Phát triển bền vững trong bối cảnh đại dịch

Việt Nam dự kiến tăng trưởng gần 3% năm 2020, theo Báo cáo “Điểm lại” 2020 của Ngân hàng Thế giới (WB), vừa công bố đầu tuần này. Thời gian tới, triển vọng là tích cực, với mức tăng trưởng khoảng 6,8% trong năm 2021 và ổn định quanh mức 6,5% các năm tiếp theo. Trong khi đó, kinh tế thế giới năm 2020 dự kiến suy giảm ít nhất 4% và triển vọng cho năm 2021 còn bất định.

Cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính được đẩy mạnh.
Cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính được đẩy mạnh.

Điểm sáng hiếm hoi

Ở thời điểm chỉ còn vài ngày nữa là khép lại năm 2020 đầy sóng gió, Việt Nam là nền kinh tế duy nhất trong khu vực (cũng nằm trong số rất ít nền kinh tế trên thế giới) tăng trưởng dương. 

Trước WB, thận trọng hơn, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng công bố Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) 2020, trong đó dự báo kinh tế Việt Nam năm 2020 sẽ tăng 2,3%, nghĩa là cao hơn dự báo 1,8% đưa ra hồi tháng 9-2020. Triển vọng về trung hạn và dài hạn, theo ADB, rất tích cực, mà nguyên nhân chính vẫn là nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh và tham gia nhiều hiệp định thương mại song phương và đa phương, có độ mở kinh tế cao. 

Còn theo dự báo mới nhất từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2020 có thể đạt 2,4% (so với mức 1,6% trong dự báo trước đó), thuộc nhóm cao nhất thế giới. Năm 2021, IMF cho rằng Việt Nam sẽ tăng trưởng tới 6,4% và lạm phát dự kiến gần với mục tiêu của Chính phủ là 4%. Standard Chartered thậm chí còn lạc quan hơn khi cho rằng năm 2020 tăng trưởng của Việt Nam đạt mức 3% và năm 2021 đạt 7,8%, nhờ hoạt động tiêu dùng gia tăng và lĩnh vực sản xuất tăng tốc.

Cùng quan điểm, các chuyên gia kinh tế trong nước hầu như đều đồng thuận về mô hình “chữ V” cho biểu đồ tăng trưởng kinh tế với dự kiến mức tăng trưởng GDP của năm 2021 từ 6,5 - 7%. Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam cuối kỳ 2020, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc phát biểu: “Những thành công về mặt kinh tế nói trên là kết quả của những nỗ lực kiên trì, không mệt mỏi của Nhà nước từ đầu năm đến nay, trong việc khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh và tạo thuận lợi cho sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp”. 

Thực tế, nhiều cơ hội mới đã được mở ra với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam với hàng loạt hiệp định thương mại tự do được ký kết và có hiệu lực. Quốc hội thông qua nhiều đạo luật điều chỉnh hoạt động đầu tư kinh doanh theo hướng thông thoáng hơn, như Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Luật Đầu tư sửa đổi, Luật Xây dựng sửa đổi, Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư…

Ngay từ đầu năm, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 02 về tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực kinh doanh với nhiều giải pháp cụ thể. Cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính được đẩy mạnh tích hợp số thủ tục hành chính mới lên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Tính đến cuối tháng 9-2020, trên Cổng Dịch vụ công quốc gia đã có gần 1.300 thủ tục hành chính cung cấp dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 818 dịch vụ công dành cho doanh nghiệp… Đặc biệt vào tháng 5-2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68 về cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025, với mục tiêu rất cụ thể là giảm 20% số quy định và 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan hoạt động kinh doanh. 

Tất nhiên, những dự báo nêu trên dựa trên giả định rằng khủng hoảng Covid-19 sẽ dần được kiểm soát, các loại vắc-xin ngừa Covid-19 chứng minh được tính hiệu quả. Quy mô và thời gian kéo dài của đại dịch cũng như những tác động kinh tế của nó khó có thể lường trước và do đó những rủi ro tiềm tàng về tài khóa, tài chính và xã hội đòi hỏi các cấp có thẩm quyền quan tâm hơn nữa.

Tiên phong trong “phục hồi xanh”

Không thể phủ nhận nguyên nhân quan trọng nhất trong thành công của Việt Nam năm 2020 là đã khống chế thành công đại dịch Covid-19. Theo GS - TSKH Nguyễn Mại, với thành công này, Việt Nam đã chứng tỏ được hai lợi thế quan trọng. Đó là năng lực xử lý của Chính phủ trước sự cố khủng hoảng toàn cầu và khả năng chống chịu bền bỉ của nền kinh tế, của cộng đồng doanh nghiệp. 

Có lẽ chính vì thế mà Báo cáo “Điểm lại” của WB lần này lấy tiêu đề “Từ Covid-19 đến biến đổi khí hậu: Làm thế nào để Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong phục hồi xanh”. Bản Báo cáo sử dụng hình tượng chiếc khẩu trang để nêu lên vấn đề rất đáng suy nghĩ: Người dân Việt Nam, đặc biệt là trong nhiều tháng gần đây, ra đường với chiếc khẩu trang, không chỉ để ngăn ngừa dịch bệnh, mà còn vì phải “vật lộn” một cách khó khăn với tình trạng ô nhiễm không khí. Kinh nghiệm ứng phó linh hoạt và hiệu quả trước đại dịch Covid-19 có ý nghĩa như thế nào trong đối phó với một vấn đề dai dẳng hơn, khó xử lý hơn nhiều: ô nhiễm? Làm thế nào để trụ cột thứ ba - môi trường không bị khập khiễng, bảo đảm cho quá trình phát triển bền vững?  

Cũng giống như đại dịch, những thảm họa về khí hậu và môi trường cũng gây ra thiệt hại rất lớn về người và của và đều cho thấy cuộc sống con người rất mong manh. Ước tính, ô nhiễm không khí là nguyên nhân dẫn đến khoảng 60.000 ca tử vong mỗi năm. Đợt bão lụt lịch sử tại miền trung vừa qua làm hơn 240 người thương vong và khoảng 250.000 ngôi nhà bị hư hại hoặc phá hủy, là một lời nhắc nhở đau đớn về sự mong manh này. 

Hai bài học rút ra qua quản lý thành công khủng hoảng Covid-19 có thể được áp dụng để giải quyết tốt hơn các vấn đề môi trường, theo các chuyên gia WB. Thứ nhất, cách tốt nhất để đối phó với cú sốc bên ngoài là phải chuẩn bị từ trước, đồng thời phải hành động sớm và kiên quyết. Thứ hai, ngoài tầm nhìn và năng lực, việc tạo điều kiện thử nghiệm cách làm mới sáng tạo cũng góp phần thay đổi hành vi của cá nhân và tập thể - nền tảng cho các chiến lược ứng phó những nguy cơ về y tế và khí hậu.

Việc Việt Nam có thể đạt được khát vọng trở thành nền kinh tế thu nhập cao trước năm 2045 hay không không chỉ dựa vào khả năng Việt Nam vượt qua khủng hoảng Covid-19 thành công, mà còn dựa vào sự hiệu quả trong quản lý các nguồn tài nguyên và rủi ro khí hậu. “Phát triển kinh tế không chỉ để làm ra thêm của cải mà còn là không phá hủy những gì đang có”, bản Báo cáo nhận định.

Và đó đúng là điều không thể tranh cãi.