Ðòi hỏi từ thực tiễn

Dịch Covid-19 đã và đang gây ra nhiều tác động tiêu cực đến kinh tế - xã hội toàn cầu. Nhưng “trong nguy có cơ” không phải là một câu nói mang tính tự an ủi trong trường hợp này. Thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng cũng đã có những chuyển biến bất ngờ và tích cực nhờ tác động của dịch Covid-19, trong đó phải kể tới động lực lập pháp rất mạnh mẽ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2-2020. Ảnh: Thanh Hải
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2-2020. Ảnh: Thanh Hải

Giảm ô nhiễm, bảo vệ động vật hoang dã

Nói không sợ quá lời, hàng trăm tổ chức bảo vệ môi trường vừa qua đã phải trầm trồ kinh ngạc vì ước tính lượng phát thải khí nhà kính ở Trung Quốc đã giảm ít nhất một phần tư trong suốt nhiều tuần - một việc mà ngay cả chỉ đặt mục tiêu thôi, cũng không tổ chức nào dám tham vọng đến thế. Nhà nghiên cứu Lưu Phi của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) nhận xét: “Ðây là lần đầu tiên tôi chứng kiến sự sụt giảm đáng kinh ngạc trên diện rộng như vậy”.

Trong một diễn biến khác, ngày 24-2 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc thông báo quyết định cấm hoàn toàn việc săn bắn, mua bán, nuôi nhốt, tiêu thụ động vật hoang dã, kể cả việc vận chuyển động vật hoang dã để tiêu thụ. Những người phạm tội sẽ bị “trừng phạt đích đáng”. Lệnh cấm có hiệu lực ngay lập tức. Việc sử dụng động vật hoang dã cho các mục đích khoa học và y tế thì được phép, nhưng quy trình quản lý sẽ được tăng cường.

Quyết định này có thể coi là một hành động lập pháp gây chấn động, bởi vì theo một nghiên cứu được Học viện Kỹ thuật Trung Quốc công bố năm 2017, ngành công nghiệp chăn nuôi và tiêu thụ động vật hoang dã của nước này có giá trị lên tới 520 tỷ nhân dân tệ (74 tỷ USD) và sử dụng hơn 14 triệu lao động. Hơn một nửa trong số đó - khoảng 7,6 triệu người - làm việc cho ngành công nghiệp lông và da, trị giá khoảng 390 tỷ nhân dân tệ (55,5 tỷ USD). Khoảng 6,2 triệu người làm việc trong các trang trại chăn nuôi hoặc chế biến động vật làm thực phẩm.

Sau lệnh cấm này, Trung Quốc chắc chắn có rất nhiều việc phải làm để bảo đảm thượng tôn pháp luật, đồng thời không làm xáo trộn nếp sống, tập quán xã hội, thậm chí là sinh kế của một bộ phận không nhỏ dân chúng. Nhưng chỉ riêng việc ban bố quyết định này đã thỏa “mơ ước bấy lâu” của các nhà bảo vệ môi trường - những người đã nỗ lực không biết mệt mỏi hàng thập niên để đạt được mục tiêu này.

Tình hình đặc biệt cần giải pháp quyết liệt

Cần nhớ rằng, 17 năm trước, dịch bệnh do Hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng (SARS) đã giết chết hơn 800 người trên toàn thế giới, đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xác nhận có liên quan đến việc tiêu thụ động vật hoang dã. WHO cho biết, 70% mầm bệnh gây bệnh toàn cầu được phát hiện trong 50 năm qua đến từ động vật. Ðể tránh sự bùng phát của các dịch bệnh này, một động thái lập pháp quyết liệt như Trung Quốc đã làm có thể là một điều rất đáng suy nghĩ cho các nước khác, trong đó có Việt Nam nhằm đóng cửa vĩnh viễn các thị trường buôn bán động vật hoang dã trái phép và tăng cường thực thi pháp luật.

