Ðổi mới mạnh mẽ phong trào thi đua yêu nước

Với chủ đề “Ðoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, Ðại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X diễn ra trong hai ngày 9 và 10-12 tại Thủ đô Hà Nội, quy tụ 2.020 đại biểu chính thức. Ðây cũng là 2.020 tấm gương tiêu biểu cho  trí tuệ, tâm huyết và sự nỗ lực trong lao động, sáng tạo, làm nên nhiều thành tích ở các lĩnh vực khác nhau, góp phần lớn vào thành tựu chung của đất nước 5 năm qua, động viên, cổ vũ lan tỏa những điều tốt đẹp thời gian tới.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân gặp mặt các đại biểu dự Ðại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X. Ảnh: Trần Hải
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân gặp mặt các đại biểu dự Ðại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X. Ảnh: Trần Hải

Sinh thời Bác Hồ kính yêu của chúng ta thường nhắc nhở: “Mỗi người tốt, mỗi việc tốt là một bông hoa đẹp, cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp”. Trong mỗi giai đoạn lịch sử cách mạng, Người cũng luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến các phong trào thi đua yêu nước, đến công tác khen thưởng, khích lệ, động viên kịp thời những tấm gương lao động, sản xuất giỏi.

Theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 27-3-1948, Ban Chấp hành Trung ương Ðảng đã ra Chỉ thị phát động phong trào thi đua ái quốc. Ngày 11-6-1948, Hồ Chủ tịch đã ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, phát động phong trào thi đua yêu nước trên toàn quốc và ghi rõ: “Bổn phận của người dân Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh; bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua nhau: Làm cho mau, làm cho tốt, làm cho nhiều… Thi đua ái quốc sẽ ăn sâu, lan rộng khắp mọi mặt và mọi tầng lớp nhân dân, và sẽ giúp ta dẹp tan mọi nỗi khó khăn và mọi âm mưu của địch để đi đến thắng lợi cuối cùng”.

Suốt 72 năm qua, quán triệt, thấm nhuần sâu sắc tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các cấp, các ngành đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng, trọng tâm là Chỉ thị số 34-CT/TW, ngày 7-4-2014 của Bộ Chính trị (Khóa XI) về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng. Qua đó, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, vị trí và tác dụng to lớn của công tác thi đua, khen thưởng, coi thi đua yêu nước là động lực to lớn thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Trong số hơn hai nghìn đại biểu về dự Ðại hội, có tới 1.212 đại biểu điển hình tiên tiến xuất sắc trong các phong trào thi đua yêu nước, là người trực tiếp lao động sản xuất trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa xã hội, quốc phòng, an ninh của các bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, chiếm 60%; 165 đại biểu tiêu biểu đại diện các ngành nghề, các lĩnh vực: thầy thuốc, nhà giáo, nghệ nhân, nghệ sĩ, nhà khoa học, nhà văn, cá nhân được Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước; nhà báo; tài năng trẻ; cựu chiến binh; cựu thanh niên xung phong; tôn giáo, nhân sĩ, trí thức; người có công với cách mạng, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ; điển hình tiêu biểu trong hoạt động từ thiện xã hội, chiếm 8,2%; 191 đại biểu là người dân tộc thiểu số, chiếm 9,5%,…

Ðại biểu cao tuổi nhất là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Ngô Thị Quýt (TP Hồ Chí Minh), năm nay 95 tuổi. Ðại biểu nhỏ tuổi nhất là em Phan Nguyễn Thái Bảo, 10 tuổi, học sinh lớp 4A, Trường tiểu học Bình Phong (huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh) có nhiều thành tích trong học tập. Tất cả các đại biểu đều được bầu chọn từ cấp cơ sở, với rất nhiều sáng kiến, sáng tạo, những thành tựu nổi bật được ghi nhận và có đóng góp, lan tỏa trong thực tiễn.

Trên cơ sở tổng kết phong trào thi đua yêu nước, công tác khen thưởng trong 5 năm (2016-2020), Ðại hội lần này rút ra bài học kinh nghiệm thiết thực về nội dung, hình thức, phương thức tổ chức các phong trào thi đua yêu nước; về kinh nghiệm xây dựng, nhân rộng điển hình tiên tiến nhằm tiếp tục đổi mới và phát triển mạnh mẽ phong trào thi đua yêu nước, công tác khen thưởng giai đoạn tiếp theo, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Ðổi mới mạnh mẽ phong trào thi đua yêu nước -0

Cán bộ, chiến sĩ Trạm Ra-đa 3512 (Vùng 3 Hải quân) giúp người dân xã Cát Hải, huyện Phù Cát (Bình Ðịnh) sửa chữa, lợp mái nhà bị tốc ngói sau bão số 9. Ảnh: THÚY DIỆU

Từ đó, đề ra mục tiêu, phương hướng nhiệm vụ của phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng giai đoạn 2020-2025; tôn vinh các tập thể, cá nhân anh hùng, chiến sĩ thi đua, các gương điển hình tiên tiến tiêu biểu trong các phong trào thi đua yêu nước 5 năm qua; tiếp tục khơi dậy sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết dân tộc; tạo động lực mới nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước. Ðồng thời, phát động phong trào thi đua trên các lĩnh vực của đời sống xã hội và tiếp tục đẩy mạnh bốn phong trào thi đua trọng tâm do Thủ tướng Chính phủ phát động: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”, gắn với đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng trong tình hình mới theo Chỉ thị số 34-CT/TW của Bộ Chính trị và Luật Thi đua, khen thưởng.

Trong 5 năm tới, tình hình thế giới và trong nước có cả thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen, đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới nặng nề, phức tạp hơn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tình hình thiên tai, dịch bệnh, nhất là đại dịch Covid-19 có thể còn kéo dài. Ðể thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần Nghị quyết Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Ðảng sắp tới, phát huy truyền thống thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và thành quả thời gian qua, các đại biểu dự Ðại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X từ thực tiễn lao động, sáng tạo, nhất định sẽ đóng góp những ý kiến quan trọng, tâm huyết, thiết thực cho công cuộc phát triển chung. Hơn thế, trở về với đời thường, “những bông hoa đẹp” hôm nay sẽ không ngừng lan tỏa, tiếp thêm động lực cho cộng đồng, cùng tiếp tục nỗ lực xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh, thịnh vượng.

Thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”, trên tinh thần “Ðoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, Ðại hội lần này thể hiện quyết tâm thực hiện tốt nội dung chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và nội dung phát động thi đua trong giai đoạn tới của đồng chí Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương.