Tầm nhìn chiến lược của Đại tướng Lê Đức Anh

LTS - Trái tim của đồng chí Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước đã ngừng đập vào hồi 20 giờ 10 phút, ngày 22-4-2019. Đồng chí đã dành trọn vẹn cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, cho lý tưởng xây dựng một Việt Nam “dân giàu nước mạnh”. Tưởng nhớ về ông, Nhân Dân cuối tuần xin giới thiệu bài viết của tác giả Hồ Sơn Đài để bạn đọc hiểu thêm phần nào chân dung một vị đại tướng tài ba.

Tầm nhìn chiến lược của Đại tướng Lê Đức Anh

Tài thao lược của một vị tướng

Sinh ra và lớn lên ở Thừa Thiên - Huế, nhưng địa bàn hoạt động cách mạng đầu tiên của đồng chí Lê Ðức Anh lại ở miền Ðông Nam Bộ. Tại đồn điền cao-su Lộc Ninh, đồng chí tham gia cách mạng rồi nhập ngũ, lần lượt trải qua các chức vụ: Chính trị viên Chi đội Vệ quốc đoàn Thủ Dầu Một, Tham mưu trưởng khu Sài Gòn - Chợ Lớn, Tham mưu trưởng khu 7, Phó Tham mưu trưởng Nam Bộ, Tham mưu trưởng Phân liên khu miền Ðông.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Nam Bộ - trong đó có thành phố Sài Gòn Chợ Lớn - là chiến trường sau lưng địch, nơi chúng tập trung bình định, thực hiện chiến lược "lấy chiến tranh nuôi chiến tranh", đồng chí Lê Ðức Anh đã cùng cấp ủy đảng và bộ chỉ huy quân sự đề ra chủ trương, lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân phù hợp đặc điểm và nhiệm vụ chiến lược của chiến trường.

Vào những năm 1949 - 1950, khi chiến trường Bắc Bộ chuyển sang "giai đoạn cầm cự", xây dựng các sư đoàn chủ lực (gọi là đại đoàn), ở Nam Bộ, nhiều người muốn xây dựng trung đoàn chủ lực, rồi liên trung đoàn. Ðồng chí Lê Ðức Anh đã đề xuất với Bí thư Xứ ủy Lê Duẩn chỉ nên xây dựng đến cấp tiểu đoàn chủ lực, còn lại tập trung phát triển lực lượng vũ trang địa phương. Thực tiễn cách mạng ở Nam Bộ những năm 1951 - 1954 đã chứng minh quan điểm này là đúng đắn. Ðồng chí Lê Ðức Anh cũng là kiến trúc sư của chiến dịch Bến Cát năm 1950, chiến dịch lớn và duy nhất tại chiến trường miền Ðông Nam Bộ trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Ðầu năm 1964, trở về miền nam trên chiếc tàu "không số" sau khi từ nhiệm chức vụ Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, đồng chí Lê Ðức Anh giữ trách nhiệm Tham mưu trưởng, rồi Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân Giải phóng miền nam Việt Nam (Miền). Tại đây, đồng chí đã cùng Quân ủy và Bộ Tư lệnh Miền lãnh đạo, chỉ đạo các lực lượng vũ trang nhân dân B2 xây dựng và chiến đấu, làm nên những sự kiện quân sự lớn, có ý nghĩa làm thay đổi cục diện chiến trường cho đến khi kết thúc cuộc chiến tranh.