Tất nhiên, là một trong những quốc gia có dịch Covid-19, Việt Nam cũng ghi nhận nhiều ảnh hưởng nặng nề. Cuối tháng hai vừa qua, Tổng cục Thống kê cho biết, do tác động của dịch Covid-19, nhiều hoạt động của nền kinh tế bị giảm sút, từ sản xuất, thương mại, giá cả, vận tải và du lịch - dịch vụ… cho đến thu - chi ngân sách. Nhưng cũng không thể phủ nhận là tình trạng kẹt xe, tắc nghẽn giao thông tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh giảm xuống trông thấy. Tai nạn giao thông giảm và chất lượng không khí trong nhiều ngày qua tại các thành phố trước đó bị cảnh báo ô nhiễm cũng có phần được cải thiện.

Bên cạnh đó, Covid-19 cũng đã chỉ ra rất nhiều điểm yếu của hệ thống pháp luật, cần sớm được bổ sung, sửa đổi; không riêng gì cho việc ứng phó lần này.

Ðòi hỏi từ thực tiễn ảnh 1

Hành động rủ nhau treo biển, cố tình không bán vật tư y tế khi dịch bệnh diễn ra có thể xem là vi phạm pháp luật. Ảnh: DANH TRỌNG

Chẳng hạn, theo luật sư Trương Thanh Ðức, Chủ tịch Công ty Luật Basico, hiện chưa có quy định, hướng dẫn nào về chế độ nghỉ đối với người lao động bị cách ly vì nghi nhiễm Covid-19, khiến cho cả người sử dụng lao động và người lao động lúng túng, khó lòng giải quyết công bằng, thống nhất. Chiểu theo pháp luật về lao động hiện nay, kể cả theo Bộ luật Lao động mới nhất, sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2021, tuy đã có nhiều nội dung, quy định về chế độ đối với người lao động khi có dịch bệnh hoặc trường hợp bất khả kháng, thì người lao động bị cách ly vẫn không thể “xếp gọn” vào một trường hợp nào: việc chung, việc riêng hay ốm đau bệnh tật?

Rồi thì vì học sinh được nghỉ học dài ngày, nhất là các cháu nhỏ mầm non, mẫu giáo cần được phụ huynh trông coi, nên có một bộ phận người lao động bắt buộc phải nghỉ việc tạm thời hàng tuần liền. Nếu chủ doanh nghiệp khắt khe, họ có quyền đánh giá kỷ luật, trừ lương hay thậm chí sa thải người lao động vì nghỉ làm không có lý do. Thế nhưng như thế liệu có ổn? Thực tế đã xảy ra hai trường hợp: cách ly bắt buộc và cách ly tự nguyện. Ðối với trường hợp cách ly bắt buộc, Chính phủ tuyên bố trường hợp này ai phải chịu chi phí ăn ở cho người lao động, giờ giấc làm việc (nếu có), tiền lương, kể cả bảo hiểm. Ðối với cách ly tự nguyện - việc rất có lợi và cần thiết cho xã hội - thì giải quyết thế nào cho hợp lý, hợp tình, lại ngăn chặn được những trường hợp không trung thực, cố tình lợi dụng?

Nghỉ học hay không nghỉ học, trong bao lâu, ai quyết định, xử lý trách nhiệm nếu quyết định sai như thế nào? Hay như tình trạng tăng giá quá đáng đối với một số mặt hàng như khẩu trang, nước rửa tay khô trong những ngày dịch bệnh mới bùng phát. Trong khi hành động “rủ nhau” đồng loạt không bán khẩu trang được coi là vừa trái đạo đức, vừa vi phạm pháp luật (có thể bị xử lý 10% tổng doanh thu năm 2019 hoặc xử lý hình sự), thì các quy định để xử lý tình trạng đẩy giá cao lên “bất hợp lý” cần chặt chẽ, cụ thể hơn mới có thể khiến người dân hoàn toàn tâm phục khẩu phục. Tương tự là các quy định xử lý hành vi tung tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội…

Có lẽ cũng đã đến lúc nghĩ tới việc xây dựng một đạo luật về tình trạng khẩn cấp. Còn trong lúc chưa thể làm như thế, xã hội cần lắm những văn bản pháp luật kịp thời, quyết liệt và phân định rõ trách nhiệm.