Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIV

Sôi nổi nghị trường

Chất vấn và trả lời chất vấn là cơ chế giám sát hiệu quả của Quốc hội, được cử tri quan tâm nhất ở mỗi kỳ họp. Trong hai ngày rưỡi (từ ngày 4 đến 6-6), các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và các thành viên Chính phủ đã tham gia chất vấn theo cơ chế tranh luận, đi thẳng vào những vấn đề “quốc kế dân sinh”. Bốn phút cho mỗi câu hỏi - đáp có thể đi trúng được vấn đề, nhưng để giải quyết được, ngoài việc trả lời nóng của bộ trưởng còn cần đến việc trả lời chất vấn “ngoài nghị trường”. Quan trọng hơn nữa, là trách nhiệm đến cùng của những trưởng ngành.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trao đổi ý kiến với các đại biểu bên hành lang hội trường. Ảnh: TRẦN HẢI
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trao đổi ý kiến với các đại biểu bên hành lang hội trường. Ảnh: TRẦN HẢI

Sức nóng Diên Hồng

Trong kỳ chất vấn của kỳ họp này, Quốc hội lựa chọn bốn nhóm vấn đề gồm: an ninh trật tự, an toàn xã hội; xây dựng; giao thông vận tải và văn hóa, thể thao, du lịch. Ðăng đàn đầu tiên là Bộ trưởng Công an Tô Lâm đã thẳng thắn đề cập những "điểm nóng" như: đấu tranh trấn áp tội phạm về ma túy, tín dụng đen, buôn bán, xâm hại phụ nữ, trẻ em… Cùng với đó, là thực trạng tội phạm xuyên quốc gia thời gian qua có những biểu hiện khó lường. Tình trạng mất an toàn giao thông liên quan việc người lái xe sử dụng rượu bia, ma túy gây bức xúc lớn trong xã hội. Ở hai phía chất vấn và trả lời chất vấn đều có chung mối trăn trở, từ đó tập trung vào giải pháp cho những vấn đề nóng này.

Sôi nổi nghị trường ảnh 1

Bộ trưởng Công an Tô Lâm.

Tại phòng họp Diên Hồng, trong nội dung chất vấn thứ hai, nhiều đại biểu phản ánh tình trạng phá vỡ quy hoạch, năng lực yếu kém của các doanh nghiệp (DN) xây dựng. Có nên quy hoạch cả nghìn ha cho du lịch tâm linh hay không, trên thế giới có nước nào làm như Việt Nam không? Ðó là ý kiến của đại biểu Phạm Văn Hòa (Ðồng Tháp) sử dụng quyền tranh luận để nhắc lại như vậy sau khi đặt câu hỏi và được Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà trả lời về quy hoạch các khu du lịch tâm linh đến cả nghìn ha. Nhân đó đại biểu Hòa cảnh báo, nếu chưa rạch ròi giữa khu đất dành cho tâm linh và đất thương mại dịch vụ, sau này có thể biến tướng khi điều chỉnh quy hoạch. Trả lời, Bộ trưởng Hà cũng nói rõ, vấn đề đại biểu nêu đã có quy định điều chỉnh bởi Luật Ðất đai, Luật Tín ngưỡng tôn giáo, Luật Di sản văn hóa, Luật Xây dựng và pháp luật liên quan như Luật Bảo vệ môi trường…

Sôi nổi nghị trường ảnh 2

Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà.

Không khí chất vấn trên hội trường càng trở nên nóng khi có những đại biểu sử dụng cơ chế tranh luận để giơ biển đeo đuổi đến cùng câu hỏi đặt ra. Như đại biểu Ðặng Thuần Phong (Bến Tre) sáng 5-6 đã thẳng thắn hỏi lại Bộ trưởng Xây dựng vì sao chưa được trả lời hai nội dung đã hỏi chiều hôm trước liên quan trách nhiệm quản lý nhà nước của ngành, trách nhiệm cá nhân Bộ trưởng, và "đề nghị Bộ trưởng trả lời bằng văn bản".

Ðòi hỏi từ thực tiễn

Không khí chất vấn không chỉ nóng tại nghị trường. Có những đại biểu còn thể hiện vai trò đại diện cho tiếng nói của cử tri, thông qua việc đưa lên trang facebook cá nhân nội dung câu hỏi chất vấn của mình, và nội dung trả lời của tư lệnh ngành. Ðiều này phần nào cũng giúp cho việc chuyển tải thông tin và không khí chất vấn đến với cộng đồng một cách sống động.

Sôi nổi nghị trường ảnh 3

Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể.

Theo dõi những đổi mới thời gian qua, nhất là từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, nhiều chuyên gia cho rằng, việc hoàn thiện cơ chế chất vấn đã làm tăng vai trò giám sát của các ÐBQH, nâng cao chất lượng chất vấn trên hội trường. Song, về lâu dài, để giải quyết hiệu quả những "điểm nóng" của cuộc sống thì cần phải có giải pháp đồng bộ, "cần nhiều hơn những chất vấn ngoài nghị trường". Thế nhưng, theo Báo cáo Kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri (KNCT) gửi đến ngay kỳ họp trước (kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV) cho thấy còn nhiều tồn tại.

Mặc dù công tác trả lời, giải quyết KNCT đã được các Ðoàn ÐBQH đánh giá có sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực, tuy nhiên một số Ðoàn vẫn tiếp tục có nhận xét cho rằng, nhiều văn bản trả lời cử tri thường chỉ thiên về trích dẫn các quy định đã có của pháp luật, trong khi cử tri đánh giá các quy định này đã và đang bất cập, không còn phù hợp, lạc hậu với thực tiễn nhưng không được giải trình thấu đáo; một số văn bản trả lời cung cấp thông tin, giải trình các vấn đề mà cử tri nêu còn rất chung chung như đã giao, đang chỉ đạo giải quyết, mà chưa đi thẳng vào vấn đề mà cử tri phản ánh, chưa chỉ ra trách nhiệm của Bộ, ngành mình trong công tác quản lý hoặc tổ chức thực hiện nên còn thiếu thuyết phục; một số kiến nghị mà cử tri phản ánh là có căn cứ, có cơ sở để giải quyết nên đã được các Bộ, ngành tiếp thu, nhưng việc giải quyết quá lâu, gây bức xúc cho người dân.

Ngay cả việc tiếp công dân, lấy ý kiến người dân, cải cách một số thủ tục hành chính mặc dù đã được Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, nhưng chuyển biến còn chậm, nên kết quả chưa như mong muốn, qua giám sát cho thấy, còn có địa phương bố trí nhân viên hợp đồng làm công tác tiếp công dân (vi phạm Luật Tiếp công dân); một số công chức có biểu hiện lạm quyền, quan liêu, vô cảm khi tiếp xúc với dân,...

Sôi nổi nghị trường ảnh 4

Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện.

Tất cả những bất cập từ thực tiễn đang đòi hỏi sự chung tay của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, như chia sẻ của Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện trước nhiều vấn đề của ngành gây bức xúc trong nhân dân: "Ðể đi đến đích "phát triển toàn diện, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của đất nước" cần có cộng đồng trách nhiệm, sự chung tay, đồng lòng của các bộ, ngành, các cấp chính quyền; sự vào cuộc, ủng hộ, hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân... Chúng tôi rất mong các ÐBQH giám sát, kể cả giám sát theo chuyên đề đối với những vấn đề có liên quan".

Mong rằng, các thành viên Chính phủ sẽ nghiêm túc, nỗ lực thực hiện nhiệm vụ, các ÐBQH sát sao kiểm tra, giám sát những cam kết tại phiên chất vấn của kỳ họp lần này.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân:

Về cơ bản, các Bộ trưởng trả lời chất vấn đã bao quát một cách toàn diện các nội dung thuộc lĩnh vực được chất vấn, nắm vững tình hình, thực trạng và trả lời hầu hết những vấn đề đại biểu nêu, thẳng thắn nhận trách nhiệm về những tồn tại, hạn chế của ngành. Những vấn đề đưa ra chất vấn lần này liên quan mật thiết đến đời sống người dân, nhiều nội dung có tính vĩ mô liên quan đến chính sách, công tác quản lý, điều hành phối hợp của nhiều bộ, ngành, địa phương, có những vấn đề mới xuất hiện nảy sinh trong thực tiễn đòi hỏi có giải pháp thiết thực để giải quyết…