KỲ HỌP THỨ SÁU, QUỐC HỘI KHÓA XIV

Sự kiện chính trị quan trọng, nhiều ý nghĩa

Tại phiên họp ngày 23-10 của kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV đã tín nhiệm rất cao bầu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Chủ tịch nước. Việc Tổng Bí thư được Ban Chấp hành Trung ương Đảng giới thiệu để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước là sự kiện chính trị nhiều ý nghĩa và là điểm nhấn quan trọng trong tiến trình đổi mới toàn diện đất nước trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tuyên thệ nhậm chức. Ảnh: DUY LINH
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tuyên thệ nhậm chức. Ảnh: DUY LINH
Sự kiện chính trị quan trọng, nhiều ý nghĩa ảnh 1

Việc các đại biểu Quốc hội tín nhiệm rất cao bầu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Chủ tịch nước phù hợp với xu thế thời đại và sự mong mỏi, kỳ vọng của cử tri cả nước. Ảnh: DUY LINH

Phù hợp với xu thế thời đại và quy luật

Mặc dù trong đời sống chính trị của thế giới đương đại, mô hình thể chế chính trị được tổ chức phong phú và đa dạng; tuy nhiên mô hình Tổng Bí thư (người đứng đầu đảng chính trị) làm Chủ tịch nước (người đứng đầu Nhà nước) đã được hiện thực hóa ở nhiều nước trong hệ thống xã hội chủ nghĩa (XHCN) cũng như tư bản chủ nghĩa. Hầu hết các nước XHCN như Trung Quốc, Triều Tiên, Cu-ba, Lào đã thực hiện thống nhất chức danh Tổng Bí thư và Chủ tịch nước. Còn đối với nhiều quốc gia phương Tây, tùy thuộc vào chính thể mỗi nước, chính đảng (hoặc liên minh các đảng) chiếm đa số phiếu bầu sẽ thành lập chính phủ điều hành nhà nước, Tổng thống hay Thủ tướng cũng là người đứng đầu các đảng cầm quyền.

Ngoài ra, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay thì việc người đứng đầu Ðảng là người đứng đầu Nhà nước cũng là sự thiết kế thuận lợi cho tổ chức và hoạt động của Nhà nước ta để tránh những phức tạp ngoại giao, giảm bớt chi phí và phù hợp với tập quán, thông lệ, văn minh chính trị - pháp lý trên thế giới.

Theo quy định của Hiến pháp năm 2013: “Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa XHCN Việt Nam về đối nội và đối ngoại (Điều 86); vì vậy cơ chế Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước sẽ tạo ra nhiều thuận lợi trong công tác đối nội, đối ngoại, nâng cao vị thế, tính pháp quyền và chính danh của Ðảng và Nhà nước (nhân danh Nhà nước) trong quan hệ quốc tế. Thực tế này cũng cho thấy: là lĩnh vực vô cùng phong phú và phức tạp, song đời sống chính trị tuân theo những quy luật chung; là sự thống nhất biện chứng giữa tính nhân loại với tính giai cấp và tính dân tộc, giữa tính phổ biến và tính đặc thù. Và cái phổ biến, cái chung ở đây được thể hiện ở sự thiết kế, tổ chức vận hành bộ máy nhà nước hợp lý, khoa học và hiệu quả. Việc Quốc hội nước ta bầu Tổng Bí thư giữ chức vụ Chủ tịch nước phù hợp với xu thế của thời đại và quy luật của đời sống chính trị đương đại.

Phù hợp Điều lệ Đảng và Hiến pháp

Việc bầu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Chủ tịch nước được tiến hành theo trình tự Ban Chấp hành Trung ương xem xét, giới thiệu nhân sự để Quốc hội bầu Chủ tịch nước là phù hợp và tuân theo Điều lệ Đảng. Đồng thời, theo quy định của Hiến pháp năm 2013, chức danh Chủ tịch nước được Quốc hội bầu trong số đại biểu Quốc hội. “Chủ tịch nước do Quốc hội bầu trong số đại biểu Quốc hội… Nhiệm kỳ của Chủ tịch nước theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Chủ tịch nước tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi Quốc hội khóa mới bầu ra Chủ tịch nước” (Điều 87).

Hiện tại, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đang là đại biểu Quốc hội khóa XIV, vì vậy Quốc hội khóa XIV tín nhiệm bầu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Chủ tịch nước phù hợp với điều lệ Đảng cũng như Hiến pháp, thực hiện đúng quy định và trình tự hiến định; bảo đảm tính hợp pháp, hợp hiến.

Đáp ứng nhu cầu thực tiễn chính trị đất nước

Hiện nay, công cuộc đổi mới toàn diện đất nước do Đảng khởi xướng và lãnh đạo hơn ba thập kỷ qua đã thu được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử, tạo ra thế và lực để tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Sự nghiệp đổi mới đang đặt ra cho Đảng và nhân dân ta thực hiện những nhiệm vụ trực tiếp như: đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; cải cách hành chính gắn với sắp xếp, tinh giản bộ máy nhà nước; xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân; xây dựng, chỉnh đốn Đảng; phòng, chống tham nhũng, lãng phí; nguy cơ “tự chuyển hóa”, “tự diễn biến”; quan tâm khắc phục, xóa bỏ những tồn tại, lực cản trong tiến trình xây dựng, phát triển đất nước. Mô hình Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước cũng tạo nhiều thuận lợi trong việc triển khai, phối hợp thực hiện chủ trương, nhiệm vụ công tác của Đảng và Nhà nước. Sự kiện Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước ở thời điểm chín muồi của đòi hỏi thực tiễn và mở ra bước ngoặt của tiến trình cải cách bộ máy nhà nước, đổi mới hệ thống chính trị nước ta.

Trong quá trình công tác, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trải qua nhiều vị trí lãnh đạo quan trọng; là người trong sạch, thật sự liêm chính, luôn đặt lợi ích chung lên trên. Trải qua quá trình công tác, nhất là từ nửa nhiệm kỳ của Đại hội XII, Tổng Bí thư để lại nhiều dấu ấn rất lớn, hình ảnh và tình cảm đẹp với nhân dân, nhất là trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và phòng, chống tham nhũng, lợi ích nhóm và tiêu cực; đáp ứng sự mong đợi của toàn Đảng và toàn dân. Vì vậy, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người hội đủ điều kiện, uy tín, năng lực, đức độ để thực hiện thống nhất chức danh Tổng Bí thư và Chủ tịch nước. Kết quả đồng thuận tuyệt đối của Trung ương khi giới thiệu Tổng Bí thư vào vị trí Chủ tịch nước và sự tín nhiệm rất cao của các vị đại biểu Quốc hội là sự thể hiện ghi nhận quyết tâm của Đảng và sự mong mỏi, kỳ vọng của đông đảo nhân dân; là phương án tối ưu, phù hợp, cần thiết và hợp lòng dân.

Đây là sự kiện chính trị quan trọng, có ý nghĩa to lớn và tích cực; là sự gặp gỡ giữa yêu cầu khách quan và nhân tố chủ quan của sự nghiệp cách mạng hiện nay, thể hiện sinh động “ý Đảng, lòng dân”. Những căn cứ nêu trên là cơ sở để Đảng và Nhân dân ta tin tưởng, tiếp tục vững bước trên con đường đổi mới.