Hội nghị lần thứ tám, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII

Quyết định nhiều vấn đề quan trọng giữa nhiệm kỳ

Hội nghị Trung ương lần này diễn ra đúng vào thời điểm giữa nhiệm kỳ khóa XII. Đây cũng là năm bản lề, có ý nghĩa quyết định đối với việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII, và là năm khởi đầu cho việc chuẩn bị Đại hội XIII của Đảng. Vì thế, nhiều vấn đề quan trọng, liên quan trực tiếp đến việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh… được xem xét quyết định đồng thời với những giải pháp, kế hoạch thực hiện.

Toàn cảnh Hội nghị lần thứ tám, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII. Ảnh: TRẦN HẢI
Toàn cảnh Hội nghị lần thứ tám, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII. Ảnh: TRẦN HẢI

Tạo đột phá phát triển kinh tế - xã hội

Trong khuôn khổ chương trình làm việc, Hội nghị tập trung thảo luận, cho ý kiến về: Tình hình KT-XH, tài chính - ngân sách nhà nước năm 2018 và dự kiến kế hoạch năm 2019; Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020; Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; Thành lập các tiểu ban chuẩn bị Đại hội lần thứ XIII của Đảng; xem xét một số vấn đề về công tác cán bộ và một số vấn đề quan trọng khác.

Theo các báo cáo của Ban cán sự đảng Chính phủ, trên cơ sở kết quả 9 tháng, ước cả năm 2018, nhìn chung tình hình KT-XH sẽ đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong đó có tám chỉ tiêu vượt. Với kết quả đạt được của năm bản lề 2018 này, tình hình đất nước trên các lĩnh vực trong ba năm 2016 - 2018 phát triển đúng hướng, chuyển biến rõ nét hơn giai đoạn trước. Dự báo sẽ đạt được các mục tiêu kế hoạch 5 năm (2016 - 2020) mà Nghị quyết Ðại hội Ðảng lần thứ XII đã đề ra, trong đó đến nay 11 chỉ tiêu đạt và vượt.

Quyết định nhiều vấn đề quan trọng giữa nhiệm kỳ ảnh 1

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: PHƯƠNG HOA (TTXVN)


Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đáng ghi nhận, vẫn còn những hạn chế, yếu kém đang đòi hỏi giải pháp khắc phục hiệu quả, như: Việc thực hiện ba đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng còn gặp nhiều khó khăn. Nguồn lực để thực hiện chính sách văn hóa - xã hội còn hạn chế; một số chính sách chậm được ban hành hoặc chưa được tổ chức thực hiện tốt; chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, miền và các tầng lớp nhân dân còn lớn và có xu hướng gia tăng; còn tồn tại nhiều vấn đề xã hội bức xúc, ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục, xây dựng con người, quản lý, bảo vệ tài nguyên, môi trường; khiếu kiện về đất đai vẫn còn phức tạp. Các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị tiếp tục chống phá với nhiều phương thức, thủ đoạn mới,…

Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị nhằm gợi mở, nêu vấn đề - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị, các đồng chí Trung ương nghiên cứu kỹ các tài liệu, căn cứ vào thực tế tình hình đất nước và nơi công tác để thảo luận, đánh giá khách quan, toàn diện, chỉ rõ những kết quả, thành tích đã đạt được, những hạn chế, yếu kém còn tồn tại và nguyên nhân. Sau những lưu ý về công tác dự báo, phân tích các khả năng có thể xảy ra trong thời gian tới, nhất là việc nắm bắt những thời cơ, thuận lợi - Tổng Bí thư nhấn mạnh đến công tác tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 09 về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020; từ đó đề xuất với Trung ương xem xét, ban hành Nghị quyết mới về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chú ý tập trung làm rõ nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, yếu kém để tìm giải pháp khắc phục, như: Một số chỉ tiêu phát triển kinh tế biển và ven biển khó đạt được vào năm 2020. Một số ngành, lĩnh vực kinh tế biển được xác định ưu tiên đầu tư nhưng phát triển chậm, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Quy hoạch các khu vực ven biển và một số ngành, lĩnh vực còn nhiều bất cập. Nguy cơ ô nhiễm môi trường biển, đảo vẫn lớn; biến đổi khí hậu, nước biển dâng diễn biến phức tạp và có tác động tiêu cực ngày càng rõ nét…

Siết lại trách nhiệm nêu gương

Tại Hội nghị lần này, Bộ Chính trị trình Ban Chấp hành Trung ương xem xét, quyết định việc ban hành Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Như vậy, một lần nữa “trách nhiệm nêu gương” được đặt ra nhằm hoàn thiện hơn các quy định liên quan đạo đức cán bộ, đảng viên, đáp ứng đòi hỏi thực tiễn công cuộc phát triển đất nước.

Trước đó, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã có nhiều chủ trương, quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Gần đây nhất là Quy định số 47 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về những điều đảng viên không được làm; Quy định số 101 của Ban Bí thư khóa XI về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; Quy định số 55 của Bộ Chính trị khóa XII về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên và nội dung này cũng đã được đề cập ở nhiều nghị quyết, chỉ thị, quy định khác của Đảng.

Nhờ có những chủ trương, quy định đúng đắn và kịp thời đó, ý thức trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên đã từng bước được nâng lên, tạo sự chuyển biến tích cực về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong làm việc; ý thức tổ chức kỷ luật và đoàn kết nội bộ.

Tuy nhiên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhìn nhận, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện vẫn còn bất cập, hiệu quả chưa cao, chưa tạo được sức lan tỏa lớn. Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp chưa xác định rõ trách nhiệm và chưa thật sự gương mẫu trong rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống, tác phong với những biểu hiện như nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít, có cán bộ còn trục lợi, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; đặc biệt có cán bộ lãnh đạo cấp cao, cả đương chức và nghỉ hưu, đã vi phạm nghiêm trọng kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Để khắc phục tình trạng nêu trên và tiếp tục đẩy mạnh việc đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, Dự thảo Quy định đã nêu 9 nội dung yêu cầu từng đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải gương mẫu đi đầu thực hiện và 9 nội dung phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống. Một trong những điểm nổi bật của Dự thảo Quy định về người đứng đầu cơ quan, đơn vị chủ động từ chức khi không đủ điều kiện, uy tín hoặc để cán bộ cấp dưới trực tiếp tham nhũng, cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng; không tranh công đổ lỗi,… Từng Ủy viên phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa thành tích, “tư duy nhiệm kỳ”, công thần, tự cao, tự đại, háo danh, phô trương, “đánh bóng” tên tuổi...