Ðổi mới ngành sư phạm, nâng cao chất lượng người thầy

Trước thềm năm học mới, một hội thảo được Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tổ chức "đột xuất" ngày 27-8 tại Trường đại học Sư phạm Hà Nội 2, nhằm tổng hợp ý kiến của các nhà khoa học, các nhà chuyên môn kiến nghị, đề xuất lên Chính phủ "các giải pháp ổn định, phát triển và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên".

Sinh viên Trường đại học Sư phạm Thái Nguyên trong giờ thực hành.
Sinh viên Trường đại học Sư phạm Thái Nguyên trong giờ thực hành.

Theo Ban Tổ chức, dù thời gian chuẩn bị ngắn, song đã nhận được sự nhiệt tình hưởng ứng của các cơ sở có đào tạo ngành sư phạm.

Trước hết là đổi mới mô hình đào tạo

Ðổi mới giáo dục gắn liền với đổi mới đào tạo đội ngũ giáo viên (GV). Ðổi mới đào tạo giáo viên (ÐTGV) sẽ góp phần quan trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Ðó là mối quan hệ nhân-quả có tính tất yếu. Xét về quy mô, số liệu thống kê cho thấy, nếu tính cả 40 trường trung cấp đa ngành đang đào tạo GV mầm non thì cả nước có đến 154 cơ sở ÐTGV, với mật độ số trường/tỉnh tập trung nhiều ở: đồng bằng sông Hồng (2,45); Bắc Trung Bộ (2,2); Ðông Nam Bộ (2,1) và Nam Trung Bộ (2,0). Các cơ sở ÐTGV này hằng năm tổng tuyển sinh khoảng 23.000 sinh viên đại học sư phạm chính quy, 26.000 sinh viên cao đẳng sư phạm chính quy; trong khi đó, mỗi năm có khoảng gần 20 nghìn GV về hưu.

Quy mô ÐTGV như trên đang phải chịu tác động trực tiếp của các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành, có hiệu lực, hoàn thiện cơ chế nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng GV đáp ứng yêu cầu đổi mới.

Kết thúc năm học 2018-2019, ngày 14-6-2019, Quốc hội đã ban hành Luật Giáo dục (sửa đổi, bổ sung năm 2019), ngày 1-7-2020 bắt đầu có hiệu lực. Theo đó cần nâng chuẩn GV các cấp lên trình độ đại học, chỉ có GV mầm non là ở trình độ cao đẳng. Việc thay đổi chương trình, sách giáo khoa phổ thông đã khởi động. Thêm vào đó, lộ trình đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, các chủ trương, cơ chế nhằm thúc đẩy, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng đang được các ngành, các cấp, các địa phương quan tâm vào thời điểm cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra sâu rộng.

Trước bối cảnh ấy, nhiều chuyên gia nêu ý kiến "vấn đề đặt ra với ngành sư phạm ở nước ta hiện nay là đổi mới về mô hình". Trong thời kỳ đầu đổi mới giáo dục đại học, Nhà nước cũng đã có chủ trương xây dựng các trường đại học mạnh theo mô hình đa lĩnh vực (các đại học quốc gia và đại học vùng), tuy tiến trình diễn ra không hoàn toàn suôn sẻ, dẫn đến hình thành các đại học "hai cấp". Các trường đại học sư phạm thì phần lớn vẫn duy trì mô hình đại học đơn lĩnh vực khép kín, trừ một số trường đã chủ động thực hiện đa lĩnh vực hóa và đổi tên (Trường đại học Vinh, Trường đại học Hải Phòng, Trường đại học Quy Nhơn). GS, TSKH Lâm Quang Thiệp (Trường đại học Thăng Long) phân tích, sở dĩ đại học đa lĩnh vực là mô hình trường đại học tối ưu trong nền kinh tế thị trường vì mô hình đó: 1) giúp trang bị tốt nền tảng giáo dục khai phóng (đào tạo theo diện rộng, coi trọng giáo dục đại cương); 2) thuận lợi trong nghiên cứu khoa học và phục vụ xã hội; 3) dễ thích nghi với biến động của thị trường nhân lực.

"Có thể thấy một lý do quan trọng tạo nên khó khăn trong tuyển sinh ở các trường đại học sư phạm là ở mô hình trường sư phạm đơn lĩnh vực khép kín. Vì vậy, trong điều kiện định hướng thị trường việc ÐTGV nên triển khai trong các trường đại học đa lĩnh vực chứ không nên co cụm trong các trường đại học sư phạm đơn lĩnh vực khép kín", GS Thiệp đề xuất.

Chung quan điểm, trong bài phát biểu tổng kết hội thảo, GS Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của đổi mới mô hình ÐTGV. Kiến nghị của nhiều nhà giáo dục thống nhất: Không nên duy trì việc ÐTGV trong các trường đại học sư phạm khép kín; để cho các trường đại học sư phạm tự chủ phát triển thành các đại học đa lĩnh vực, trong đó có thể ưu tiên lĩnh vực sư phạm. Nên lựa chọn mô hình quy trình đào tạo nối tiếp, đặc biệt đối với giáo viên phổ thông trung học. Khi tiềm lực kinh tế của đất nước bảo đảm, nên ưu tiên đào tạo giáo viên phổ thông trung học theo mô hình: cử nhân khoa học cơ bản + cao học nghiệp vụ sư phạm. Cùng đó, nên ban hành quy chế liên thông giữa các trường đại học khoa học cơ bản và kỹ thuật công, nông nghiệp tương ứng với các trường đại học sư phạm và sư phạm kỹ thuật. Và để thu hút sinh viên, Nhà nước cần có chính sách tín dụng và học bổng ưu tiên cho sinh viên sư phạm, chính sách miễn hoàn trả tín dụng nếu họ hành nghề sư phạm; Nhà nước cố gắng nâng hệ thống lương GV ở mức độ có thể.

