Tầm nhìn cộng đồng thịnh vượng chung

Tầm nhìn APEC năm 2040 đã được lãnh đạo các nền kinh tế thành viên Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) thông qua, tại Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 27 vừa khép lại. Mục tiêu của văn kiện ấy là xây dựng một cộng đồng cởi mở, năng động, tự cường và hòa bình, vì sự thịnh vượng chung của tất cả người dân và các thế hệ tương lai; duy trì APEC là diễn đàn hợp tác kinh tế hàng đầu ở khu vực.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị Cấp cao trực tuyến APEC . Ảnh: Trần Hải
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị Cấp cao trực tuyến APEC . Ảnh: Trần Hải

Được thành lập năm 1989, APEC đến nay đã có 21 thành viên, trong đó có ba nền kinh tế lớn nhất thế giới, cùng nhiều nền kinh tế mới nổi và phát triển năng động, đóng góp khoảng 59% GDP và 49% thương mại toàn cầu. Trên chặng đường hơn 30 năm phát triển, với ba trụ cột hợp tác chính, gồm tự do hóa thương mại và đầu tư, thuận lợi hóa kinh doanh và hợp tác kinh tế - kỹ thuật, APEC luôn khẳng định là cơ chế liên kết kinh tế khu vực hàng đầu, khởi xướng và thúc đẩy xu thế tự do hóa kinh tế, thương mại và đầu tư, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế và duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới.

Cam kết quan trọng và xuyên suốt của APEC, được thông qua tại Hội nghị cấp cao APEC lần thứ hai năm 1994, tại In-đô-nê-xi-a (Indonesia), đó là hoàn thành các Mục tiêu Bô-go (Bogor) về thương mại và đầu tư tự do và mở, hạn chót vào năm 2010 với các nền kinh tế phát triển và năm 2020 với các thành viên đang phát triển. Giai đoạn triển khai các Mục tiêu Bô-go vừa qua chứng kiến nhiều thành tựu nổi bật và thực chất của APEC trên cả ba trụ cột hợp tác, với mức tăng trưởng lớn về cả thương mại và đầu tư lẫn kinh tế, cùng tiến triển tích cực trong tạo thuận lợi cho kinh doanh, hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực...

 Năm 2020 đánh dấu thời điểm quan trọng với Diễn đàn, khi APEC hoàn tất thực hiện các Mục tiêu Bô-go và bước vào giai đoạn phát triển mới trong bối cảnh thế giới chuyển biến nhanh và sâu sắc, dưới tác động của cách mạng công nghiệp 4.0. Là văn kiện chính sách quan trọng, thay thế các Mục tiêu Bô-go, Tầm nhìn APEC năm 2040 định hướng hợp tác của Diễn đàn trong hai thập niên tới và được hiện thực hóa thông qua các trụ cột hợp tác nền tảng của APEC về thương mại và đầu tư tự do và mở, liên kết kinh tế, kết nối toàn diện, hợp tác kỹ thuật, cùng những động lực mới là đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số và tăng trưởng mạnh mẽ, cân bằng, an toàn, bền vững và bao trùm.

Tuyên bố về Tầm nhìn APEC năm 2040 nêu rõ: APEC tiếp tục củng cố môi trường thương mại và đầu tư tự do, mở, công bằng, không phân biệt đối xử, minh bạch và ổn định, bảo đảm châu Á - Thái Bình Dương là khu vực kinh tế năng động và kết nối nhất thế giới. Theo đó, tiếp tục thúc đẩy các Mục tiêu Bô-go và liên kết kinh tế khu vực, hướng tới xây dựng Khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP).

Tầm nhìn cộng đồng thịnh vượng chung -0
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các nền kinh tế thành viên thông qua “Tầm nhìn APEC Putrajaya 2040”. Ảnh: Trần Hải 

Thúc đẩy tất cả người dân và cộng đồng doanh nghiệp tham gia và phát triển trong nền kinh tế toàn cầu kết nối chặt chẽ, APEC cam kết xây dựng môi trường thuận lợi, bảo đảm định hướng thị trường, phát triển kinh tế số và đổi mới sáng tạo. Theo đó, thúc đẩy cải cách cơ cấu và chính sách kinh tế, nâng cao năng suất và tính năng động, thông qua tăng cường cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, đẩy nhanh chuyển đổi và thu hẹp khoảng cách về kỹ thuật số.

Tăng trưởng bao trùm là mục tiêu cao của APEC, gồm phát triển nguồn nhân lực, các giải pháp thân thiện với môi trường và tăng trưởng chất lượng. Ðể bảo đảm nền kinh tế khu vực có khả năng chống chịu các “cú sốc”, khủng hoảng, đại dịch hay các trường hợp khẩn cấp, Tầm nhìn APEC vạch rõ mục tiêu tăng trưởng có chất lượng, mang lại lợi ích cụ thể, song song việc bảo đảm sức khỏe và cuộc sống cho tất cả người dân, doanh nghiệp, nhất là với phụ nữ và các nhóm có tiềm lực kinh tế chưa được khai phá. APEC cũng tăng cường phát triển nguồn nhân lực toàn diện và hợp tác kinh tế - kỹ thuật, thúc đẩy các chính sách hợp tác nhằm hỗ trợ nỗ lực toàn cầu giải quyết thách thức chung về môi trường, nhất là chống biến đổi khí hậu...

Tầm nhìn APEC năm 2040 đặc biệt nhấn mạnh mục tiêu duy trì vị thế đặc biệt của APEC là diễn đàn hợp tác kinh tế khu vực hàng đầu, là vườn ươm ý tưởng hiện đại và hiệu quả. Các nhà lãnh đạo APEC khẳng định triển khai tầm nhìn mới trên tinh thần đối tác bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, chia sẻ trách nhiệm, quan tâm và lợi ích chung.

Định hướng tương lai APEC và khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Tầm nhìn APEC năm 2040 đã khép lại chặng đường hợp tác thực hiện các Mục tiêu Bô-go, đồng thời đánh dấu thời điểm hoàn tất xây dựng tầm nhìn của Diễn đàn sau năm 2020. Ðây là sáng kiến do Việt Nam khởi xướng và thúc đẩy thực hiện sau khi được thông qua tại Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 25 năm 2017, tại Việt Nam. Thực hiện tầm nhìn mới của APEC, Việt Nam tiếp tục đồng hành cùng các nền kinh tế thành viên để biến tầm nhìn và ước vọng của Diễn đàn thành “trái ngọt” của hòa bình, ổn định, hạnh phúc và thịnh vượng của mọi người dân trong cộng đồng chung APEC.