Tâm thức mới cho nền kinh tế biển

Phát triển kinh tế biển xanh ở nước ta không chỉ là xu hướng tất yếu toàn cầu, mà thật sự xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, trên chặng đường phát triển bền vững đất nước.

Cần chú trọng phát triển một nền kinh tế biển hiệu quả và bền vững. Trong ảnh: Ngư dân huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi) ra khơi đánh bắt hải sản. Ảnh: PHẠM MỊNH
Cần chú trọng phát triển một nền kinh tế biển hiệu quả và bền vững. Trong ảnh: Ngư dân huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi) ra khơi đánh bắt hải sản. Ảnh: PHẠM MỊNH

Cơ hội để tái cấu trúc nền kinh tế biển

Ngày 22 -10 -2018, Hội nghị Ban Chấp hành T.Ư Đảng lần thứ 8 (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (sau đây gọi tắt là Nghị quyết 36), mở ra một giai đoạn mới về chất trong quá trình phát triển đất nước - giai đoạn hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, hướng tới phát triển kinh tế biển bền vững dựa trên nền tảng của kinh tế biển xanh (blue economy). Nói cách khác, kinh tế biển xanh và tăng trưởng xanh sẽ tạo cơ hội để Việt Nam tái cấu trúc nền kinh tế biển theo hướng hiệu quả và bền vững; sớm hoàn thành sứ mệnh đưa nước ta trở thành quốc gia: Mạnh về biển, làm giàu từ biển, dựa vào biển và hướng ra biển.

Có thể hiểu đơn giản: Kinh tế biển xanh lấy môi trường làm “chất xúc tác” cho tăng trưởng, thoát dần nền “kinh tế biển nâu”, chú trọng tăng cường phúc lợi xã hội lâu dài. Kinh tế biển xanh thúc đẩy phát triển kinh tế biển bền vững dựa trên tăng cường đầu tư vào duy trì và sử dụng hiệu quả nguồn vốn tự nhiên biển, các dịch vụ hệ sinh thái biển, ven biển và đảo.

Hành trang ra biển lớn

Để đạt được các mục tiêu nói trên, cần chú trọng phát triển một nền kinh tế biển hiệu quả và bền vững trên cơ sở giải quyết đồng bộ các mối quan hệ: giữa phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh trên biển; giữa phát triển kinh tế với bảo đảm an sinh xã hội và các giá trị văn hóa biển, đảo; giữa phát triển kinh tế với sử dụng hợp lý tài nguyên biển, đảo; giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường biển; giữa phát triển vùng biển, ven biển, đảo với phát triển vùng nội địa. Phát triển nền khoa học - công nghệ (KHCN) biển hiện đại, tiên tiến và nguồn nhân lực biển chất lượng cao sẽ tạo động lực phát triển các lĩnh vực liên quan đến kinh tế biển xanh. Nhà nước khuyến khích đẩy mạnh và mở rộng hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực ứng dụng KHCN và chuyển giao công nghệ sạch hơn, thân thiện với môi trường biển. Cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách và triển khai thực chất công cụ quy hoạch không gian biển để thực hiện thành công phương thức quản lý tổng hợp và thống nhất đối với biển, đảo.

Từ các yêu cầu trên, cần tiếp tục thu hút mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường biển trên tinh thần chủ động, tích cực mở cửa. Tập trung xây dựng và hoàn thiện thể chế phát triển bền vững kinh tế biển theo cách tiếp cận liên ngành. Xây dựng Kế hoạch hành động cụ thể để triển khai thực hiện thành công các mục tiêu, chủ trương và giải pháp đột phá của Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030 nhằm bảo đảm an ninh năng lượng, phát triển kinh tế biển xanh hướng tới phát triển bền vững kinh tế biển. Chú trọng áp dụng các giải pháp khai thác các giá trị chức năng, phi vật chất và có khả năng tái tạo của các hệ thống tài nguyên biển, ven biển và đảo.