Khi quân đội nhà nghề với đầy đủ trang bị vào loại tối tân bậc nhất lúc bấy giờ của Mỹ và năm nước đồng minh (Hàn Quốc, Thái-lan, Australia, Philippines, New Zealand) vào trực tiếp tham chiến tại miền nam Việt Nam, vấn đề đặt ra là chúng ta có dám đánh Mỹ không, đánh được không, đánh bằng cách nào? Từ thực tiễn chiến trường, căn cứ sự chỉ đạo của Ðại tướng, Chính ủy Quân Giải phóng miền Nam Nguyễn Chí Thanh về phương châm đánh Mỹ "bám thắt lưng địch mà đánh", đồng chí Lê Ðức Anh đã đề xuất với Quân ủy - Bộ Tư lệnh Miền và được giao trực tiếp chỉ đạo nhiệm vụ "chia nhỏ" chiến trường thành từng đơn vị tổ chức quân sự theo lãnh thổ (gọi là C) trên địa bàn không có dân dọc biên giới. Tại đây, các cơ quan kháng chiến đứng chân trên địa bàn được tổ chức thành "huyện đội", "xã đội"; từ đó, mạnh dạn trang bị vũ khí (kể cả vũ khí chống tăng B.40, B.41 - loại vũ khí đòi hỏi phải được huấn luyện kỹ thuật sử dụng) cho các nhân viên dân sự. Chỉ đạo của đồng chí đã góp phần tạo nên những thắng lợi to lớn trong hoạt động chiến đấu chống hai cuộc phản công chiến lược mùa khô (1965 - 1966 và 1966 - 1967), đặc biệt chiến dịch phản công đánh bại cuộc hành quân Junction City của Mỹ.

Giành được thắng lợi hết sức to lớn về mặt chiến lược trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân, nhưng sau đó, cách mạng miền nam gặp nhiều khó khăn. Tại chiến trường Khu 9, vùng căn cứ địa đông dân bị địch bình định lấn chiếm gần hết, lực lượng cách mạng phần lớn bị mất sức chiến đấu và bật ra khỏi địa bàn, quân chủ lực rút sang bên kia biên giới. Sau khi cùng Chính ủy Phạm Hùng và Tư lệnh Hoàng Văn Thái ra Hà Nội báo cáo tình hình miền nam với Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Lê Ðức Anh về lại chiến trường B2 và được cử làm Tư lệnh Quân khu 9. Ông đã cùng Bí thư Khu ủy - Chính ủy Võ Văn Kiệt kiện toàn lại lực lượng, củng cố nội bộ, chỉ huy lực lượng vũ trang trở về bám trụ chiến đấu, giành lại thế chủ động tiến công địch ở đồng bằng sông Cửu Long. Và đến sau khi ký Hiệp định Paris, trong lúc các chiến trường khác lúng túng trong việc thi hành Hiệp định, để mất đất mất dân, thì đồng chí chỉ huy lực lượng vũ trang Quân khu 9 liên tục tiến công, chủ động đánh địch lấn chiếm, làm nên chiến thắng Chương Thiện năm 1973.

Những quyết sách đầy bản lĩnh

Miền nam giải phóng, ở cương vị Tư lệnh Quân khu 9, rồi Tư lệnh Quân khu 7, Chỉ huy trưởng cơ quan tiền phương Bộ Quốc phòng, đồng chí Lê Ðức Anh đã chỉ huy các cơ quan và đơn vị vũ trang khắc phục hậu quả chiến tranh, sắp xếp lại lực lượng, tham gia khai hoang phục hóa Ðồng Tháp Mười và các vùng căn cứ địa cũ, rồi chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam. Trong thời gian Việt Nam thực hiện nghĩa vụ quốc tế tại Cam-pu-chia, có nhiều ý kiến khác nhau về xác định tính chất cuộc chiến và về phương hướng, phương thức đấu tranh của cả ta và bạn. Với cương vị cấp trưởng, đồng chí Lê Ðức Anh đã cùng Ban lãnh đạo Ðoàn chuyên gia và Bộ Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam tại Cam-pu-chia đánh giá chính xác đối tượng tác chiến, đặc điểm, tính chất cuộc chiến tranh, giúp bạn vận dụng đường lối chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện theo kinh nghiệm của Việt Nam, tiến công trên tất cả các lĩnh vực chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa - xã hội, làm thất bại kiểu chiến tranh du kích phản cách mạng của tập đoàn Pol Pot - Ieng Sary.

Ðặc biệt, năm 1982, khi toàn quân triển khai thực hiện Nghị quyết 07-NQ/TW về việc thực hiện chế độ một người chỉ huy, bỏ hệ thống cấp ủy đảng đến cơ sở (sư đoàn), đồng chí đã kiên quyết đấu tranh để giữ chế độ cấp ủy trong Quân tình nguyện Việt Nam tại Cam-pu-chia. Chủ trương này được thực tiễn kiểm định là đúng đắn và được Trung ương điều chỉnh bởi Nghị quyết 27/NQ-TW "về việc tiếp tục kiện toàn cơ chế lãnh đạo của Ðảng đối với Quân đội nhân dân Việt Nam và sự nghiệp quốc phòng".

Tầm nhìn chiến lược của Đại tướng Lê Đức Anh ảnh 1

Chủ tịch nước Lê Đức Anh thăm các đơn vị của Hải quân vùng 3, ngày 9-1-1996. Ảnh: CAO PHONG (TTXVN)

Trở về từ chiến trường Cam-pu-chia, đồng chí Lê Ðức Anh được phân công giữ trách nhiệm Tổng Tham mưu trưởng, rồi Bộ trưởng Quốc phòng trong bối cảnh nền kinh tế đất nước khủng hoảng trầm trọng, lạm phát lên gần 800%, quân đội thường trực lúc cao nhất có đến 1,6 triệu người, vượt quá xa khả năng bảo đảm của hậu cần Quân đội. Ðồng chí đã cùng Ðảng ủy Quân sự Trung ương và Thủ trưởng Bộ Quốc phòng đề xuất với Bộ Chính trị về việc điều chỉnh lại lực lượng và tổ chức phòng thủ trên các hướng chiến lược nhằm tăng cường khả năng phòng thủ trong tình hình mới. Một số sư đoàn chủ lực ở biên giới giãn về phía sau. Ðó không chỉ là sự sắp xếp cơ học thuần túy vị trí đứng chân của từng đơn vị, mà là bố trí đội hình chiến lược gắn với khu vực phòng thủ trên nền tảng tư duy mới, hiện đại, phù hợp sự chuyển động của nền kinh tế đất nước. Cùng với điều chỉnh thế bố trí chiến lược là giảm quân. Ðồng chí kiên quyết chỉ đạo các cơ quan nghiệp vụ nghiên cứu giảm hơn 60% quân số thường trực, từ đó tập trung nguồn lực nâng cao chất lượng trang bị và đời sống của bộ đội, giải phóng một bộ phận lao động để tham gia sản xuất làm ra của cải vật chất cho xã hội.

Một trong những kiến trúc sư của hội nhập

Năm 1991, đồng chí Lê Ðức Anh được Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước trong bối cảnh, tình hình thế giới diễn biến phức tạp. Liên Xô (trước đây) và các nước xã hội chủ nghĩa Ðông Âu sụp đổ, khối SEP tan vỡ, các nước xã hội chủ nghĩa từ giảm dần tiến tới cắt hoàn toàn viện trợ cho Việt Nam. Mỹ tiếp tục cấm vận. Quan hệ với Trung Quốc còn căng thẳng. Ðồng chí Lê Ðức Anh được Bộ Chính trị giao nhiệm vụ tìm giải pháp tiến tới bình thường hóa quan hệ trước hết với Trung Quốc và Mỹ, phá thế bao vây cấm vận, cô lập Việt Nam cả về kinh tế, chính trị và ngoại giao. Hiểu lịch sử các nước, mẫn cảm chính trị và lịch thiệp, ông đã lần lượt tiếp xúc với các thương gia, nhà khoa học, chính khách, chuẩn bị các tiền đề vững chắc cho việc tiến tới bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc (1991) và Mỹ (1995). Ông là một trong những kiến trúc sư của tiến trình Việt Nam chủ động hội nhập, "muốn là bạn với tất cả các quốc gia và các dân tộc trên thế giới".

Sẽ còn rất nhiều thí dụ cấu thành phẩm chất Ðại tướng Lê Ðức Anh, dù trong bối cảnh lịch sử nào và với cương vị nào được giao. Con người đồng chí, dường như sinh ra là đã như thế. Trong bản thảo cuốn hồi ký lịch sử chưa kịp gửi xuất bản, Ðại tướng viết:"Cuộc đời giống như một cuộc hành trình dài mà chúng ta không thể biết trước những gì sẽ xảy ra. Hồi nhỏ, chỉ ước rằng mình có thể đặt chân trên con đường sẽ xảy ra ấy. Thế rồi, thật may mắn, tôi đã đi, và được can dự vào những sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước".

Sự can dự của ông, cả tư duy và hành động, luôn phản chiếu một tầm nhìn chiến lược!