Theo nguyên tắc cung-cầu

Qua trao đổi ý kiến với Nhân Dân cuối tuần, GS, TS Ðinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Hà Nội, đề cập phẩm chất, đặc điểm của GV hôm nay là phải có nền tri thức rộng. Ðó cũng là theo nguyên tắc cung-cầu, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn. Tri thức rộng là phẩm chất cần có của công dân trong bối cảnh toàn cầu hóa, bối cảnh kinh tế tri thức. GV với tư cách là nhà giáo dục thì tri thức rộng là yếu tố quan trọng trong năng lực nghề nghiệp. Tri thức rộng ở đây là nội dung giáo dục học sinh (HS), là năng lực dạy học, giáo dục. Khi nói khía cạnh nội dung giáo dục thì GV phải biết rằng một kiến thức khoa học ngày nay chỉ được hiểu sâu sắc, chỉ có giá trị từ nhận thức, giá trị vận dụng trong tình huống lý thuyết và thực tiễn khi kiến thức đó là kết quả của sự tích hợp tri thức liên môn, liên ngành. "Khi đề cập khía cạnh năng lực giáo dục thì đó là một tiếp cận, một phương pháp tổ chức hoạt động học của HS. Ngày nay, dạy học tích hợp các khoa học đang là xu hướng giáo dục phổ thông hiện đại vì tích hợp vừa là bản chất của tri thức khoa học, vừa là phương pháp hoặc nhận thức", GS Ðinh Quang Báo đề cập.

Từ nhu cầu thực tiễn ấy, tự thân mỗi sinh viên sư phạm, mỗi GV phải nỗ lực tự học, tự rèn luyện, tự đào tạo là rõ ràng; song quản lý nhà nước lúc này cũng cần theo nguyên tắc cung-cầu, có thể theo hai cơ chế: cơ chế đặt hàng và cơ chế dựa vào tín hiệu của thị trường.

Một số chuyên gia đề xuất, trong công tác ÐTGV, người đặt hàng cho các trường sư phạm có thể là Bộ hoặc các Sở GD&ÐT, căn cứ vào dự báo nhu cầu về các cấp GV và các bậc học. Hiển nhiên, muốn đặt hàng chính xác phải dự báo đúng nhu cầu GV. Nếu việc đặt hàng được kèm theo các điều kiện cung cấp tài chính thì càng tốt. Còn nếu theo cơ chế dựa vào tín hiệu của thị trường thì cần bảo đảm cho sinh viên có thể tự điều chỉnh ngành nghề. Ðào tạo nối tiếp chính là quy trình tạo cơ hội cho sinh viên lựa chọn chính xác ngành nghề sau hai năm đầu đại học. Cơ chế tín dụng ưu đãi cho sinh viên sư phạm và miễn hoàn trả sau khi tốt nghiệp nếu họ hành nghề sư phạm cũng giúp sinh viên điều chỉnh theo thị trường.

Về lâu dài, các cơ sở sư phạm từng bước chuyển thành trường giáo dục trong các trường đại học đa lĩnh vực hoặc khoa sư phạm trong các trường đại học địa phương/cao đẳng cộng đồng để có sự ổn định trong hoạt động, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo và huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn cơ sở giáo dục đại học trong ÐTGV khi xuất hiện nhu cầu lớn, chuyển nhiệm vụ đối với các cơ sở ÐTGV không bảo đảm chất lượng.

Như vậy, muốn nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, một trong nhiều vấn đề quan trọng cần giải quyết là nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên. Ðây là vấn đề rất lớn, liên quan những giải pháp tổng hợp về kinh tế - xã hội, cụ thể là liên quan đến mức đầu tư thích đáng của Nhà nước, đến hệ thống chính sách.

Kiến nghị của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam về việc sắp xếp các cơ sở ÐTGV:

- Cơ bản giữ nguyên hệ thống các cơ sở sư phạm như hiện nay. Thực hiện phân tầng hệ thống này thành các trường ÐH sư phạm/ÐH giáo dục trọng điểm, các cơ sở sư phạm trung ương, các trường/khoa ÐHSP địa phương, các trường/khoa CÐSP địa phương. Nhà nước có chính sách hỗ trợ sớm thành lập trường thực hành chất lượng cao trong các trường/khoa sư phạm.

- Thực hiện đào tạo và bồi dưỡng GV chủ yếu theo địa chỉ (không theo cơ chế thị trường). Xây dựng cơ chế "đặt hàng đào tạo giáo viên" từ các địa phương.

- Sinh viên sư phạm phải được ưu tiên vay tín dụng nhà nước và được xóa nợ tín dụng nếu chấp nhận làm việc trong ngành sư phạm.

- Bộ GD&ÐT quy định các chuẩn của cơ sở sư phạm, chuẩn chương trình ÐTGV (nội dung cứng) và các chuẩn khác để tạo cơ chế liên thông, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống giáo dục.

- Việc nâng chuẩn trình độ của GV (như theo Luật Giáo dục sửa đổi, bổ sung năm 2019) phải gắn liền với quy hoạch nâng cấp đào tạo của các cơ sở ÐTGV.