Khẩn trương kiểm kê và đánh giá “nguồn vốn tự nhiên biển” làm căn cứ triển khai quy hoạch không gian biển quốc gia dựa trên cách tiếp cận hệ sinh thái. Trên cơ sở đó phân bổ “không gian biển” cho các ngành, địa phương ven biển để quy hoạch chi tiết phát triển kinh tế - xã hội ngành và địa phương trong phạm vi “chỉ tiêu” không gian được phân bổ. Chú trọng mối liên kết vùng trong phát triển kinh tế biển và ven biển để phát huy sức lan tỏa của các khu kinh tế biển, giảm thiểu các mâu thuẫn trong phát triển của các địa phương ven biển trên cơ sở phát triển “chuỗi đô thị miền trung” và xây dựng “chuỗi đô thị đảo”. Bên cạnh đó, cần quản lý, kiểm soát và xử lý hiệu quả các chất thải, chất gây ô nhiễm từ các lưu vực sông và ở các khu kinh tế ven biển trước khi đổ ra biển.

Xây dựng năng lực giám sát, quan trắc, giảm thiểu và xử lý các thảm họa thiên tai, sự cố môi trường biển, ven biển và đảo. Đưa các vấn đề môi trường, tài nguyên biển và các rủi ro vào các dự án đầu tư phát triển, các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội ở vùng ven biển, biển và đảo. Ngăn ngừa suy thoái và phục hồi các sinh cảnh biển - ven biển đã bị mất, các hệ sinh thái biển quan trọng (rạn san hô, rừng ngập mặn, thảm cỏ biển) đã bị suy thoái.

Quy hoạch mở rộng và quản lý hiệu quả mạng lưới khu bảo tồn biển nước ta đến năm 2030 để phát triển nghề cá và du lịch sinh thái biển bền vững; tiếp tục đánh giá các vùng biển, đảo, ven biển giàu, đẹp có các giá trị quốc gia, quốc tế để trình cấp có thẩm quyền hoặc các tổ chức quốc tế công nhận, vinh danh. Bảo tồn, phục hồi đa dạng sinh học biển và nguồn lợi thủy sản, nguồn giống hải sản tự nhiên,... đang giảm sút.

Khuyến khích các doanh nghiệp và cộng đồng địa phương tham gia vào tiến trình quản trị biển, đảo thông qua cách tiếp cận quản lý biển theo không gian và đồng quản lý biển, đảo. Bên cạnh đó, thường xuyên nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư ven biển và trên các đảo về kinh tế biển xanh, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững kinh tế biển. Chú trọng cải thiện sinh kế và xóa đói, giảm nghèo cho người dân ven biển, trên đảo để giúp họ thay đổi hành vi cá nhân trong cách đối xử với môi trường và tài nguyên biển.

Xây dựng và triển khai lộ trình áp dụng công nghệ biển sạch hơn, ít cac-bon, ít chất thải trong các ngành kinh tế biển và các lĩnh vực dịch vụ biển. Nghiên cứu và sử dụng năng lượng thay thế và tái tạo từ biển, như: năng lượng gió biển, năng lượng mặt trời trên đảo, năng lượng biển (sóng biển, dòng chảy). Áp dụng các giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu dựa vào hệ sinh thái và cộng đồng, trong đó ưu tiên đầu tư bảo tồn và phát triển các hệ sinh thái ven biển - cơ sở hạ tầng tự nhiên trong ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và các thiên tai biển.

Cần phải xác định, phát triển bền vững kinh tế biển và xây dựng kinh tế biển xanh là việc làm lâu dài, phức tạp, đôi khi rủi ro khó lường và đòi hỏi đầu tư lớn. Nên, đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, khả năng cụ thể hóa các chủ trương và yêu cầu của chiến lược, đặc biệt phải tổ chức tốt khâu giám sát, đánh giá để kịp thời điều chỉnh các mục tiêu chiến lược cho phù hợp với tình hình thực tiễn.