Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV

Quyết giữ lửa chống tham nhũng

Ngay những ngày đầu của tuần làm việc thứ tư, kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV lần này, không khí nghị trường đã rất “nóng” bởi những phiên thảo luận có liên quan nội dung phòng, chống tham nhũng. Đó là những chỉ báo cho thấy, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đang cùng với cử tri và nhân dân cả nước chung sức đồng lòng đấu tranh với nạn tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, khôi phục nội lực đất nước.

Quyết giữ lửa chống tham nhũng

Những con số đau lòng

2018 được coi là năm đột phá trong công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN). Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, sự giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, công tác PCTN đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Báo cáo của Chính phủ đã chỉ rõ, tham nhũng đang từng bước được kiềm chế và có chiều hướng thuyên giảm. Công tác thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử được tăng cường. Việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng đã có chuyển biến tích cực, nhiều vụ vi phạm, vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, gây thất thoát lớn tài sản của Nhà nước được phát hiện và xử lý nghiêm minh, đã thể hiện nhất quán quan điểm “nói đi đôi với làm”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”. Qua đó, tiếp tục tạo được sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, được dư luận đánh giá cao, củng cố lòng tin của nhân dân vào quyết tâm phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước.

Những kết quả ấy đã được chứng minh bằng những vụ án chấn động dư luận (gây thiệt hại nhiều tài sản quốc gia, thất thu ngân sách hàng nghìn tỷ đồng) và được tổng hợp trong Báo cáo của Thanh tra Chính phủ trình bày trước Quốc hội. Mặc dù năm 2018 chưa kết thúc, song qua hoạt động thanh tra đã phát hiện 78 vụ, 106 đối tượng tham nhũng và liên quan đến tham nhũng (tăng 14,7% số vụ so năm trước); qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo phát hiện 40 vụ, 87 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng (tăng 66,7% số vụ). Cơ quan điều tra của lực lượng Công an nhân dân đã thụ lý điều tra 427 vụ án, 889 bị can phạm tội về tham nhũng; đã kết luận điều tra đề nghị truy tố 212 vụ, 488 bị can. Viện kiểm sát các cấp thụ lý giải quyết 278 vụ, 678 bị can (án mới 243 vụ, 599 bị can) tăng 23 vụ, 107 bị can so với cùng kỳ 2017; đã giải quyết 250 vụ, 595 bị can, đạt tỷ lệ 90%, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước. Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 340 vụ với 827 bị cáo (giảm 1,5% số vụ, tăng 9,1% số đối tượng); đã xét xử sơ thẩm 200 vụ, 472 bị cáo về các tội danh tham nhũng, trong đó tỷ lệ tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng chiếm 41,5% (giảm 8,2% so với cùng kỳ); đã tuyên phạt chín án tử hình, tù chung thân (tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2017)…

Nhìn vào số liệu, như đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhắc nhở, chúng ta chẳng vui vẻ gì mà thật sự thấy đau lòng khi phải xử lý kỷ luật cán bộ.

Tổ chức minh bạch quốc tế cũng đã đánh giá tình hình tham nhũng ở Việt Nam đang có chiều hướng thuyên giảm và xếp hạng về chỉ số cảm nhận tham nhũng năm 2017 của Việt Nam 35/100 điểm (tăng 2 điểm so với năm 2016). Như vậy, với những kết quả đạt được trong công tác PCTN năm 2018 càng cho chúng ta thêm niềm tin vào chiến thắng tất yếu trong cuộc chiến với “giặc nội xâm” lần này.

Quyết giữ lửa chống tham nhũng ảnh 1

Các đại biểu Quốc hội trao đổi trong hành lang hội trường.

Cần tạo sức mạnh liên hoàn

Trong các phiên thảo luận, không ít ĐBQH đã thẳng thắn chỉ ra những “lỗ hổng” luật pháp, “lỗ hổng” đạo đức khiến một bộ phận không nhỏ cán bộ thoái hóa, biến chất, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng.

Vấn đề đặt ra lúc này là làm sao để giữ “lò chống tham nhũng” luôn rực lửa? Muốn thế, cần tạo ra sức mạnh liên hoàn.

Muốn tạo sức mạnh liên hoàn, trước hết cần nhanh chóng tìm ra nguyên nhân, khắc phục những tồn tại, hạn chế.

Trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã nhấn mạnh một số nội dung cần được tập trung khắc phục trong năm 2019, đó là: Một số cơ quan, đơn vị thực thi pháp luật chưa nghiêm, kỷ cương, kỷ luật còn bị buông lỏng. Một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu chưa nhận thức sâu sắc mức độ nghiêm trọng của tình hình tham nhũng ở địa phương, lĩnh vực mình quản lý, chưa thật sự gương mẫu trong phòng, chống tham nhũng nên dẫn đến tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, “trên chuyển, dưới chưa chuyển”. Việc thực hiện công khai, minh bạch trách nhiệm giải trình trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở một số nơi chưa tốt. Chưa kiểm soát được thực chất tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Chưa có cơ chế đủ mạnh để kiểm soát quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn…

Tiếp công dân là nhiệm vụ rất quan trọng trong quản lý nhà nước, thời gian qua, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo đã có nhiều chuyển biến tích cực; tuy nhiên, một số bộ, ngành, địa phương, người đứng đầu chưa thực hiện nghiêm việc tiếp công dân theo quy định, dẫn đến việc người dân khiếu nại, tố cáo vượt cấp, kéo dài. Công tác bảo vệ người tố cáo nói chung, tố cáo tham nhũng nói riêng mặc dù đã được tăng cường, nhưng vẫn có tình trạng ngăn cản, đe dọa người tố cáo làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, trật tự xã hội…

Còn tồn tại những bất cập trên, theo nhiều chuyên gia lập pháp, là bởi chúng ta chưa hoàn thiện hệ thống pháp luật về PCTN. Chính vì thế, dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) gồm 11 chương, 98 điều, sau nhiều lần đưa ra bàn thảo tại nhiều cấp, đang được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ sáu này. Sớm thông qua Luật PCTN (sửa đổi) và các văn bản quy định chi tiết thi hành để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong công tác PCTN, trong đó chú trọng hoàn thiện các quy định để kiểm soát thực chất được tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn cũng là giải pháp nhận được sự đồng tình của đa số ĐBQH.

Đất nước đang đứng trước nhiều thách thức và cơ hội mới, hơn bao giờ hết, đạo đức công vụ, tinh thần nêu gương, ý thức trách nhiệm, tự giác… là đòi hỏi, là kỳ vọng của nhân dân vào đội ngũ cán bộ hôm nay.