô Hà Nội nhất là khu vực nội thành thời gian gần đây tiếp tục có những cảnh báo ở mức nghiêm trọng hơn, làm ảnh hưởng đến sức khỏe người dân và cả các hoạt động trong thành phố. Vấn đề này đang đòi hỏi cấp thiết triển khai các giải pháp kiểm soát, quản lý chất lượng không khí hiệu quả và minh bạch hơn.

Ô nhiễm không khí ngoài trời được coi là yếu tố tác động dẫn đến ô nhiễm không khí trong nhà gia tăng tại Hà Nội.
Ô nhiễm không khí ngoài trời được coi là yếu tố tác động dẫn đến ô nhiễm không khí trong nhà gia tăng tại Hà Nội.

Báo động ô nhiễm không khí trong nhà

Kết quả trên ứng dụng quan trắc chất lượng không khí PAMAir cho thấy, tất cả các điểm đo ở Thủ đô Hà Nội ngày 25-8 đều ở ngưỡng ô nhiễm nghiêm trọng, với chỉ số đánh giá chất lượng không khí (AQI) trung bình từ 150 đến 200. Theo bảng phân cấp chỉ số AQI ở Việt Nam, từ 100 đến 200 thuộc nhóm không tốt, những người mắc bệnh nhạy cảm, như hô hấp, tim mạch nên hạn chế ra ngoài.

Đáng nói, ô nhiễm không khí ngoài trời được coi là yếu tố tác động dẫn đến ô nhiễm không khí trong nhà gia tăng tại Hà Nội.

Tại Hội thảo “Chất lượng không khí Hà Nội - Thực trạng và định hướng giải pháp” do Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam tổ chức mới đây đã công bố một nghiên cứu về chất lượng không khí trong nhà ở và ngoài trời tại Hà Nội, chỉ ra nhiều thông tin đáng lo ngại. Theo đó, nhóm nghiên cứu chọn sáu điểm đo ở ngoài trời và sáu điểm đo ở trong nhà là các căn hộ chung cư tại Hà Nội. Kết quả cho thấy, tại sáu điểm đo ngoài trời, nồng độ bụi siêu mịn trong giờ cao điểm lên tới 27.000 - 31.000 hạt/cm3.

Trong đó, điểm đo Linh Đàm có giá trị cao hơn hẳn các nơi khác. Nguyên nhân được nhóm nghiên cứu đưa ra là do Linh Đàm gần đường vành đai 3 - nơi có mật độ giao thông lớn. Mặt khác, khu đô thị Linh Đàm, với dân số rất đông cũng là nơi có mật độ giao thông lớn, góp phần làm tăng ô nhiễm. Theo kết quả của nhóm nghiên cứu, bên cạnh nguyên nhân do bụi từ bên ngoài, bụi trong nhà còn phát sinh từ các hoạt động của gia đình, đặc biệt là hoạt động nấu ăn. TS Hoàng Dương Tùng cho biết: “Dù nghiên cứu trên mới ở phạm vi nhỏ nhưng có giá trị cảnh báo, cho thấy thực trạng ô nhiễm không khí trong nhà cần được quan tâm hơn. Đây là vấn đề được các quốc gia phát triển rất chú trọng, song Việt Nam chưa thật sự quan tâm. Trong khi đó, thời gian mọi người ở trong nhà nhiều hơn ngoài trời. Vì vậy, cần chương trình nghiên cứu tổng thể, bài bản để làm rõ nguồn gây ô nhiễm, mức độ gây ô nhiễm trong nhà tại Việt Nam để mọi người có thể biết và giảm tình trạng này”.

Sớm thực hiện di dời nhà máy ô nhiễm ra khỏi nội đô

Chung quanh sự cố cháy nổ tại kho chứa sản phẩm, nguyên liệu vật tư, hóa chất tại Công ty cổ phần (CP) Bóng đèn phích nước Rạng Đông vào cuối tháng 8 vừa qua trên địa bàn phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân, Hà Nội), nhiều chuyên gia cho rằng, nhờ hai cơn mưa vàng ngay sau đó nên môi trường không khí được cải thiện nhiều và không còn ô nhiễm nữa, trừ khu vực ngay trong kho của Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông, nơi còn đống tro tàn sau sự cố cháy nổ. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho biết, môi trường không khí không đáng lo ngại, nhờ được làm sạch tự nhiên bằng mưa. Tuy nhiên, lo ngại nằm ở nguồn nước và bề mặt.

Phát biểu ý kiến tại cuộc họp sáng 3-9 của Bộ Tài nguyên và Môi trường với các bộ, ngành, sau khi nghe các báo cáo, phân tích, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đánh giá mức độ nguy hại và phạm vi ảnh hưởng từ sự cố cháy nổ tại Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông có nguy cơ ở mức độ trung bình và các cơ quan chức năng của Việt Nam có đủ khả năng để kiểm soát được vấn đề này.

Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn tuyệt đối với môi trường và người dân sinh sống chung quanh nhà máy, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông cần thực hiện ngay các biện pháp che chắn, cô lập những khu vực có nguy cơ gây ô nhiễm để tránh phát tán hóa chất ra môi trường chung quanh. Các vật liệu đã bị hủy hoại, tro xỉ, tàn dư từ đám cháy cần được thu gom vào các container để các cơ quan có đủ năng lực xử lý theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường.

Về lâu dài, theo nhiều ý kiến chuyên gia, thành phố Hà Nội cần sớm thực hiện di dời các nhà máy gây ô nhiễm ra khỏi nội thành. Quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2011 cũng đã nêu rõ định hướng giảm ô nhiễm môi trường trong xây dựng quy hoạch chung thủ đô là di dời các cơ sở công nghiệp cũ, cơ sở y tế điều trị các bệnh truyền nhiễm ra khỏi nội thành, góp phần làm giảm áp lực ô nhiễm môi trường đối với đô thị trung tâm. Bảo tồn các hệ sinh thái và đa dạng sinh học với 70% tổng diện tích đất tự nhiên dành cho hành lang xanh nhằm giữ cân bằng sinh thái đô thị, điều hòa khí hậu, giảm ô nhiễm, tăng sức tải môi trường. Cùng đó, cần xử lý triệt để các cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm, phục hồi các kênh mương, hồ ô nhiễm, cải tạo hệ thống thoát nước, giảm ô nhiễm không khí, tiếng ồn. Hà Nội cần kiểm soát môi trường đô thị và khu công nghiệp ở khu vực đô thị lõi mở, bên cạnh cải thiện môi trường làng nghề, giảm nhẹ tác động do thay đổi sử dụng đất, nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo việc làm, tái định cư, kiểm soát ô nhiễm môi trường đô thị và công nghiệp.